top of page

8 điều bạn có thể đã hiểu sai về việc đọc cùng trẻ

Làm cho việc đọc sách trở thành một thói quen thú vị là một trong những điều quan trọng nhất, là món quà quý giá nhất bạn có thể làm cho con và cho chính bạn. Bạn càng vun đắp được niềm yêu thích đọc từ nhỏ, thì càng dễ giúp trẻ trở thành người đọc và người học suốt đời.


Bản thân mình đã chứng kiến việc bé Cá là một em bé rất yêu thích việc đọc sách ngay từ nhỏ, thậm chí trước một tuổi, Cá đã tự cầm sách lên và lật mở các trang sách. Đó là một quá trình mình đưa sách vào trong gia đình, giới thiệu sách với con từ trong bụng mẹ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.


Dưới đây là những điều mà mình tin rằng đôi khi cha mẹ đã hiểu sai về việc đọc cùng trẻ, khiến cho việc đọc không diễn ra vui vẻ như nó vốn là. Hãy cùng kiểm lại xem bạn từng có suy nghĩ nào về việc đọc sau đây không nhé.


1. "Trẻ phải đọc sách chữ mới tốt" => trẻ đọc gì cũng quý.

Nhiều cha mẹ lo lắng rằng trẻ chỉ thích đọc truyện có tranh, ít chữ, không thích nghe truyện dài. Hay lớn hơn chút nữa, khi đã tự đọc thì trẻ chỉ chọn truyện tranh. Thực tế thì các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để bố mẹ an tâm rằng: trẻ thích đọc sách đã là điều quý, và chỉ cần đó không phải là cuốn sách có nội dung sai trái, thì hãy cứ để trẻ đọc.


Việc đọc truyện tranh, hay truyện giả tưởng phi hư cấu đều sẽ giúp ích cho quá trình lớn lên của trẻ, không hẳn cứ phải là truyện chữ hay văn học kinh điển. Khi trẻ có sự say mê yêu thích việc đọc một thể loại nào đó, hãy cứ động viên trẻ. Đó sẽ là nền tảng để sau này, trẻ tìm đến các thể loại sách khác.


2. "Khi đọc phải ngồi ngay ngắn" => việc đọc nên ở trong một không gian thoải mái.

Ở trong một không gian ấm cúng trong khi đọc sách sẽ giúp tạo ra những kết nối yêu thương, an toàn, thoải mái. Không có gì tuyệt hơn là trẻ nằm cạnh ba mẹ, gối đầu lên cánh tay cha mẹ, hay ngồi trong lòng cha mẹ và được nghe đọc.


Việc đọc không nên bắt buộc phải ngồi bàn học ngay ngắn nghiêm túc. Hay trẻ phải ngồi yên lặng, không được cử động chân tay. Cũng như đừng cố đọc cho trẻ khi trẻ đã buồn ngủ hoặc đang đói bụng.


(Mẹ Cá đọc sách cho Cá và bạn hàng xóm)


3. "Đọc sách thì chỉ cần đọc chữ" => Đọc chậm lại và quan sát tranh.

Nhiều cha mẹ cầm sách lên và đọc toàn bộ các từ trong sách với một tốc độ khá nhanh mà đôi khi bỏ qua phần hình minh họa ở mỗi trang. Thực tế, chúng ta cần có thời gian để trẻ (hoặc chính bạn) hiểu nội dung trong một trang truyện.


Đặc biệt loại sách picture book là loại sách chú trọng vào phần hình ảnh, mỗi trang chỉ có một câu, thì bạn càng nên chú ý đến hình vẽ vì nó góp phần lớn làm nên cái hay của cuốn sách. Khi đọc cho con, bạn nên dừng lại ở một trang để xem kỹ hơn những hình ảnh của trang đó, trước khi lật sang trang tiếp theo.


4. "Khi đọc thì không nên hỏi" => Nên hỏi và trả lời các câu hỏi cùng nhau khi đọc

Nếu bạn cùng con đọc sách tranh tiếng Anh, và bắt gặp một từ hoặc khái niệm mà con không biết, hãy hỏi trẻ xem: theo con từ này có nghĩa là gì. Mẹ con mình cùng đoán nhé.


Và nếu bạn cũng không biết, bạn có thể nói thật về điều đó “Mẹ cũng không chắc lắm, mẹ chỉ đoán thôi, chúng mình cùng tra từ điển để biết chính xác nghĩa của nó nhé!”. Và cùng con khám phá những điều chưa biết. Những khoảnh khắc này là cơ hội để thảo luận về cuốn sách và những gì đang xảy ra liên quan đến thế giới xung quanh chúng ta. Điều này cũng tận dụng sự tò mò của trẻ và dạy con thói quen tra từ điển khi trẻ lớn hơn.


5. "Phải tỏ ra thật vui khi đọc" => Cứ là chính mình khi bạn đọc cho trẻ.

Bạn không cần phải là một nghệ sĩ giải trí trong khi bạn đang đọc sách cùng con. Mối liên kết giữa bạn và trẻ đã có thì bạn sẽ không phải cố pha trò làm trẻ vui. Chỉ cần bạn và trẻ đều cảm thấy thoải mái, thì khoảnh khắc này thật đặc biệt và quý giá với trẻ. Vì trẻ được nghe giọng bạn đọc, ngồi trong lòng bạn hay nằm lên cánh tay bạn và được bạn dành thời gian chất lượng.


Nhưng ngược lại, nếu bạn cảm thấy không khỏe, không có hứng thú đọc truyện, thì hãy chơi với trẻ một trò khác thay vì cố đọc mà tâm trí không thể hòa cùng con và cuốn sách.


6. Đọc thì cứ đọc thôi => Hãy xem trước cuốn sách mà bạn sẽ đọc cho trẻ.

Tình tiết của truyện hay cấu trúc vần điệu là một phần của sự kỳ diệu của các cuốn truyện tiếng Anh cho trẻ nhỏ, vì vậy hãy đọc trước để lưu ý những điều sau:


- Trước khi đọc cho con, hãy mở lướt qua toàn bộ các trang để bạn biết chắc cuốn truyện viết theo lối gì, có nhịp điều vần điệu, cấu trúc lặp lại gì không.


- Xem trước nội dung sẽ giúp bạn biết những gì xảy ra trong câu chuyện và có thể kiểm tra xem nó có phù hợp với em bé của bạn không. Điều này sẽ giúp bạn xác định những khoảnh khắc quan trọng trong truyện để trò chuyện, khơi gợi con, tạo cảm xúc cho con.



7. "Nên đọc sách đúng khả năng, độ tuổi" => Đừng lo lắng về tuổi tác hoặc khả năng của con khi đọc.

Ngay cả khi một cuốn sách không hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc có vẻ hơi khó đọc, vượt quá khả năng của bé, bạn vẫn có thể thử đọc các phần khác nhau của nó ở mỗi lần đọc. Bạn cũng không cần phải vội vàng đọc những cuốn sách đúng lứa tuổi của con vì chúng được dán nhãn là phù hợp với lứa tuổi hơn.


(Video bé Cá tự cầm xem sách lúc 11 tháng tuổi)


Ví dụ bạn mới bắt đầu giới thiệu tiếng Anh cho con lúc con 4 tuổi, thì nên cho con đọc các cuốn cho trẻ 0 - 3 tuổi, vì ngôn ngữ của những cuốn sách đó sẽ dễ hiểu, ngắn gọn, phù hợp với khả năng tập trung ngắn của trẻ. Không nên bắt đầu với những cuốn cho trẻ 4-5 tuổi ngay.


Nhưng ngược lại, nếu bạn có một cuốn truyện cho trẻ 4 - 5 tuổi, mà em bé nhà bạn mới lên 2 - 3 tuổi, hãy đọc cho con theo cách 1 em bé 2-3 tuổi sẽ thích và tập trung vào hình ảnh (chứ không phải là bỏ qua cuốn truyện đó luôn). Và điều này sẽ được nói rõ hơn ở nội dung số 8.


8. "Đọc là phải đọc hết cuốn" => Bạn không cần phải đọc cho trẻ hết một cuốn sách trong một lần đọc.

Đừng biến việc đọc thành nhiệm vụ phải-làm-xong! Cũng đừng nghĩ rằng đọc sách cho trẻ là phải đọc toàn bộ nội dung, đọc hết 100% chữ có trong sách thì mới là tốt. Đôi khi điều tốt nhất khi đọc cho trẻ nhỏ là dừng lại đúng lúc nếu trẻ không còn hứng thú. Nếu “người nghe” của bạn đang chạy xung quanh hoặc không quan tâm đến những gì bạn đọc nữa, hãy dừng lại. Hoặc bạn vẫn đọc tiếp cho đến hết nhưng hãy đọc cho chính bạn thôi, không nên yêu cầu con ngồi yên để nghe mẹ đọc nốt! (“Phải nghe mẹ đọc xong quyển này thì mới được làm việc khác” – bạn làm vậy trẻ sẽ mất thiện cảm với việc đọc về lâu dài).


Như đã nêu ở ý 7, nếu có 1 cuốn sách mà bạn thấy có quá nhiều từ vựng hay nội dung dài quá so với khả năng nghe hiểu của trẻ, hãy chỉ chọn 1 từ quan trọng và có hình ảnh lặp lại ở mỗi trang để đọc với trẻ. Rồi một thời gian sau, bạn cùng con xem lại những câu chuyện dài đó ở độ tuổi muộn hơn có thể tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn mới.


Còn bạn, bạn chiêm nghiệm được điều gì sau quá trình đọc sách cùng con. Hãy chia sẻ với mình về những trải nghiệm của bạn nhé!


Mẹ Cá

54 views0 comments
bottom of page