Việc dạy trẻ song ngữ đang ngày càng phổ biến và quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào để giúp con tiếp cận ngôn ngữ mới một cách hiệu quả. Bài viết này tổng hợp kinh nghiệm và lời khuyên từ các admin của DTSN sẽ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn thực tế và những gợi ý hữu ích trong hành trình này.
Câu hỏi 1 từ mẹ Trâm
Mình là Trâm, mẹ của 2 bé 5 tuổi và 7 tháng. Mình có dạy tiếng Anh cho bé nhưng theo kiểu song ngữ thì mình chưa biết bắt đầu từ bước nào ạ?
Admin Hồng Thủy đáp:
Chào mẹ Trâm, thật ra dạy con song ngữ Anh - Việt và dạy con tiếng Anh cũng không khác nhau nhiều đâu. Bản chất sẽ đều là giúp con tiếp cận và lĩnh hội được ngôn ngữ Anh. Nếu có khác thì 1 bên hướng tới việc giúp con sử dụng được tiếng Anh như ngôn ngữ hàng ngày, còn 1 bên chỉ dừng lại ở việc giúp con hiểu và nhớ bài học như các môn học. Nếu mẹ dạy con tiếng Anh và luôn khuyến khích tạo môi trường tình huống cho con áp dụng những gì được học với mẹ vào hàng ngày, thì là mẹ đang dạy con song ngữ rồi đó. Đến khi con không phân biệt đây là giờ học tiếng Anh, mà có thể tự nhiên dùng tiếng Anh, tiếng Việt đúng hoàn cảnh, mục đích một cách tự động thì là mình thành công.
Còn về bắt đầu như thế nào thì mẹ có thể tham khảo bài viết này của mình:
Câu hỏi 2 từ bạn Linh Linh
Bài hát “May I please?” tuần này làm em nhớ đến tình huống của bé nhà em.
Dạo này con rất hay gào khóc, khóc rất hăng vì mẹ không đáp ứng được mong muốn của con. Ví dụ như con đang xem điện thoại với bà, mẹ bảo bà tắt điện thoại đi không cho xem vì đến giờ đi ngủ rồi, thế là con khóc. Hay con đang nghe đài (nghe không tập trung, vừa nghe vừa chơi trò khác) nhưng mẹ tắt đi, con khóc. Hay con nghịch dây điện, nghịch nước, mẹ không cho, con cũng khóc. Mà lần nào cũng khóc lặng đi, đập chân đập tay, gào thét khản cổ, có lần gần 30 phút mới dỗ được. Khủng hoảng tuổi sắp lên 2 kinh khủng quá, mẹ xin bác Maily Linguee tư vấn ca này. Làm thế nào để con biết được “you may not” như trong bài hát và phản ứng nhẹ nhàng hơn ạ? Dạo này nhà cháu ngày nào cũng hờn 2-3 trận nên bất ổn lắm ạ!
Admin Maily Linguee đáp:
Linh Linh chào mừng em đến với terrible two" 😆.
1) Mấy cái mà con đang chơi/nghe mà em tắt bụp 1 phát là chắc chắn bị phản ứng ngay. Em phải làm từ từ. Trẻ con nó chỉ sống trong hiện tại thôi. Vì vậy, em phải làm từ từ. Trước khi tắt em nhắc, "Sóc đi ngủ nhé" và đợi 1 chút rồi nhắc tiếp.
2) Những thứ nguy hiểm, cất, che hết nhé. Không thể giải thích "cái đó nguy hiểm" cho trẻ toddler hiểu đâu. Tránh xa tầm mắt, tầm với của trẻ.
3) Con gào thét vì chưa thể giải thích cho mẹ/ người lớn hiểu và cảm thấy bất lực nên gào thét, khóc, nằm vật. Đó là cách trẻ hay làm vì con không có phương tiện nào để nói cho người lớn biết.
4) Một vài mẹo
- Đánh lạc hướng: chỉ cho con cái gì đó khi con đang gào khóc. Công nhận cảm xúc của con trước. Mẹ biết con đang..., mẹ biết rồi... nhưng..., sau đó em đánh lạc hướng “nhìn này… con mèo, con chó". Nên thủ sẵn 1 số đồ mà em biết con thích để vào 1 chỗ & lôi ra khi cần.
- Có sự trợ giúp của người khác trong gia đình, "chia để trị". Bởi vì lúc đó em mệt và hoảng là sẽ dễ hành động "bậy" ngay. Nhờ ai dỗ và đi ra khỏi hiện trường nhé!
- Nếu không thể đi được thì phải chịu trận và tập đếm tới 1000 hay 100 ngàn gì đó. Con sẽ qua cơn cảm xúc ấy, và lắng lại.
- Cố gắng quan sát, ghi chép và hiểu "cơ chế nổi điên" của con. Cái này em phải làm thôi vì em là người chăm con, hiểu con sẽ phản ứng với điều gì, từ đó mình sẽ rút ra được 1 số cách "trị".
- Còn 1 cách khác là để con gào khóc 1 lúc (với điều kiện không thấy nguy hiểm gì xung quanh), thì 1 lúc sau con sẽ dịu lại, nhưng mà cách này cha mẹ phải kiên định và gan lì nhé, chứ nghe con gào nó như tra tấn ấy. 😝
- Tuổi này còn sẽ đau đầu tới lúc hết 3 tuổi em ạ, nên sẽ qua thôi. 😄
Tặng em Linh Linh hình ảnh này. Rồi sẽ có những lúc bọn nó "nổi điên" vì cái bánh bị sứt 1 miếng nhỏ. 🤣
Câu hỏi 3 từ mẹ Arita Huynh
Mẹ: Arita. Bé: Finn - 4,5 tuổi. Đã bắt đầu hành trình song ngữ cùng con được 1 thời gian.
Khi con đi học mầm non quen giao tiếp bằng tiếng Việt nên về nhà nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt. Vậy có những cách thức hoặc phương pháp nào để trẻ tiếp tục nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh?
Admin Hồng Thủy đáp:
Xin chào mẹ Arita, bé Finn nhà mẹ bằng tuổi bé Cá nhà mình đó. Việc bé quen dùng tiếng Việt hơn tiếng Anh thì thường do bé cảm thấy dễ dàng thân thuộc với tiếng Việt hơn và bé cũng quan sát xung quanh việc mọi người sử dụng ngôn ngữ nào nhiều hơn thì sẽ có xu hướng dùng ngôn ngữ đó.
Bé Cá nhà mình cũng đi học ở trường chỉ dùng tiếng Việt, nên về nhà mình sẽ cần bày trò để bé cảm thấy vui vẻ thích thú với tiếng Anh. Cách đơn giản nhất chính là dùng âm nhạc và chuyển động, các bài hát tiếng Anh cho trẻ nhỏ có giai điệu vui tươi, ngôn từ và cấu trúc lặp lại, dễ nhớ dễ thuộc. Và nhiều bài hát có động tác để bé làm theo, như: head shoulders knees and toes, if u're happy and u know it... nó sẽ khuyến khích bé học qua phương pháp TPR - total physical responses - học ngôn ngữ bằng mọi phản ứng của cơ thể. Từ hát nhiều rồi mới chuyển qua nói, quan trọng là bé phải cảm thấy vui, dễ và được khuyến khích để dùng tiếng Anh, thì dù bằng việc hát hay nói bé cũng sẽ học được.
Câu hỏi 4 từ mẹ Phạm Lý Thiên Trang
Chào cả nhà, mình tên Trang, có bé Tiger - 22m
Em đã bắt đầu hành trình song ngữ cùng con được 2 tháng. Em mới chỉ cho bé nghe bài hát tiếng Anh và nói chuyện với con trước khi đi ngủ. Do bé chưa biết nói ạ. Bé chỉ bắt đầu nói từ đơn ạ.
Bây giờ em băn khoăn không biết làm gì tiếp theo với bé? Và là mẹ, em nên chuẩn bị gì cho giai đoạn tiếp theo?
Admin Hồng Thủy đáp:
Xin chào Trang, để trả lời ngắn gọn thì với bé, trong 1 năm tới, mẹ Trang cứ tiếp tục duy trì như 2 điều mẹ đang làm: cho con nghe các bài hát tiếng Anh và cùng con hát theo, nói chuyện với con bằng tiếng Anh trước khi đi ngủ. Thêm 1 việc nữa là đọc những cuốn sách dạng tranh từ điển board book cho bé, cùng bé khám phá sách.
Còn để trả lời chi tiết thì mẹ có thể đọc bài đầy đủ cả chặng đường 4,5 năm mình đã làm với bé nhà mình ở đây nha:
Dạy trẻ song ngữ là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo và nhất quán từ phía cha mẹ. Mỗi đứa trẻ có nhịp độ phát triển ngôn ngữ khác nhau, vì vậy điều quan trọng là tạo ra một môi trường học tập vui vẻ, tự nhiên và không gây áp lực. Hãy nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng không chỉ là giúp trẻ nói được tiếng Anh, mà còn là nuôi dưỡng tình yêu ngôn ngữ và văn hóa, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.