top of page

Chia sẻ kinh nghiệm dạy con đa ngôn ngữ cho mẹ Việt ở nước ngoài

Bài viết này là băn khoăn của mẹ Việt đang nuôi dạy con song ngữ ở nước ngoài, đi cùng là những lời khuyên sâu sắc từ kinh nghiệm thực tế của Admin Maily Hoàng Anh về cách tiếp cận hiệu quả trong việc dạy trẻ đa ngôn ngữ. Cùng theo dõi để hiểu thêm về nguyên tắc quan trọng cùng chiến lược phù hợp để dạy con 2-3 thứ tiếng bạn nhé!


Câu hỏi: Băn khoăn về việc dạy con đa ngôn ngữ nên theo trình tự như thế nào?


Bé nhà mình 2 tuổi rưỡi, nhà mình đang ở Pháp và mình vẫn nói tiếng Việt ở nhà với con. Trộm vía, bé hiểu hết và nói tiếng Việt (thỉnh thoảng bé nói tiếng Pháp, mình nhắc thì con nói lại tiếng Việt luôn).


Sáng nay con chơi xếp hình gỗ, con hỏi "đây là chữ gì ạ?", mình trả lời các chữ cho con "a - bê - cê..."


Sau đó mình hơi lăn tăn, nếu mình tập đọc, ghép vần cho con thì hơi lủng củng: "bà = bê a ba huyền bà" mà nếu đánh vần "a bờ cờ dờ..." thì khi con đi học có bị loạn không ạ?


Không biết các bạn dạy con tập đọc tiếng Việt trước hay sau khi con đã tập đọc tiếng nước sở tại ạ? (như con mình là tiếng Pháp). Mình cảm ơn các bạn!



Admin Maily Hoàng Anh trả lời:


Về nguyên tắc, tiếng Pháp, tiếng Việt hay bất cứ ngôn ngữ nào cũng bắt đầu bằng âm thanh. Phải được nghe trước, nghe rất nhiều để có thể phát âm được và nói trôi chảy. (mình đang nói ở trường hợp 1 trẻ bình thường, không nói tới trẻ có khuyết tật bẩm sinh)


Về đánh vần, nếu con không được nghe âm thanh trước, thì đánh vần gần như khó thực hiện được. Chữ cái chúng ta đang sử dụng là hình tượng hoá những gì mà chúng ta phát/nói ra. Về chữ cái và chữ đó phát âm như thế nào (letter name & letter sound) là hai khái niệm khác nhau. "a - bê -cê" là letter name - tức là tên của chữ cái và "a- bờ - cờ" là letter sound - cách phát âm của chữ. Do letter name & letter sound ở tiếng Việt nó không có sự khác nhau rõ rệt như tiếng Anh nên mọi người rất hay nhầm.


Ngôn ngữ phải đi từ thấp lên cao. Nghe nói trước rồi mới đọc viết. Quá trình này cũng phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Khi trẻ nhỏ (dưới 6 tuổi), sức tập trung rất ít chỉ vài phút thì khó mà bắt trẻ ngồi tập viết, tập đọc và đánh vần. Trí nhớ của trẻ cũng chưa phát triển để nhớ. Học trước quên sau, nên nếu dạy trước sẽ rất vất vả và mệt cho cả mẹ và bé. Trẻ dưới 6 tuổi chỉ cần "chơi" với ngôn ngữ qua bài hát, đọc sách, kể chuyện, đọc thơ, chơi các trò chơi ngôn ngữ với cha mẹ, trò chuyện với cha mẹ là đủ. Sau khi con nghe nhiều, nghe lượng từ phong phú thì khi con bắt đầu học học lớp một chúng ta mới bắt đầu quá trình dạy trẻ về nhận biết ngữ âm và từ những âm thanh ta nghe được viết xuống thành chữ cái.


Về kinh nghiệm cá nhân thì mình dạy con mình đọc thông viết thạo 3 thứ tiếng Pháp, Anh, Việt qua những quy tắc trên và mình dạy các bạn đọc chữ rất chậm. Vì một lúc các bạn ấy phải học một lượng khá nhiều và sẽ bị nhầm hoặc không nhớ 1 chữ cái có ba cách đọc khác nhau ở ba ngôn ngữ. (Ví dụ: o : tiếng Việt đọc là o, tiếng Pháp là ô, tiếng Anh Mỹ là /ɔ/ ) & mình cũng dạy khi bạn ấy có thể ngồi yên ít nhất là trên 5 phút.


Chia sẻ thêm là con mình thông thạo nói tiếng Việt trước khi nói tiếng Pháp vì mình ở bên cạnh bé nhiều hơn là ba bé và những người nói thứ tiếng khác. Con cũng phát ra từ đầu tiên là tiếng Việt trước. Tuy nhiên, khi con bắt đầu đi học thì mọi thứ đảo ngược lại vì môi trường chính của con là tiếng Pháp và tiếng Anh.


Ở đây, mình cũng cần làm rõ một chút với nhau là sự kỳ vọng. Vì mình nghĩ học một lúc nhiều ngôn ngữ chúng ta phải thực tế. Tức là, chúng ta không thể thông thạo tất cả các ngôn ngữ là cùng một mức như nhau. Và thông thạo cái nào nhất thì tuỳ thuộc vào cường độ, tần suất, thời gian & sự kiên trì tập luyện.

Nếu trẻ tiếp xúc với tiếng Anh, Pháp hay ngôn ngữ khác 8h/ngày và sau đó trẻ về nhà chỉ tiếp xúc với tiếng Việt có 2 giờ buổi tối trước khi đi ngủ thì tất nhiên chúng ta không thể nào đòi hỏi trẻ giỏi tiếng Việt hơn tiếng Pháp/tiếng Anh/ngôn ngữ khác vì thời gian đầu tư và cường độ, tần suất là khác nhau và chênh lệch nhau quá nhiều.


Để con duy trì nói tiếng Việt/tiếng Anh/bất kỳ ngôn ngữ nào khác thì phải làm sao cho ngôn ngữ đó thật là "sống động & vui vẻ" vì không thể ép một ai đặc biệt là trẻ nhỏ "học" những thứ mà chúng cảm thấy chán & căm ghét. Mình dạy/chơi ngôn ngữ với con ở nhà sau khi bé đã học ở trường. Mình dạy song song với tiếng Pháp & tiếng Anh. Tuy nhiên, mình đi rất chậm (như đã nói ở trên). Những gì bé cần học ở trường thì mình không dạy nữa & việc của mình là làm sao cho ngôn ngữ đó phải thật vui, sống động & con muốn học/chơi với mẹ hoài mà thôi.

Với những bậc cha mẹ đang tìm kiếm phương pháp hiệu quả để phát triển tiếng Anh trong giai đoạn 0-6 tuổi, mời ba mẹ tham khảo Khóa kèm cặp 1-1 về GIAO TIẾP TIẾNG ANH CÙNG CON mỗi ngày, kéo dài 6 tháng, sẽ cung cấp cho mẹ các tư liệu để giao tiếp và chơi với con bằng tiếng Anh hàng ngày.


Nếu bạn có bất cứ băn khoăn gì về dạy con hoặc cần được hỗ trợ tư vấn thêm về khóa học, đừng ngần ngại liên hệ cho chúng mình qua group DTSN hoặc nhắn vào đây. Cảm ơn và chúc ba mẹ sẽ đồng hành thành công cùng con trên hành trình song ngữ!


42 views0 comments
bottom of page