top of page

9 lỗi nghiêm trọng trong cách dạy con tiếng Anh giai đoạn 0-6 tuổi mà cha mẹ cần thay đổi trong năm 2025

Sắp 2025 rồi, nếu mẹ vẫn đang dạy con song ngữ tiếng Anh theo các cách dưới đây thì hãy thay đổi luôn và ngay nhé! Bởi đây là những thói quen không những không mang lại hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến khả năng song ngữ của con về lâu dài. 


Tuy nhiên ba mẹ cũng cần không quá lo lắng vì bên cạnh việc phân tích vì sao cách làm này không tốt cho trẻ, mình có chia sẻ cách khắc phục để việc học song ngữ được hiệu quả hơn.


1. Phụ thuộc vào màn hình để trẻ học tiếng Anh (nhất là trẻ 0-3 tuổi)


Nhiều phụ huynh vẫn đang lầm tưởng: "Cho con xem YouTube/ học trên app nhiều giờ mỗi ngày thì sẽ giỏi tiếng Anh". Có thể điều này đúng với các bạn từ tiểu học trở lên, những bạn đã có nền tảng nghe nói, từ vựng ổn trước đó. Còn với trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt trẻ 0-3 tuổi thì KHÔNG NÊN và KHÔNG THỂ học ngôn ngữ qua màn hình!


Thực tế, nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ trẻ dưới 3 tuổi học tiếng Anh qua màn hình điện tử không những không hiệu quả mà còn để lại tác hại nghiêm trọng:


  • Ảnh hưởng đến phát triển não bộ: Ánh sáng xanh từ màn hình tác động tiêu cực đến sự phát triển thần kinh của trẻ.

  • Giảm khả năng tập trung: Trẻ quen với tốc độ nhanh của video, khó tập trung vào hoạt động thực tế

  • Chậm phát triển ngôn ngữ: Thiếu tương tác người với người, trẻ không phát triển được kỹ năng giao tiếp ngay trong tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) chứ đừng nói là tiếng Anh.


Thay vào đó, hãy bắt đầu giới thiệu tiếng Anh cho con từ những gì đơn giản nhưng có tính tương tác:


  • Hát cho con các bài hát tiếng Anh thiếu nhi dễ nhớ, phù hợp độ tuổi và kết hợp cho con nghe qua loa, đài thay vì nhìn màn hình.

  • Đọc những cuốn sách tranh tiếng Anh đơn giản có hình ảnh minh họa sinh động (vừa đọc vừa chỉ tay vào hình)

  • Mô tả cho con về mọi hoạt động hàng ngày bạn và con làm: Nấu ăn, tắm rửa, ăn cơm... những việc hàng ngày đó đều có thể biến thành cơ hội để trẻ tiếp thu tiếng Anh tự nhiên.

  • Và hãy lưu ý, nếu bạn bắt buộc phải cho con xem màn hình thì hãy giới hạn thời gian và ngồi xem cùng con: Dưới 18 tháng: không màn hình, 18-36 tháng: tối đa 15-20 phút/ngày


2. Quá tập trung vào việc con phải phát âm chuẩn như người bản xứ


Mình nói điều này có thể hơi phũ phàng: kỳ vọng này của cha mẹ là không thực tế đối với trẻ dưới 6 tuổi. Vì trẻ ở độ tuổi này có cơ quan cấu âm: môi, răng, lưỡi chưa hoàn chỉnh, nên trẻ còn nói ngọng ngay trong tiếng mẹ đẻ dù đang sống tại Việt Nam. Tương tự, trẻ bản ngữ cũng gặp khó khăn ở một số âm khó trong tiếng Anh ở giai đoạn tập nói, Và trẻ đều cần thời gian để phát âm đúng hơn, hay hơn.


Hậu quả của việc áp lực trẻ phải nói tiếng Anh chuẩn:


  • Gây tâm lý không tốt cho trẻ về tiếng Anh: Trẻ mất tự tin khi nói tiếng Anh, đặc biệt khi trẻ chưa nói hết câu mà cha mẹ đã chỉnh, đã bắt nói lại âm này cho đúng. Rồi hình thành nỗi sợ tiếng Anh và cứ thế trẻ sẽ liên kết tiếng Anh với trải nghiệm tiêu cực, đáng sợ.

  • Cha mẹ mang stress vào người: thay vì trân trọng những nỗ lực của con trong quá trình con có sự tiên bộ khi tiếp thu tiếng Anh, thì cha mẹ lại chỉ chăm chăm nhìn vào những gì con nói không chuẩn, mà từ đó mất niềm tin hoặc cảm thấy mình làm không tốt. Điều này khiến chính cha mẹ nản lòng, nghĩ rằng chỉ có cách “cho con đi học với giáo viên bản ngữ” thì con mới nói chuẩn.


Cách tiếp cận đúng:


  • Thay đổi suy nghĩ: chuyển từ “Ưu tiên số 1 trong thời kỳ trẻ đang làm quen tiếng Anh là phát âm hoàn hảo” thành “Làm sao để con TỰ TIN nói” và Tập trung vào việc trẻ “có thể TRUYỀN ĐẠT được suy nghĩ bằng tiếng Anh”.

  • Cho trẻ nghe nguồn input giọng bản ngữ nhiều hơn, thường xuyên hơn mỗi ngày. Vì nghe đủ nhiều thì con sẽ tự chỉnh dần theo âm đúng. Nhưng phải chọn nội dung nghe/ xem phù hợp với khả năng hiểu của con, chứ không phải nghe gì cũng được.

  • Thấy con nói sai, phát âm chưa đúng thì hãy sửa lỗi cho con 1 cách gián tiếp nhẹ nhàng: Nhắc lại câu đúng thay vì chỉ ra lỗi sai và nói “con nói thế sai rồi”. (và đừng căng thẳng)

  • Có thói quen theo dõi sự tiến bộ/ khó khăn của trẻ: Luôn luôn ghi nhận nỗ lực dùng tiếng Anh để giao tiếp của trẻ. Chú ý xem từ nào, âm nào con hay phát âm sai thì mình lưu lại, và tìm cách để con có cơ hội nghe nhiều, nói nhiều về âm đó hơn.


3. Chỉ dạy con học từ vựng đơn lẻ (đặc biệt kiểu học chỉ qua flashcard)


Thuộc 100 từ rời rạc không bằng có thể hiểu và sử dụng đúng 10 từ trong ngữ cảnh thực tế!


Nhiều phụ huynh tự hào: "Con tôi thuộc 500 từ tiếng Anh rồi!" khi trẻ lên 3 lên 4, nhưng con lại không thể dùng được trong giao tiếp, không nói được thành câu. Đây là kết quả của việc học từ vựng kiểu "flash card" không có ngữ cảnh.


Tại sao cách học từ đơn lẻ này không tốt?


  • Nếu chỉ học thuộc qua flashcard, trẻ không hiểu khi nào/ở đâu dùng từ đó.

  • Trẻ sẽ dễ quên vì không có kết nối với trải nghiệm thực tế (trẻ chỉ nói tên từ đó khi nhìn tấm flashcard)

  • Không phát triển được kỹ năng giao tiếp, phản xạ khi được hỏi (đặc biệt khi câu hỏi chệch đi 1 chút so với câu hỏi mà trẻ thường biết, trẻ sẽ không biết trả lời sao vì trẻ chỉ thuộc câu được hỏi.)


Cách tiếp cận đúng:


  • Dạy từ vựng theo chủ đề gắn với cuộc sống của trẻ và kết nối từ với hoạt động thực tế hàng ngày.

  • Sử dụng câu đơn giản, không học mỗi từ đơn lẻ. Tốt nhất là nên đọc sách tranh cho trẻ thay vì dùng flashcard.

  • Cho trẻ cơ hội sử dụng từ vừa học trong tình huống thực hàng ngày. (Cha mẹ cần làm mẫu trước và lặp lại nhiều lần).


    Những lỗi ba mẹ cần tránh khi dạy con song ngữ

4. Dạy trẻ tiếng Anh như cách người lớn học


Thực trạng đáng báo động: Nhiều phụ huynh áp dụng phương pháp học tiếng Anh của người lớn cho trẻ 0-6 tuổi. 


Cụ thể, dạy trẻ theo cách học của người lớn có nghĩa là:


  • Dạy ngữ pháp cho trẻ bằng cách giải thích công thức, yêu cầu trẻ học thuộc quy tắc và đặt câu.

  • Bắt trẻ học tiếng Anh là phải ngồi bàn học nghiêm túc, không được khua chân múa tay, chạy nhảy trong khi học.

  • Quá tập trung vào đọc và viết thay vì nghe, nói.


Hậu quả của việc này:


  • Trẻ mất đi cơ hội học ngôn ngữ tự nhiên. Không có phản xạ nói và tự nói, lúc nào cũng dịch trước trong đầu, đặt câu trước trong đầu sao cho đúng công thức rồi mới dám nói.

  • Trẻ không nhớ được, do không cảm thấy vui thoải mái khi học.


Cách tiếp cận đúng:


  • Hãy bắt đầu bằng việc NGHE trước. Nghe là kĩ năng quan trọng nhất trước khi trẻ nói, đọc, viết.

  • Hãy học cùng trẻ qua vui chơi: Games, songs, stories, tận dụng chuyển động cơ thể (body movement) và hands-on activities: các hoạt động làm bằng tay.


5.  Thời gian trẻ tiếp xúc tiếng Anh một ngày quá ít


Muốn con thực sự song ngữ thì trẻ cần được tiếp xúc ngôn ngữ thứ 2 (ở đây là tiếng Anh) khoảng ⅓ thời gian trẻ thức - đây là công thức trong cuốn “Maximize your child’s bilingual ability” của tác giả Adam Beck. Và thời lượng thực hành 15 phút đều đặn MỖI NGÀY sẽ tốt hơn chỉ 2 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài 1 tiếng! Đây là 2 điều mà mình đã chia sẻ rất nhiều lần trong 2 năm qua.


Đáng lo ngại là hiện nay nhiều gia đình vẫn đang cho con học tiếng Anh 1-2 buổi/tuần tại lớp học thêm và nghĩ thế là đủ. 


Tại sao việc học 2 lần mỗi tuần, dù mỗi lần kéo dài 1 tiếng không hiệu quả bằng việc trẻ có cơ hội tiếp xúc thực hành thêm ở nhà mỗi ngày 15 phút:


  • Não bộ cần tiếp xúc hàng ngày để xây dựng kết nối ngôn ngữ, vì vậy trẻ dễ quên nếu không được nghe lại ở nhà và thực hành nói lại.

  • Trẻ khó phát triển phản xạ nói tự nhiên vì chỉ có cơ hội nói tiếng Anh trên lớp, còn ở nhà không có thói quen sử dụng ngôn ngữ này (hoặc muốn nói nhưng không có người nói cùng).


Giải pháp cho cha mẹ:


  • Tạo môi trường tiếng Anh tại nhà: khuyến khích con nghe, xem, nói, hát, đọc tiếng Anh hàng ngày và lồng ghép tiếng Anh vào sinh hoạt.

  • Duy trì đều đặn, dù chỉ 15-20 phút/ngày. Có bảng theo dõi để biết thời lượng ở nhà con tiếp xúc được bao lâu/ ngày và có căn cứ để khích lệ con.


6. Luôn dịch sang tiếng Việt cho con và yêu cầu con dịch


"Con ơi, quả táo trong tiếng Anh là gì?", hay “What is your name?” nghĩa là “tên bạn là gì?” what là gì, is là là, your là của bạn, name là tên...” - Đây là thói quen của nhiều phụ huynh khi học tiếng Anh với con, và đây là một trong những sai lầm lớn nhất trong việc dạy con song ngữ!


Mình hiểu tâm lý phụ huynh khi luôn nói cho con nghĩa từ này là gì trong tiếng Việt vì sợ trẻ không hiểu. Hoặc phụ huynh muốn con dịch sang tiếng Việt của mọi từ/câu tiếng Anh vì muốn đảm bảo con đã hiểu đúng rồi.


Nhưng thói quen này sẽ để lại tác hại nghiêm trọng đến việc tiếp thu tiếng Anh tự nhiên của trẻ:


  • Khi trẻ quen với việc được dịch mọi thứ sang tiếng Việt, trẻ không phát triển được thói quen “think in English” tư duy trực tiếp bằng tiếng Anh.

  • Khó hình thành phản xạ ngôn ngữ tự nhiên, dẫn đến phản ứng chậm khi được hỏi. Hoặc quá máy móc trong cách trả lời, chỉ biết trả lời theo cái gì được dạy, được dịch cho.

  • Mất khả năng hiểu ngữ cảnh và giảm trực giác ngôn ngữ vì tiếng Anh nhiều khi không thể tìm được từ thích hợp tương đương y hệt trong tiếng Việt và ngược lại.


Cách tiếp cận đúng:


  • Sử dụng phương pháp ngôn ngữ tự nhiên: Khi nói, luôn dùng cử chỉ, hành động minh họa cho con hiểu. Hoặc sử dụng hình ảnh, đồ vật thực tế để tạo ngữ cảnh rõ ràng.

  • Áp dụng nguyên tắc “Không trộn lẫn hai ngôn ngữ khi nói”.

  • Chỉ cần trẻ hiểu ý chung, thông điệp của câu/đoạn là được, không yêu cầu hiểu từng từ một.

  • Luôn tâm niệm rằng: "Ngôn ngữ không phải là phép dịch từng từ, mà là cách để truyền đạt ý nghĩa". Hãy để trẻ phát triển khả năng tư duy bằng tiếng Anh một cách tự nhiên.


7. Cho trẻ tắm ngôn ngữ = mở loa nghe cả ngày


"Mở audio tiếng Anh cả ngày là con sẽ tự nhiên biết nói tiếng Anh" - Đây là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến và nguy hiểm!


Cụ thể, nếu bạn đang:


  • Mở audio tiếng Anh liên tục suốt ngày bên tai con (chạy nền khi trẻ chơi, ăn, ngủ)

  • Không có tương tác hay minh họa cho trẻ trong lúc nghe

  • Phụ thuộc hoàn toàn vào việc "tắm ngôn ngữ" một chiều


Thì việc này sẽ gây ra các tác hại nghiêm trọng:


  • Trẻ gần như không tiếp thu được gì, vì não sẽ tự động "lọc" và "tắt" âm thanh không cần thiết, trẻ dần dần coi tiếng Anh như "tiếng ồn nền" vì trẻ không hiểu âm thanh đó là gì.

  • Giảm khả năng tập trung và xử lý ngôn ngữ có chủ đích của trẻ. Đồng thời làm trẻ mệt mỏi do quá tải giác quan vì phải nghe suốt ngày.

  • Khó phát triển khả năng hiểu và phản hồi thực tế vì trẻ chỉ nghe chứ không có cơ hội tương tác.


Cách tiếp cận đúng:


  • Tạo thời gian nghe chất lượng: Bắt đầu từ 5-10 phút cố định mỗi ngày và chỉ cho trẻ nghe khi trẻ tỉnh táo và hứng thú. Tăng dần thời gian nghe theo khả năng tập trung của trẻ.

  • Cha mẹ cùng nghe và tương tác với con để cho trẻ cơ hội áp dụng những gì đã nghe. Kết hợp đa giác quan: nhìn hình ảnh sách tranh, nhìn cử chỉ khi nghe, sử dụng đồ vật thực tế minh họa và cho trẻ vận động theo nội dung nghe.

  • Chọn nội dung nghe phù hợp: Phù hợp với độ tuổi và sự quan tâm, khả năng hiểu biết của trẻ. Nếu là nghe bài hát thì tốc độ nhạc phù hợp, tránh những bài hát nhanh quá, hoặc không nghe rõ lời. 

  • Quan sát phản ứng của trẻ: Xem những từ nào mà trẻ bắt được, hiểu được, làm theo được động tác. Như vậy có nghĩa là trẻ nghe và đã hiểu.

  • "Chất lượng quan trọng hơn số lượng" - 15 phút nghe có tương tác còn tốt hơn cả ngày nghe thụ động mà không tương tác. Hãy biến việc nghe tiếng Anh thành trải nghiệm vui vẻ và có ý nghĩa cho con!

  • Chỉ cho con nghe thụ động một mình khi bạn biết chắc con đã hiểu, đã quen với nội dung này trước đó (đã được tương tác trước đó).



8. Phát âm tiếng Anh theo cách đánh vần tiếng Việt, cứ nhìn từ là đọc, không cần tra phiên âm


Thói quen nói từ tiếng Anh theo kiểu đánh vần tiếng Việt, vì tâm lý chủ quan, cứ nhìn mặt chữ là tự động đọc do nghĩ là từ quen thuộc, mà không tra cứu từ điển xem từ này phát âm thế nào là một thói quen rất nên thay đổi, các cha mẹ nhé!


Với các từ quen thuộc như: "school" chúng ta đọc thành "sờ-cun", "hello" thành "hê-lô" có thể tạm bỏ qua, nhưng còn với từ mới tinh chưa nhìn thấy bao giờ mà không tra cứu phát âm trong từ điển hoặc công cụ phát âm, mà cứ thế đọc thì khả năng phát âm sai của chúng ta là rất cao. Vì tiếng Anh là ngôn ngữ có rất nhiều từ bất quy tắc, không có một quy luật phát âm, đánh vần nào đúng cho mọi trường hợp cả. 


Và nếu phụ huynh cứ duy trì thói quen này sẽ để lại tác hại nghiêm trọng đối với trẻ:


  • Hình thành thói quen phát âm sai từ nhỏ và khó sửa khi đã quen với cách phát âm sai.

  • Trẻ không phát triển được tai nghe chuẩn. Vì nói sai quá lâu, nên khi nghe phát âm đúng thì không nghe ra người ta đang nói gì, đặc biệt khi nghe người bản xứ nói.

  • Dần dần trẻ gặp trở ngại trong giao tiếp thực tế, tự ti, lo lắng khi phải nói chuyện bằng tiếng Anh.


Cách khắc phục:


  • Luôn tra cứu cách phát âm chuẩn của từ mới trước khi dạy con bằng cách sử dụng từ điển có phiên âm quốc tế IPA như từ điển Cambridge/Oxford online, ứng dụng Google Translate có chức năng phát âm, các app luyện phát âm chuyên dụng.

  • Nếu không chắc chắn về cách phát âm, hãy cứ thành thật nói với con là chúng ta hãy cùng tra từ điển nhé, thay vì dạy con theo cách đọc sai của mình.


9. Chỉ theo duy nhất một bộ giáo trình


"Chỉ cần học theo giáo trình này là đủ” Đây là tư duy sai lầm đang hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ tự nhiên của trẻ!


Nếu bạn vẫn tin rằng:


  • Học theo một bộ giáo trình nổi tiếng là đủ, rồi bắt con học từ đầu đến cuối bộ sách đó bất kể con có thích hay không.

  • Không cần cho con tiếp xúc với nguồn học liệu khác, kiểu học khác vì nghĩ rằng học xong bộ sách đó là "giỏi tiếng Anh"...


Thì bạn hãy nghĩ lại nhé vì việc này có thể dẫn đến tình trạng:


  • Trẻ khó thích nghi với nhiều tình huống giao tiếp thực tế, vì trẻ chỉ biết các nội dung gói gọn trong những gì bộ sách đó có.

  • Trẻ chỉ quen với 1 kiểu giọng tiếng Anh trong file nghe đó. Chưa nói tới việc chất lượng audio, chất lượng người đọc của bộ video/giáo trình mà cha mẹ hay tải trên mạng về không tốt, không chuẩn. Đến lúc nghe kiểu tiếng Anh khác thì trẻ không nghe được, nghe không hiểu.


Cách tiếp cận đúng:


  • "Giáo trình chỉ là công cụ, không phải đích đến" - Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ bộ sách này là giúp trẻ sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ giao tiếp tự nhiên, không phải chỉ để hoàn thành một bộ sách lấy thành tích.

  • Cố gắng đa dạng hóa nguồn học liệu: Kết hợp một hai bộ sách khác nhau, sử dụng tài liệu thực tế (truyện, video) để trẻ có cơ hội nghe từ nhiều giọng điệu tiếng Anh khác nhau.

  • Nguồn tài liệu bổ sung gợi ý: Sách truyện bản ngữ, ưng dụng học tập tương tác cho trẻ trên 4 tuổi, video/podcast/phim... Lưu ý nội dung cần phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ.

  • Cách kết hợp hiệu quả: 60% thời gian cho trẻ học theo giáo trình chính, 20% nghe xem thêm tài liệu bổ sung và 20% cho trẻ trải nghiệm tự do, đa giác quan.

  • Hãy nhớ rằng mỗi trẻ là một cá thể độc đáo với phong cách học tập riêng. Có nhiều trẻ học tốt qua bộ giáo trình này, không có nghĩa con mình cũng sẽ học tốt với bộ giáo trình đó. Việc đa dạng hóa nguồn học liệu sẽ giúp mẹ và con khám phá phương pháp học hiệu quả nhất cho chính con của mình!



Hy vọng những phân tích trên giúp phụ huynh nhận ra và điều chỉnh các sai lầm trong việc dạy con song ngữ, để năm 2025 thực sự là năm cho hành trình song ngữ hiệu quả cho cha mẹ và con.

Hãy lưu lại bài viết này để thực hiện thay đổi dần và chia sẻ nó đến những cha mẹ mà bạn thấy cũng đang gặp khó khăn tương tự nhé!


Tác giả: Hồng Thủy

-----------------------------


Nếu ba mẹ muốn nuôi con song ngữ, giúp con nói tiếng Anh song song với tiếng Việt trong giai đoạn 1-6 tuổi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, hãy để chúng mình đồng hành cùng cha mẹ qua các khóa kèm cặp sau:


Từ nói sai thành nói hay - Khóa học giúp ba mẹ chuẩn hóa cách phát âm, trang bị đầy đủ công cụ và phương pháp để dạy con hiệu quả tại nhà. Sau khóa học, ba mẹ sẽ tự tin dẫn dắt con trên con đường chinh phục tiếng Anh.


Đọc sao cho con nói - Nói sao cho con đọc: Khóa học chuyên sâu của DTSN giúp phụ huynh nắm vững cách chọn sách phù hợp cho trẻ từ 0-6 tuổi. Sau khóa học, ba mẹ sẽ nắm vững kỹ năng đọc sách, tương tác, biến mỗi cuốn sách thành một trải nghiệm học tập thú vị cùng con.


Khóa học kèm cặp 1-1 "GIAO TIẾP TIẾNG ANH CÙNG CON" trong 6 tháng là giải pháp dành cho các bậc phụ huynh muốn xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc cho con. Chương trình cung cấp đầy đủ tài liệu kèm theo hướng dẫn chi tiết để biến các hoạt động hàng ngày thành cơ hội giao tiếp tiếng Anh tự nhiên với con.


Nếu ba mẹ cần tư vấn thêm, hãy liên hệ Mrs Hồng Thủy tại đây.


70 views0 comments
bottom of page