top of page

Những điều cha mẹ cần biết về ngôn ngữ của trẻ từ 4 - 5 tuổi

Từ 4 đến 5 tuổi, trẻ đã có thể tự truyền đạt ý tưởng và cảm giác của mình, hỏi và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng. Chúng đang trên chặng đường hiểu và sử dụng ngôn ngữ một cách phức tạp hơn.


Cụ thể, trẻ có khả năng kể chuyện một cách chi tiết theo trình tự đơn giản. Các câu chuyện ở giai đoạn này đã phân biệt được sự thật và sự kiện tưởng tượng. Cùng với học ngôn ngữ nói, việc học kỹ năng đọc trở nên quan trọng ở độ tuổi này và trẻ cũng được tò mò để bắt đầu học viết.


Trẻ từ 4 - 5 tuổi thể hiện ngôn ngữ như thế nào?


Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu học cách sử dụng nhiều từ hơn. Tuy nhiên, trẻ vẫn hiểu nhiều hơn so với những từ chúng có thể sử dụng. Câu nói của trẻ dài hơn với 4 từ trở lên và vốn từ vựng vẫn tiếp tục phát triển. Mặc dù vẫn có một số lỗi phát âm (như nói ngọng và nói lắp), đặc biệt ở các bé trai, nhưng bạn vẫn có thể hiểu những điều trẻ nói.


Là một phần của quá trình phát triển ngôn ngữ, ở độ tuổi này trẻ sẽ nói những câu ngày càng phức tạp, bằng cách nối các câu ngắn lại với nhau bởi những từ như “và”, “nếu” hoặc “vì”. Đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu sử dụng nhiều loại câu khác nhau. Ví dụ: “Con chó đang đuổi theo con mèo”“Con mèo bị con chó đuổi theo” để thể hiện cùng một nghĩa. Đôi lúc, chúng có thể sử dụng các câu dài lên đến 9 từ.


Ảnh: edit on Canva


Trẻ 4-5 tuổi có thể kể cho bạn nghe tất cả những việc chúng làm. Chúng bịa ra những câu chuyện, chăm chú lắng nghe cũng như kể lại những câu chuyện, và có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong một câu chuyện.


Ở giai đoạn này, trẻ cũng quan tâm đến việc vẽ và viết. Nhiều trẻ bắt đầu nhận thức được ký tự chữ cái và có thể sao chép được các từ nếu người lớn viết mẫu các từ đó.


Ngoài ra, trẻ 4-5 tuổi cũng “giả bộ” đọc sách, có thể nhận ra các từ đặc biệt và có thể ghi nhớ câu chuyện, cũng như các bài hát quen thuộc.


Đặc điểm phát triển song ngữ của trẻ 4 - 5 tuổi


4 - 5 tuổi là thời điểm tốt để trẻ học ngôn ngữ thứ 2 (tiếng Anh) bởi trẻ đang ở độ tuổi rất nhạy trong việc học ngôn ngữ và có khả năng học hai hay thậm chí nhiều ngôn ngữ trước khi vào tiểu học. Điều quan trọng là trẻ được khích lệ, tạo điều kiện để ở trong môi trường có tiếng Anh và cảm thấy tiếng Anh là một điều cần thiết.


Sau đây là những gợi ý mà cha mẹ có thể làm để giới thiệu và phát triển tiếng Anh cho con khi con 4 - 5 tuổi:

  1. Tạo môi trường ngôn ngữ phong phú: để trẻ nghe, nhìn thấy tiếng Anh xung quanh con bằng cách dán các bức tranh ảnh bằng tiếng Anh, mở nhạc, cho con xem phim hoặc chương trình truyền hình, đọc sách bằng tiếng Anh... Đó là các cách cơ bản và không tốn kém để giới thiệu tiếng Anh với con. Tuy nhiên, cha mẹ nên ngồi xem cùng con và giới hạn thời gian xem màn hình không quá 1 tiếng mỗi ngày.

  2. Làm cho việc học vui vẻ: Sử dụng trò chơi, bài hát và hoạt động để làm cho việc học ngôn ngữ thứ hai thú vị với trẻ. Sử dụng tình huống thực tế và khuyến khích con sử dụng tiếng Anh trong các tình huống hàng ngày. Chẳng hạn như khi đi siêu thị, nhà sách, sở thú …

  3. Tìm cộng đồng cùng học ngôn ngữ đó: Nếu có thể, tìm một người bạn cũng đang học tiếng Anh có cùng độ tuổi để con có thể tương tác với các bạn và học từ các bạn.

  4. Kiên nhẫn: Việc học một ngôn ngữ thứ hai mất thời gian và nỗ lực, vì vậy hãy kiên nhẫn với con. Khuyến khích con mỗi ngày và chia sẻ niềm vui khi con đạt được tiến bộ.

Hãy nhớ, sự nhất quán, đều đặn là chìa khóa trong việc học ngôn ngữ. Con càng tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ thứ hai (Tiếng Anh), thì càng có khả năng thành thạo ngôn ngữ đó sau này.

Ảnh: edit on Canva


Cha mẹ muốn giao lưu, học hỏi cùng các phụ huynh đang thực hành dạy con song ngữ, có thể tham gia vào group dạy trẻ song ngữ trên Facebook của chúng mình nhé! Một cộng đồng chân thật, tử tế, lành mạnh để khích lệ những người mẹ cùng con song ngữ.



Đọc thêm:



Trẻ từ 4 - 5 tuổi học kĩ năng đọc và viết như thế nào?


Việc đọc quan trọng hơn bao giờ hết để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Đọc giúp trẻ học được một hình thức truyền đạt mới và tiếp cận với nhiều loại thông tin. Không chỉ giới hạn ở việc đọc sách, trẻ còn bị hấp dẫn bởi các nhãn hiệu, bảng quảng cáo, bao bì, ghi chú…


Vào 5 tuổi, trẻ có thể viết được một số chữ, các chữ có thể chiếm cả trang giấy, ngả nghiêng nhưng đó là giai đoạn khởi đầu trước khi thực sự viết chữ. Nhiều trẻ quan tâm đến cách viết tên mình và đôi khi muốn viết cả tên của bạn bè. Chúng bị thôi thúc để viết về những điều quan trọng với chúng. Chúng có xu hướng quan tâm đến các từ khó thông qua việc nhờ người lớn viết trước rồi sao chép lại, hơn là viết một từ đơn giản.


Ảnh: edit on Canva


Cần lưu ý là trẻ bắt đầu quan tâm đến việc viết ở các độ tuổi khác nhau, một số lên 3, số khác có thể lên 6. Vì vậy, bạn không nên bắt ép con mình viết. Nếu được, hãy luôn tạo điều kiện như để sẵn viết và giấy để khơi gợi cảm hứng cho trẻ, đa số trẻ sẽ chủ động viết khi đã sẵn sàng.


Gợi ý để hỗ trợ trẻ 4 - 5 tuổi phát triển ngôn ngữ


Đọc sách, hát, chơi trò chơi chữ, thường xuyên đặt câu hỏi và nói chuyện với con là những điều bạn có thể làm để giúp tăng vốn từ vựng và cải thiện kỹ năng nghe của trẻ.


Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo để tăng cường giao tiếp với trẻ:

  • Nói về các hoạt động trong ngày của con.

  • Cùng nói về những quyển sách đang đọc.

  • Trao đổi với con về các chương trình truyền hình, video, các trò chơi... mà bạn và con đã trải qua cùng nhau.

  • Để sách, tạp chí và các tài liệu đọc khác dành cho trẻ em ở nơi dễ lấy.

  • Cùng trẻ tạo album "This Is Me" (Đây là tôi) hoặc "This Is Our Family" (Đây là gia đình tôi) với các bức ảnh và vật lưu niệm.

Đây là những thông tin cơ bản để phụ huynh có bức tranh chung về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trong độ tuổi 4 - 5 tuổi. Hy vọng bạn đã nắm bắt được những điều cần thiết để kịp thời hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phát triển song ngữ của con.




Lưu ý:

Bài viết được dịch và biên tập bám sát thông tin từ trang web allaboutyoungchildren (Bộ Giáo dục bang California, Mỹ). Các thông tin về cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà bạn đọc trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là nhận định mang tính chuyên môn y tế, sức khỏe về sự phát triển của trẻ. Quan trọng hơn, vì mỗi em bé là khác nhau nên có tốc độ phát triển khác nhau, vì vậy không phải tất cả các em bé ở độ tuổi này đều có các biểu hiện được nhắc đến trong bài.


--------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!

54 views0 comments
bottom of page