Bài viết cung cấp thông tin về 4 phương pháp dạy trẻ song ngữ tại nhà phổ biến trên thế giới, cùng với ưu nhược điểm của từng phương pháp. Hy vọng có thể giúp ba mẹ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Nên áp dụng phương pháp song ngữ nào cho gia đình mình.
Bài viết khá dài vì có nhiều thông tin nền tảng và mình cần giải thích kĩ để các ba mẹ chưa tìm hiểu trước đó cũng hình dung được. Hãy chịu khó đọc kĩ một lần để có cái nhìn tổng thế nha các ba mẹ!
PHƯƠNG PHÁP 1: MỖI NGƯỜI MỘT NGÔN NGỮ (OPOL)
Mỗi người một ngôn ngữ (one person, one language/ OPOL) là một trong những phương pháp phổ biến nhất đang được áp dụng để dạy một em bé biết nói song ngữ. Với phương pháp này, người cha sẽ luôn dùng một ngôn ngữ với trẻ, và người mẹ dùng một ngôn ngữ khác. Ví dụ ta muốn trẻ nói được song ngữ Anh - Việt. Cha mẹ sẽ phân chia, ai tốt tiếng Anh sẽ luôn nói tiếng Anh với con, còn người còn lại sẽ luôn dùng tiếng Việt với con.
Điều này hiệu quả với những gia đình mà mỗi phụ huynh thông thạo một thứ tiếng khác nhau hoặc ít nhất một trong hai phụ huynh nói thông thạo 2 ngôn ngữ.
Ảnh: edit on Canva
Ưu điểm:
Trẻ sẽ được tiếp xúc với hai ngôn ngữ cùng một lúc từ nhỏ.
Dạy hai ngôn ngữ từ nhỏ bởi hai người khác nhau cũng giúp giảm thiểu việc lẫn lộn ngôn ngữ ở trẻ.
Nhược điểm:
Trẻ có thể cảm thấy bối rối khi nói chuyện với cả cha và mẹ cùng lúc. Bởi trẻ sẽ phải chuyển đổi ngôn ngữ liên tục, lúc nói tiếng Việt với người này, lúc nói tiếng Anh với người kia.
Do thời gian cha mẹ không ở bên cạnh con như nhau, nên khi áp dụng phương pháp này một cách cứng nhắc, người nào ở bên cạnh trẻ nhiều hơn, trẻ nghe được ngôn ngữ nào nhiều hơn, sẽ có xu hướng dùng ngôn ngữ đó nhiều hơn khi trẻ biết nói. Nó sẽ tạo ra sự mất cân bằng hai ngôn ngữ.
Ví dụ mẹ là người nói tiếng Anh với con và là người chăm sóc con, dành hầu như 24/7 bên cạnh con, trong khi chồng bạn thường xuyên đi công tác và không có thời gian chơi với con thì hẳn nhiên bé đang được tiếp xúc tiếng Anh nhiều hơn.
Điều này có thể dẫn đến việc trẻ sẽ ít chú ý đến tiếng Việt và không sử dụng nó một cách tự nhiên. Do vậy, trẻ cũng ít trò chuyện và kết nối với cha.
Giải pháp:
Phương pháp này được khuyến khích sử dụng khi có 2 điều kiện:
Một là bạn thật sự tốt tiếng Anh và có thể nói 100% toàn thời gian bằng tiếng Anh.
Hai là thời gian của cả bố và mẹ dành cho con là cân bằng nhau, để bé không bị lệch ngôn ngữ nào trong hai ngôn ngữ.
Bạn có thể tham khảo cách áp dụng phương pháp này của gia đình AlexD.
PHƯƠNG PHÁP 2: NÓI NGÔN NGỮ THIỂU SỐ TẠI NHÀ (MLAH)
Phương pháp "Nói ngôn ngữ thiểu số tại nhà” (Minority Language At Home/ MLAH) có nghĩa là cha mẹ và trẻ luôn dùng ngôn ngữ thiểu số (ít được nói hơn) ở nhà, và dùng ngôn ngữ đa số (hay ngôn ngữ cộng đồng) ở bên ngoài như ở nơi công cộng, trường học, đi chợ,...
Cách này được áp dụng phổ biến ở những gia đình di cư sang nước khác sinh sống. Sẽ dễ hiểu hơn khi bạn hình dung đến một gia đình Việt di chuyển đến một nước nói tiếng Anh để sống. Trong trường hợp này, tiếng Việt sẽ là “ngôn ngữ thiểu số” và tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến hơn. Để duy trì hai ngôn ngữ, các gia đình Việt thường quy định luôn nói tiếng Việt ở nhà, còn ra ngoài sẽ dùng tiếng Anh.
Ưu điểm:
Trẻ có thể duy trì sử dụng ngôn ngữ gia đình (tiếng mẹ đẻ) do người thân luôn nói ngôn ngữ đó.
Nhược điểm:
Với những gia đình đang sống tại Việt Nam như chúng ta, cách này hơi khó áp dụng. Lý do là tiếng Việt là ngôn ngữ đa số, còn tiếng Anh là ngôn ngữ thiểu số. Nếu làm theo cách này thì ở nhà cần nói tiếng Anh 100%, khi ra ngoài mới dùng tiếng Việt. Điều này có thể khiến trẻ thích nói tiếng Anh hơn vì trẻ luôn dùng tiếng Anh với bố mẹ và người trong nhà.
Giải pháp:
Khi áp dụng cách này, cha mẹ Việt ở nước ngoài cần kết hợp truyền tải các giá trị văn hóa và niềm tự hào về dân tộc, ngôn ngữ của mình để trẻ tự tin sử dụng nó. Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ tham gia nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa dân tộc, hoặc thường xuyên kết nối các thành viên trong gia đình ở quê nhà để trẻ duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ và nhớ đến nguồn cội của mình.
Có thể bạn quan tâm:
Bạn đang tìm một cộng đồng nhỏ, riêng tư, tích cực để duy trì thực hành nói tiếng Anh cùng con với các bà mẹ chung chí hướng, hãy tham gia cùng chúng mình tại group Dạy trẻ song ngữ.
PHƯƠNG PHÁP 3: PHÂN CHIA NGÔN NGỮ THEO THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM (T&P)
Chiến lược phân chia ngôn ngữ theo thời gian và địa điểm (Time and Place/ T&P) có nghĩa là lên kế hoạch cụ thể khung giờ nào hoặc nơi nào sẽ sử dụng từng ngôn ngữ. Tức là thời gian nào/ nơi nào dùng tiếng Anh và thời gian nào/ nơi nào thì dùng tiếng Việt trong ngày.
Có thể nói đây là phương pháp dễ áp dụng nhất cho cha mẹ Việt. Và phương pháp này khác phương pháp mỗi người một ngôn ngữ (OPOL) ở chỗ cha mẹ có thể đều nói tiếng Anh và đều nói tiếng Việt với con, chứ không nhất thiết mỗi người chỉ dùng một ngôn ngữ.
Một số cách phân chia nói song ngữ theo khung thời gian như:
Chỉ sử dụng một ngôn ngữ vào buổi sáng và một ngôn ngữ khác vào buổi tối
Luôn dùng tiếng Anh trong một số khung giờ nhất định trong ngày, ví dụ: giờ ăn, giờ chơi, giờ đọc sách, giờ đi ngủ… còn các giờ khác dùng tiếng Việt.
Một số cách phân chia nói song ngữ theo địa điểm như:
Nói một ngôn ngữ ở nhà và một ngôn ngữ khác trong nhà bếp hoặc trên bàn ăn với gia đình. Chẳng hạn như ở nhà Cá, trên bàn ăn sẽ là lúc mẹ Cá dùng tiếng Anh với con.
Nói một ngôn ngữ ở nhà và một ngôn ngữ khác ở trường hoặc sân chơi. Lúc ra ngoài sân chơi chung của tòa nhà hoặc sân chơi ở trường, hai mẹ con Cá sẽ dùng tiếng Anh với nhau.
Chọn ra một nơi riêng tư trong nhà được chỉ định cho ngôn ngữ cụ thể đó. Ví dụ như trong phòng ngủ sẽ dùng tiếng Anh, khu vực đọc sách, khu giải trí sẽ dùng tiếng Anh, còn ở các phòng khác trong nhà vẫn dùng tiếng Việt.
Ảnh: edit on Canva
Ưu điểm:
Bạn có thể chủ động lên lịch nói các ngôn ngữ theo thời gian và địa điểm bạn cảm thấy thoải mái và thuận tiện. Đặc biệt với các bố mẹ chưa có nhiều vốn từ, có thể bắt đầu với 1 địa điểm hoặc một khung giờ cụ thể liên quan đến 1 hoạt động hay làm với bé để bắt đầu nói tiếng Anh với bé.
Với sự duy trì lặp đi lặp lại theo khung thời gian hoặc theo địa điểm, trẻ dù chưa biết nói cũng sẽ dần quen và nhận ra ở đâu và khi nào thì mẹ hoặc bố nói ngôn ngữ nào.
Nhược điểm và giải pháp:
Trên thực tế, có những phát sinh ngoài ý muốn khiến bạn không thể tuân theo lịch trình đưa ra một cách nghiêm ngặt, nhất là khi áp dụng với trẻ nhỏ. Vì vậy cha mẹ cần đưa ra lịch trình phù hợp và có thể thực hiện được để tránh tạo áp lực cho nhau.
Điều khó nhất khi theo phương pháp này là duy trì sự nhất quán hàng ngày. Vì vậy, bố mẹ khi mới bắt đầu hoặc vốn ngôn ngữ tiếng Anh còn hạn chế hãy bắt đầu với 1 lịch (tức một khung giờ) để nói tiếng Anh với con. Và duy trì cho đến khi thật quen thuộc thì mới mở rộng sang một khung giờ khác.
Bài viết nổi bật:
PHƯƠNG PHÁP 4: PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN NGÔN NGỮ TỰ NHIÊN (NATURAL MIXING LANGUAGES METHOD)
Với phương pháp tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên (Natural Mixing Languages Method) cha mẹ có thể nói chuyện với trẻ bằng cả hai ngôn ngữ mà không cần bất kỳ kế hoạch hoặc lịch trình nào trước.
Phương pháp này dành cho những gia đình không muốn tuân theo một lịch trình quá nghiêm ngặt hoặc trẻ không thích những phương pháp trên. Nhưng bạn chỉ nên áp dụng khi bản thân có thể sử dụng tốt 2 ngôn ngữ ngữ đó trong mọi hoàn cảnh một cách tự nhiên để chuyển đổi linh hoạt với con, bất cứ khi nào bạn muốn.
Ưu điểm:
Việc tiếp cận một cách tự nhiên, không có kế hoạch hay thời gian biểu nào giúp giảm thiểu những căng thẳng, lo lắng cho cả bạn lẫn trẻ.
Đây là phương pháp đơn giản cho những gia đình có cha hoặc mẹ đều phải làm việc nhiều và thay đổi được vai trò chăm sóc nuôi dạy con cho nhau. Ví dụ, nếu người mẹ là người phụ trách chăm sóc con là chính, nhưng có khoảng thời gian đi công tác hoặc có việc bận, thì người cha vẫn có thể sử dụng chiến lược này để dạy trẻ đa ngôn ngữ. Tuy nhiên nó chỉ linh hoạt khi cả hai bố mẹ đều giỏi cả 2 ngôn ngữ đó.
Nhược điểm:
Trẻ có thể thích ngôn ngữ này hơn ngôn ngữ kia nếu bố mẹ không chú ý cân bằng cả hai, do bố mẹ không có kế hoạch phân chia vai trò cụ thể theo thời gian, địa điểm.
Giải pháp:
Khi nói chuyện với trẻ, nếu cảm thấy trẻ đang tiếp xúc ngôn ngữ này ít hơn ngôn ngữ kia hoặc trẻ cứ nói một ngôn ngữ chúng cảm thấy quen thuộc hơn thì bạn cần điều chỉnh lượng ngôn ngữ trẻ đang tiếp cận.
Cụ thể, nếu trẻ quen nói tiếng Anh và có xu hướng thích dùng nó hơn, bạn cần gia tăng thời lượng nói tiếng Việt với trẻ. Bạn có thể gọi video cho ông bà hoặc người thân để trẻ thấy cần dùng tiếng Việt, chơi trò chơi, đọc một cuốn sách bằng tiếng Việt mà có nội dung thú vị hấp dẫn trẻ … để trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc và tò mò với tiếng Việt.
Ảnh: edit on Canva
Final thought:
1 - Cả 4 phương pháp này cần một điều kiện chung là: có bố hoặc mẹ - hay người thường xuyên chăm sóc trẻ có khả năng nói được 2 ngôn ngữ với trẻ. Nếu bạn cảm thấy vốn tiếng Anh của mình không tốt, mình không biết phát âm đúng theo quy tắc phát âm của phiên âm tiếng Anh thì chưa thể thực hiện các phương pháp này.
2 - Thực tế, không có phương pháp nào là tốt nhất khi dạy trẻ song ngữ vì phương pháp nào cũng có những ưu nhược riêng. Bởi nuôi dạy trẻ song ngữ là một việc lâu dài, bạn có thể vừa thực hành vừa điều chỉnh, miễn sao đảm bảo trẻ được tiếp xúc với cả hai ngôn ngữ với lượng thời gian như nhau.
3 - Trong từng giai đoạn, chúng ta có thể chuyển từ phương pháp này sang phương pháp kia, dựa trên tình hình phát triển ngôn ngữ của con và khả năng dùng tiếng Anh của bố mẹ.
Ví dụ ở nhà Cá, mẹ Cá bắt đầu với phương pháp song ngữ theo khung thời gian và địa điểm. Vì mẹ Cá đảm nhận dạy Cá cả tiếng Việt và tiếng Anh nên việc phân chia theo thời gian tách bạch sẽ giúp Cá dễ nhận biết hai ngôn ngữ. Rồi đến khi Cá có thể nói tiếng Việt rõ ràng (trên 2 tuổi) thì mẹ Cá tăng thời gian tiếp xúc dùng tiếng Anh lên. Dần dần, khi Cá phân biệt được 2 ngôn ngữ rồi, không sợ nhầm lẫn nữa, thì mẹ Cá dùng phương án nói linh hoạt, thoải mái, không cố định thời gian địa điểm như trước (lúc đó Cá khoảng trên 2,5 tuổi). Sau này, khi Cá có lượng từ vựng tiếng Anh tốt, mẹ Cá dự định dùng 100% tiếng Anh với Cá, khi đó sẽ áp dụng cách mỗi người một ngôn ngữ (OPOL) trong nhà.
Như vậy, với một em bé được nuôi dạy song ngữ có thể lớn lên với cả 3 hoặc 4 phương pháp lần lượt thay đổi theo thời gian.
Chìa khóa ở đây là bạn cố gắng cùng con thực hiện tất cả các hoạt động hàng ngày bằng 2 ngôn ngữ đó. Đặc biệt là nên chọn những hoạt động mà trẻ thích để trẻ cảm thấy thoải mái khi dùng ngôn ngữ mới. Chỉ khi việc học có sự hào hứng, việc tiếp thu ngôn ngữ mới sẽ dễ dàng hơn với trẻ.
----------------
Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.
Chân thành cảm ơn bạn!