top of page

Tại sao trẻ song ngữ, đa ngữ pha trộn ngôn ngữ khi giao tiếp và bạn có thể làm gì để giúp trẻ?

Pha trộn ngôn ngữ là hiện tượng phổ biến ở trẻ song ngữ và đa ngữ, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ của con. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu tích cực cho thấy trẻ đang bước sang một giai đoạn phát triển ngôn ngữ mới và đang học cách vận dụng vốn từ vựng một cách đa dạng hơn trong từng hoàn cảnh. Hãy cùng mình tìm hiểu về hiện tượng này và những cách hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện qua bài viết sau nhé!


  • “Mommy look! That is a “xe cứu thương”” e ò e ò e ò…

  • “Kore wa firetruck”, “Kore wa ambulance”

  • “Mommy, I see a plane! It has 2 cánh”...


Đó là một số ví dụ điển hình mà Sóc nhà mình đã nói khi con khoảng 2-3 tuổi. Những câu nói pha trộn giữa tiếng Anh, tiếng Việt và cả tiếng Nhật.


Mình và Sóc qua Nhật đoàn tụ cùng bố Sóc khi Sóc gần 2 tuổi, đó cũng là giai đoạn mình bắt đầu tập trung dạy Sóc song ngữ Anh - Việt tại nhà, và khi con được 2,5 tuổi thì mình bắt đầu cho con đi học mầm non tại Nhật với giáo viên và các bạn hoàn toàn là người Nhật. Quá trình đồng hành cùng con đa ngôn ngữ gặp khá nhiều thử thách, khó khăn như con có thiên hướng ưu tiên sử dụng 1 ngôn ngữ mà con thích hơn ngôn ngữ còn lại, con trộn lẫn các ngôn ngữ khác nhau, cũng có giai đoạn con gặp khó khăn trong diễn đạt một câu bằng tiếng Việt (do thời gian đó mình hơi tập trung nhiều hơn vào tiếng Anh)...


Rất nhiều trải nghiệm và thử thách, trong suốt gần 3 năm đồng hành cùng con, mình vừa quan sát con vừa điều chỉnh lại mình.


Hôm nay thì mình muốn chia sẻ về một trong số những thử thách mà mình gặp phải, đó là giai đoạn “Trộn lẫn ngôn ngữ” - Code - Mixing.


Trộn ngôn ngữ là gì?


Hiện tượng trộn ngôn ngữ ở trẻ song ngữ, đa ngôn ngữ là một hiện tượng khá phổ biến và tự nhiên trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ khi trẻ biết nói. Trẻ có xu hướng sử dụng từ hoặc cấu trúc của hai ngôn ngữ khác nhau trong cùng một câu hoặc cuộc hội thoại để diễn tả điều mình muốn nói. Giai đoạn này có thể kéo dài cho đến khi trẻ có đủ vốn từ để diễn đạt ở cả hai ngôn ngữ.


Đối với cha mẹ nuôi dạy trẻ song ngữ, pha trộn ngôn ngữ thường được coi là hậu quả tiêu cực của việc học hai ngôn ngữ cùng lúc. Có không ít cha mẹ lo lắng về vấn đề con có thể bị loạn ngôn ngữ, con không phân biệt được khi nào cần giao tiếp bằng ngôn ngữ gì. Đôi khi cha mẹ chỉ tập trung vào đồng hành cùng con một ngôn ngữ và bỏ qua ngôn ngữ khác vì lo ngại vấn đề trên.


Tuy nhiên, pha trộn ngôn ngữ là hoàn toàn bình thường đối với trẻ song ngữ. Vì trẻ song ngữ đang học hai bộ từ vựng nên chúng có gấp đôi (hay đa ngữ với lượng từ vựng gấp 3, 4.. lần) số lượng từ cần học so với những bạn cùng lứa chỉ nói một ngôn ngữ.



Khi trẻ cố gắng diễn đạt điều muốn nói, chúng sẽ vận dụng vốn từ vựng mà chúng biết và quen thuộc, nếu chúng thiếu vốn từ ở một ngôn ngữ, chúng sẽ bù đắp bằng ngôn ngữ còn lại. Bên cạnh đó, trẻ có xu hướng mất cân bằng ngôn ngữ nếu thời lượng tiếp xúc không đồng đều, và ưu tiên một ngôn ngữ mà trẻ cảm thấy quen thuộc hơn, tự tin hơn để giao tiếp với cha mẹ.


Trộn ngôn ngữ là một giai đoạn khá thử thách với không ít cha mẹ nuôi dạy trẻ song ngữ, đa ngôn ngữ. Tuy nhiên đây cũng là một dấu hiệu tích cực trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ, và giai đoạn này cũng sẽ nhanh trôi qua khi cha mẹ biết cách hỗ trợ trẻ phù hợp.


Những điều cha mẹ có thể làm để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn con pha trộn các ngôn ngữ với nhau


1. Xây dựng môi trường sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán


Luôn nhất quán trong sử dụng từng ngôn ngữ với trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng. Có bốn phương pháp dạy trẻ song ngữ tại nhà phổ biến hiện nay (mỗi người một ngôn ngữ, nói ngôn ngữ thiểu số tại nhà, phân chia ngôn ngữ theo thời gian và địa điểm, phương pháp tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên) cha mẹ có thể tham khảo thêm và lựa chọn một phương pháp phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Từ đó hãy xây dựng một kế hoạch sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán, với các tình huống cụ thể cho mỗi ngôn ngữ, tuyệt đối không trộn lẫn ngôn ngữ trong cùng một câu nói khi giao tiếp với trẻ.


Ví dụ, cha mẹ có thể quy định chỉ sử dụng tiếng Việt ở nhà và tiếng Anh khi đi ra ngoài hoặc đi học. (Cha mẹ có thể tham khảo thông tin chi tiết về 4 phương pháp dạy trẻ song ngữ tại nhà phổ biến hiện nay, mình để tại đây)


2. Làm mẫu ngôn ngữ đúng cho trẻ


Nếu trẻ pha trộn ngôn ngữ, hãy sửa và lặp lại những gì con nên nói, bằng ngôn ngữ mà bạn mong đợi con sử dụng với bạn.


Bằng cách này, con sẽ nghe câu đúng để có thể nói theo và được củng cố vốn từ, khả năng diễn đạt.


Ví dụ: Khi cha mẹ và con đang giao tiếp tiếng Việt và con nói “Mẹ ơi, cái này là firetruck của con đấy”. Mẹ có thể nhẹ nhàng sửa lại câu và lặp lại từ con đang mượn của ngôn ngữ khác bằng ngôn ngữ tiếng Việt cho con: “À, con nói là “Mẹ ơi, cái này là xe cứu hỏa của con đấy” à? “Xe cứu hỏa” con nhé!”


3. Tăng cường thời gian tiếp xúc, trò chuyện với từng ngôn ngữ một cách cân bằng, đều đặn


Để tăng vốn từ và khả năng ngôn ngữ ở trẻ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ học và sử dụng từ vựng, ngữ pháp đúng trong từng ngôn ngữ. Thông qua các hoạt động như đọc sách truyện mỗi ngày, cùng con học các bài hát thiếu nhi phù hợp với độ tuổi, sở thích và có tính tương tác cao, hoặc tổ chức các hoạt động vui chơi, thủ công tương ứng với từng ngôn ngữ, cha mẹ sẽ có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện hơn mà không một thiết bị điện tử và ứng dụng công nghệ nào có thể thay thế được.


4. Kiên nhẫn và khích lệ


Hiện tượng trộn ngôn ngữ là bình thường, cha mẹ không nên quá căng thẳng và trách mắng trẻ. Phản ứng tiêu cực của cha mẹ mỗi khi trẻ sử dụng sai hay trộn lẫn ngôn ngữ có thể gây áp lực lên trẻ và khiến trẻ mất tự tin khi nói một hoặc cả hai ngôn ngữ. Thay vào đó, hãy cố gắng kiên nhẫn và khuyến khích trẻ sử dụng đúng ngôn ngữ trong từng ngữ cảnh.



Luôn giữ thái độ tích cực là điều rất quan trọng trên hành hình đồng hành song ngữ, đa ngôn ngữ cùng con. Khi trẻ tự tin và vui vẻ, trẻ sẽ thích nói.


5. Tạo điều kiện cho trẻ tương tác với những người sử dụng đúng ngôn ngữ


Tạo điều kiện cho trẻ tương tác với người lớn hoặc trẻ khác sử dụng chuẩn từng ngôn ngữ, để trẻ có thể phân biệt được môi trường nào dùng ngôn ngữ gì và qua đó cũng học hỏi được cách sử dụng ngôn ngữ đúng cách.


Ví dụ, với tiếng Việt thì ngoài bố mẹ ra, Sóc được tiếp xúc với các bác, các cô chú và các bạn là người Việt Nam. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên gọi video về nhà để con có thể nói chuyện với người thân trong gia đình như ông bà nội, ngoại, các bác, cậu mợ và các anh chị em. Với tiếng Anh thì con chủ yếu tương tác cùng mẹ, bên cạnh đó mình cũng cho con tiếp xúc nguồn tiếng Anh chuẩn bản ngữ qua một số kênh như Youtube, đọc sách truyện kết hợp nghe Audio từ người bản ngữ... Với tiếng Nhật thì con có điều kiện học tập tại Nhật nên sẽ được tiếp xúc với nguồn chuẩn từ thầy cô và các bạn Nhật ở trường.


Trộn lẫn ngôn ngữ chỉ là một giai đoạn bình thường trong quá trình tiếp thu và phát triển ngôn ngữ ở trẻ song ngữ, đa ngữ và giai đoạn này sẽ sớm qua, con sẽ nói trôi chảy cả hai hay nhiều ngôn ngữ. Vì vậy cha mẹ đừng quá lo lắng mà bỏ lỡ cơ hội đồng hành song ngữ, đa ngôn ngữ cùng con nhé.


Hãy coi việc pha trộn ngôn ngữ là một điều tích cực. Con chỉ đang học cách bù đắp cho vốn từ vựng còn thiếu của mình trong một ngôn ngữ mà thôi.


Khi đã học được vốn từ vựng còn thiếu, trẻ sẽ không cần phải trộn lẫn ngôn ngữ nữa.

Hy vọng chia sẻ của mình hữu ích với cha mẹ và giúp cha mẹ bớt lo lắng trên hành trình đồng hành song ngữ, đa ngôn ngữ cùng con!


Bài viết được tham khảo thông tin từ trang BilingualKidspot và dịch bởi Thu Trang - Mẹ Sóc


Nếu ba mẹ muốn được đồng hành cùng con trong hành trình song ngữ, DTSN hiện có các khóa học như sau:


Từ nói sai thành nói hay - Khóa học giúp ba mẹ chuẩn hóa cách phát âm, trang bị đầy đủ công cụ và phương pháp để dạy con hiệu quả tại nhà. Sau khóa học, ba mẹ sẽ tự tin dẫn dắt con trên con đường chinh phục tiếng Anh.


Đọc sao cho con nói - Nói sao cho con đọc: Khóa học chuyên sâu của DTSN giúp phụ huynh nắm vững cách chọn sách phù hợp cho trẻ từ 0-6 tuổi. Sau khóa học, ba mẹ sẽ nắm vững kỹ năng đọc sách, tương tác, biến mỗi cuốn sách thành một trải nghiệm học tập thú vị cùng con.


Khóa học kèm cặp 1-1 "GIAO TIẾP TIẾNG ANH CÙNG CON" trong 6 tháng là giải pháp dành cho các bậc phụ huynh muốn xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc cho con. Chương trình cung cấp đầy đủ tài liệu kèm theo hướng dẫn chi tiết để biến các hoạt động hàng ngày thành cơ hội giao tiếp tiếng Anh tự nhiên với con.


Để biết thêm chi tiết và đăng ký, mời ba mẹ nhấn vào đây.

41 views0 comments
bottom of page