Đây là cách mình đã áp dụng để con giao tiếp tiếng Anh song song với tiếng Việt giai đoạn 0-4 tuổi mà không học trên lớp, không dùng app học tiếng Anh. Từ 0-3 tuổi Cá chỉ học qua tương tác với mẹ ở nhà, cho đến khi lên 3 tuổi con mới có 2 tiết tiếng Anh vào thứ 2 & thứ 6, mỗi tiết 30 phút học cùng giáo viên Philippin trên lớp.
Lưu ý trước khi đọc để tránh mất thời gian của mọi người thì chúng ta cần xem mục tiêu và các điều kiện của bố mẹ có giống của mình không vì bài rất dài. Mình không theo khuynh hướng nhất nhất con phải nói chuẩn như người bản ngữ. Tất nhiên mình có mong muốn con sẽ có accent giống bản ngữ hơn so với mình và mình tin sau này con lớn hơn con có thể rèn luyện để đạt được, tuy nhiên đó không phải mục tiêu của mình ở giai đoạn con mới 0-6.
Mục tiêu của mình làm cùng con ở giai đoạn 0-4 là sẽ giúp con:
+ Phát âm rõ ràng, đa số mọi người cả người Việt và giáo viên nước ngoài có thể nghe hiểu con đang nói gì khi con 3 tuổi.
+ Dùng tiếng Anh hàng ngày để trò chuyện với mẹ 1 cách thoải mái với phản xạ tự nhiên. Con thể hiện cảm xúc yêu, ghét, sợ, lo lắng, phản đối, đồng tình, biết các manner cơ bản bằng tiếng Anh.
+ Bỏ qua được bước dịch trong đầu mà nghĩ ngay được bằng tiếng Anh ở những tình huống quen thuộc. Con không nói trộn lẫn tiếng Anh tiếng Việt trong cùng một câu.
+ Có vốn từ vựng gần tương đương như trẻ bản ngữ cùng tuổi.
+ Thích nghe đọc sách tiếng Anh và có thể ngồi nghe đọc hàng giờ.
+ Khi xem video trên Youtube, nghe các cuộc hội thoại của các bạn nhỏ bản ngữ, con có thể hiểu gần hết và biết bắt chước cách nói của các bạn trong video vào đúng hoàn cảnh thực tế khi gặp tình huống tương tự.
Mục tiêu tiếp theo khi đồng hành cùng con ở giai đoạn 4-7
+ Khả năng nghe nói tiếp tục duy trì phát triển lên
+ Có thói quen ngồi bàn, làm các bộ sách activity books của nhà xuất bản bản ngữ cho đúng độ tuổi. (có thể đúng, có thể sai, quan trọng là quen và hào hứng)
+ Làm quen với phonics và thực sự biết đọc khi 6-7 tuổi, chứ không biết đọc biết viết sớm trước 6 tuổi.
+ Khi vào cấp 1, dù học trường công hay tư, hệ chuẩn hay hệ Cam thì vốn tiếng Anh đã có ở 6 năm đầu đời của con đủ để giúp con tiếp tục tự học tốt (với sự đồng hành của mẹ).
+ Và không phụ thuộc vào app, không đi học thêm TA, chỉ có khoản mua sách truyện là hơi nhiều (chủ yếu vì sở thích và công việc của mẹ cần nghiên cứu sách nên con mới được mua nhiều).
Rồi nếu đọc đến đây, và bạn thấy mục tiêu này của mình giống mục tiêu của bạn thì hãy đọc tiếp nhé.
Điều kiện cần để thực hiện lộ trình này một cách thành công
- Điều kiện tiên quyết là cần có ít nhất 1 người thân nói chuyện bằng tiếng Anh với bé HÀNG NGÀY nhưng không cần nói tiếng Anh cả ngày, cũng không phải nói quá hay, quá giỏi mới làm được. Tốt nhất sẽ là bố hoặc mẹ, còn ko thì mình nhờ cô dì, chú cậu …miễn là 1 người trong nhà, gần gũi, có thể tiếp xúc trực tiếp với bé hàng ngày.
- Về khả năng tiếng Anh của người sẽ nói chuyện, đọc sách hàng ngày với bé: người đó cần phát âm rõ ràng, có ngữ điệu 1 chút, không phát âm sai, đặc biệt không bỏ âm cuối (ví dụ: wife, white, why mà đọc “wai” như nhau hết thì hỏng) và không sờ lung tung, tức là âm /s/ nói không đúng chỗ, số nhiều hay ngôi thứ 3 cần /s/ thì không sờ mà lại /s/ ở những chỗ không cần. Những thói quen phát âm sai này vẫn hoàn toàn sửa được, loại bỏ được nếu mình quyết tâm luyện, chỉnh một cách chú tâm. Mình và chị Maily có thiết kế và đã mở khóa học rèn phát âm cho cha mẹ, để cha mẹ cải thiện tối đa những lỗi hay mắc của người Việt khi nói tiếng Anh. Bạn có thể xem thông tin TẠI ĐÂY:
- Lộ trình của mình sẽ phù hợp nhất khi bắt đầu luôn từ giai đoạn 0-1 tuổi, thậm chí từ lúc bầu có thể bắt đầu càng tốt. Nếu em bé từ 2 tuổi trở đi mới bắt đầu thì cách tiếp cận sẽ khác đi đôi chút. Khác như thế nào thì mình cần gặp riêng cha mẹ mới tư vấn được vì mỗi em bé lại khác nhau.
Nguyên tắc thực hiện chung
- Bắt đầu với việc NGHE – NÓI để trẻ tạo phản xạ giao tiếp tự nhiên, không học 2 kĩ năng “đọc – viết” ở giai đoạn 0-4 tuổi. Để trẻ có thể nghe hiểu và nói ra được, thì trẻ phải có vốn từ.
- Cố gắng để con tiếp xúc tiếng Anh giống như tiếp xúc tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, sẽ HOÀN TOÀN KHÔNG DỊCH NGHĨA từ tiếng Anh sang tiếng Việt, mà đã dùng Tiếng Anh là dùng tiếng Anh hoàn toàn. Lý do là để con tiếp xúc từ đó, khái niệm đó bằng hoàn toàn trải nghiệm tự nhiên, để dần tiến tới việc tư duy bằng ngôn ngữ gốc, để khi nhìn thấy 1 vật mà con đã biết tên gọi, con sẽ bật ra nói từ đó bằng thẳng tiếng Anh chứ không trải qua bước “dịch trong đầu” (kiểu “đây là quả táo, quả táo là apple con nhé hay thỉnh thoảng lại hỏi con: "từ này tiếng ANh đọc là gì?). Tuy nhiên với các bạn đã lớn mới tiếp xúc tiếng Anh thì lại cần dịch song song giai đoạn đầu để trẻ không thấy khó mà nản, rồi sau dần dần cha mẹ giảm tần suất dịch lại.
- Để em bé tiếp xúc tiếng Anh giống như khi học tiếng mẹ đẻ, mình cứ hình dung là: trẻ thường được bao quanh bởi tiếng Việt qua những nguồn gì, thì cũng làm tương tự với tiếng Anh. Tức là trẻ cần:
+ Người nói chuyện, chơi đùa với trẻ bằng tiếng Anh hàng ngày (tiếng Anh 100% không pha tiếng Việt)
+ Nghe nhạc thiếu nhi bản ngữ hàng ngày (nghe đủ nhiều để hát theo được)
+ Nghe người lớn đọc truyện tiếng Anh bản ngữ (và khi đọc thì cũng KHÔNG DỊCH sang tiếng Việt). Cái này làm hàng ngày được thì tốt nhất, không thì cũng ít nhất cần 2-3 lần 1 tuần.
+ Sau 2 tuổi thì cho trẻ xem (có hạn chế thời gian) một vài chương trình hoạt hình thiếu nhi, video có các bạn nhỏ bản ngữ tương tác chơi đùa. (cách này chỉ có hiệu quả khi trẻ đã có vốn từ cơ bản trước đó).
Thời lượng nên cho con tiếp xúc với tiếng Anh bao lâu trong 1 ngày để vừa tiếp thu tiếng Anh mà không ảnh hưởng tiếng Việt?
Có 1 công thức mình đọc trong sách “Maximize your child’s bilingual ability”: Cộng thời lượng của các hoạt động trên vào, làm sao ra tổng khoảng ⅓ thời gian trẻ thức một ngày. Đây là lý tưởng, còn thực tế có thể ít hơn, ví dụ như mình cũng có giai đoạn không được đủ 1/3 nhưng vẫn hiệu quả.
Vd: Trẻ thức 12 tiếng một ngày thì cần có 4 tiếng tiếp xúc tiếng Anh. Mẹ có thể chia sao cho đủ 4 tiếng:
+ 30 phút nghe thụ động qua đài trong khi chơi tự do sau khi đi học về (nghe chính file audio của những cuốn sách mà tối mẹ thường đọc cho)
+ 30 phút xem video trên youtube (video hoạt hình)
+ 01 tiếng nghe mẹ đọc sách TA: 15 phút buổi chiều sau khi đi học về và 45 phút trước khi ngủ
+ 2 tiếng rải rác mẹ nói chuyện bằng tiếng Anh trong ngày (ko nói liên tục mà tùy tình huống, hoạt động như lúc nấu cơm, ăn cơm, tắm, mặc đồ, đi dạo, đi siêu thị)
+ Còn lại 9-10 tiếng từ 7h30 sáng đến 5h30 chiều: con dùng tiếng Việt ở trường
Về chiến lược dùng tiếng Anh ở nhà:
Mình không dùng cách One Person One Language – tức mỗi bố/mẹ nói 1 ngôn ngữ khác nhau với con, mà mình là người dùng cả tiếng Anh và tiếng Việt để giao tiếp với con. Mình phân chia thời gian: khi nào dùng tiếng Anh và khi nào dùng tiếng Việt rõ ràng ở giai đoạn đầu – giai đoạn 0-2 tuổi. Sau này Cá quen với 2 ngôn ngữ rồi, mình linh hoạt ngẫu hứng dùng tiếng Anh – tiếng Việt không cần cố định theo giờ nữa.
- Điều cuối cùng mình muốn nói là: để làm được theo cách này, cần cha mẹ phải có thời gian bên con để thực hiện ĐỀU ĐẶN mỗi ngày 1 ít và thực sự thoải mái, không căng thẳng khi con chưa hợp tác.
Mỗi độ tuổi của con, mình sẽ đều chia thành 3 mục:
- Mục tiêu ở giai đoạn này là gì?
- Cần thực hiện điều gì để đạt được mục tiêu ấy?
- Cụ thể làm như thế nào, sử dụng tài liệu gì bổ trợ và thời lượng bao lâu mỗi ngày?
Rồi giờ thì bắt đầu vào chi tiết nhé.
Giai đoạn 1: (0-1 tuổi) Tạo môi trường cho trẻ nghe tiếng Anh hàng ngày để xây dựng nền từ vựng
Mục tiêu: mẹ duy trì đều đặn mỗi ngày 1 khung giờ nói tiếng Anh với trẻ về các chủ đề: Family, Colors, Animals, Foods, Body parts, Feelings. Lý do mình chọn 6 chủ đề này vì nó là những cái bé được tiếp xúc trực quan nhất. Có thể bạn sẽ chưa thấy trẻ nói (với các bé dưới 18 tháng) nhưng trẻ đã hiểu nếu mẹ lặp lại hàng ngày kết hợp cho con nhìn minh họa từ mẹ.
Dùng cách nào để tạo môi trường cho con nghe?
Nghe bài hát từ 1 thiết bị không màn hình (mình dùng đài hãng craven), nghe mẹ hát, nghe mẹ nói chuyện, nghe mẹ đọc sách.
- Nghe nhạc thiếu nhi thì cứ tìm bài hát theo topic mình kể bên trên ở 2 kênh YT Super Simple songs và Coco Melon, hầu như chủ đề từ vựng nào cũng có bài hát để trẻ hiểu về chủ đề đó mà rất dễ nhớ vì có vần điệu, giai điệu bắt tai (bé dưới 2 tuổi KHÔNG NHÌN MÀN HÌNH). Đây là link có 10 bài hát dễ nhớ đơn giản quen thuộc mà bố mẹ có thể mở cho con nghe. Bố mẹ TẢI VỀ, cho vào thẻ nhớ/usb rồi cắm vào loa, đài cho con nghe nhé!
Lưu ý: Mở cho con nghe mỗi ngày, nhưng mỗi ngày mở 2-3 bài thôi, đến khi nào cả con và mẹ đều thuộc hãy chuyển sang 2-3 bài tiếp theo. Đừng sợ trẻ nghe đi nghe lại sẽ chán. Trẻ sẽ chỉ chán khi bạn giới thiệu điện thoại, tivi với trẻ quá sớm vì trẻ sẽ thích xem hơn là nghe.
- Nghe và tương tác trực quan: Mẹ trò chuyện về tất cả những gì xung quanh, chỉ tay vào đồ vật, sự vật và gọi tên từ đó. Tất cả những gì con nhìn thấy, chạm vào được thì hãy gọi tên tiếng Anh. Mình rất ít dùng flashcard và 2 năm đầu này mình không dùng flashcard. Nếu những thứ ít nhìn thấy hàng ngày (ví dụ như ở thành phố không có con gà, con lợn thì dùng sách tranh picture book).
Tương tác với con như thế nào: Mình xin chia sẻ cách để giới thiệu 6 chủ đề trên (trong các link này đều có gợi ý cách tương tác với con, hát với con, cả tài liệu có thể in ra)
- Family members (mommy, daddy, brother, sister, grandma, grandpa, etc.)
- Animals (dog, cat, bird, cow, pig, etc.) and animal sounds
- Colors (red, blue, yellow, green, etc.) Ba mẹ có thể lên đây để tải miễn phí về rất nhiều hoạt động giúp trẻ nhận biết màu sắc bằng tiếng Anh, bạn xem TẠI ĐÂY
- Foods (apple, banana, milk, cookie, etc.)
- Body parts (head, eyes, ears, nose, mouth, hands, feet, etc.)
- Feelings (happy, sad, angry, scared, hungry etc.):
Các cuốn sách nên đọc cho con ở giai đoạn này
- 3 tháng đầu: Mình cho Cá tiếp xúc với sách tương phản đen trắng (mình tặng rồi nên không có để chụp).
- Bắt đầu từ tháng thứ 4, đọc cho con nghe các cuốn sách tranh có màu. Sách ở 1 năm đầu nên là sách vải, sách bồi bìa cứng (board book) để an toàn và không hỏng. Một số tên sách gợi ý:
+ Where’s luly? Sách vải sột soạt, mình đã tặng nên không có để chụp)
+ How do you feel? (Sách vải sột soạt, mình đã tặng nên không có để chụp)=> có thể dùng cuốn này để giới thiệu bé về các bộ phận cơ thể luôn.
+ Where’s Mrs Bear? (kiểu sách có miếng vải lật ra)
+ Dear Zoo (kiểu sách có miếng bìa lật mở)
+ Usborne fold-out books Farm (kiểu sách tranh từ điển, giấy bồi cứng, khổ nhỏ gọn)
+ Baby’s very first bedtime book (kiểu sách tranh từ điển, giấy bồi cứng, khổ nhỏ gọn)
Hầu hết các sách này đều có thể tìm được video đọc mẫu “read aloud” trên YT, mẹ cứ search tên là ra. Mẹ nên tìm video người bản ngữ đọc rồi bắt chước theo để đọc cho con một cách diễn cảm, sinh động. Và chuyển các video này thành dạng mp3, cop vào usb , thẻ nhớ cho con nghe hàng ngày.
Lưu ý: 1 năm đầu tiên bé còn ngủ nhiều nên không cần phải cố gắng nạp nhiều cho con. Có khi cả 1-2 tháng chỉ đọc 1 quyển truyện ngày qua ngày, nghe 2- 3 bài hát. Sự thoải mái và lặp lại hàng ngày mới quan trọng.
Giai đoạn 2: (1-2 tuổi) Tiếp tục vun đắp vốn từ vựng và khơi gợi để trẻ nói ra thành từ đơn
Mục tiêu: Trẻ nói ra 6 nhóm từ của 6 chủ đề đã học 1 năm đầu. Đồng thời làm quen và hiểu thêm 6 chủ đề mới. Khối lượng từ vựng ước tính mà trẻ 2 tuổi có thể hiểu và nói ra: 120-200 từ.
Cách thực hiện:
- Vẫn cho trẻ nghe các bài hát như năm đầu, khuyến khích trẻ hát theo, làm động tác theo.
- Đồng thời giới thiệu một số bài hát mới, cuốn sách mới, kết hợp bày trò chơi giác quan vì trẻ có thể sử dụng đôi tay nhiều hơn.
- Nếu bạn chưa biết các trò chơi art & craft nào phù hợp với trẻ và giúp trẻ vừa phát triển ngôn ngữ, vừa trải nghiệm đa giác quan thì có thể đăng ký xem lại workshop ngày 6/6 của chúng mình TẠI ĐÂY. (và được tặng 1 ebook có mẫu câu tien
- Thời lượng tiếp xúc tiếng Anh của trẻ nếu được thì nên tăng lên nhiều hơn so với năm đầu.
Các chủ đề bổ sung ở giai đoạn này:
- Numbers and counting (từ 1 đến 10), trong này có cả file in, file nghe, bạn xem Ở ĐÂY
- Shapes (circle, square, triangle, etc.), trong này có cả file in, file nghe, bạn xem Ở ĐÂY
- Vehicles (car, bus, bike, motor bike…) (trong này có cả file in, file nghe)
- Nature words (sun, moon, rain, flower, tree, etc.), trong này có cả file in, file nghe, bạn xem Ở ĐÂY
- Opposites (hot/cold, big/small, up/down, etc.), trong này có cả file in, file nghe, bạn xem Ở ĐÂY
- Clothing items (shirt, pants, socks, shoes, hat, etc.) (trong này có cả file in, file nghe)
Các cuốn sách mình đọc cho Cá ở giai đoạn này:
- Sách bồi bìa cứng có miếng lật mở: Hop in the garden, Noisy Farm … (vừa nói về con vật nhưng vẫn ôn lại màu sắc, số đếm, action verb…)
- Dòng sách sờ chạm: That’s not my …
- Sách có rối tay: One more tickle!
- Các sách của tác giả Rod Campbell: First Rhymes, dear zoo
- Các sách của tác giả Eric Carle: From Head to Toe, brown bear …
- Các sách của tác giả: P.D Eastman: Are you my mother?
- Và vẫn có những cuốn của 1 năm trước mình vẫn đọc lại vì bé vẫn thích
Tất cả các sách này đều có thể tìm được video đọc mẫu “read aloud” trên YT. Mẹ nên tìm video người bản ngữ đọc rồi bắt chước theo để đọc cho con một cách diễn cảm, sinh động. Và chuyển các video này thành dạng mp3, cop vào usb , thẻ nhớ cho con nghe hàng ngày.
Giai đoạn 3: (2-3 tuổi) Tiếp tục vun đắp vốn từ vựng và khơi gợi để trẻ nói ra thành câu hoàn chỉnh
Mục tiêu: đến 3 tuổi con có thể hiểu 500 từ vựng và nói được các câu đầy đủ dài 3-4 từ.
Hành động:
- Vẫn tiếp tục lồng ghép 12 chủ đề của 2 năm trước vào trò chuyện hàng ngày để trẻ củng cố vốn từ đã có và ghép thành câu hoàn chỉnh.
- Mở rộng vốn từ, vốn hiểu biết của trẻ qua việc đọc các sách có nhiều chữ hơn, nhiều tình tiết hơn so với kiểu sách của 2 năm trước.
- Tăng khả năng bắt âm, khả năng nghe bằng cho xem video bản ngữ có nội dung mới, thời gian xem video bài hát ít đi.
- Rèn thói quen ngồi bàn, làm 1 hoạt động thủ công bằng tay, vừa làm mẹ vừa thủ thỉ ôn lại từ vựng liên quan ở trò chơi đó.
Các chủ đề có thể bổ sung ở giai đoạn này:
- Chủ đề Sân chơi - Playground
- Chủ đề giác quan cơ thể:
- Chủ đề trường học: Xem Ở ĐÂY
- Chủ đề mua sắm: Xem Ở ĐÂY
- Mẹ nhớ ôn lại 12 chủ đề của giai đoạn trước và mở rộng hơn.
Các cuốn sách mình đọc cho Cá ở giai đoạn này:
- Bộ Biscuit I can read! (bộ này mình biết khi tham gia vào khóa học của trung tâm MTO)
- Bộ Biscuit phonics (bộ này mình biết khi tham gia vào khóa học của trung tâm MTO)
- No matter what - cuốn sách rất hay về tình yêu thương của mẹ dành cho con
- Baby Dinosaurs - kiểu sách để bé điều khiển ngón tay, rèn vận động tinh trước khi viết
- Brown bear, brown bear, what do you see? (cuốn này có thể giới thiệu sớm hơn)
- The very hungry caterpillar (cuốn này có thể giới thiệu sớm hơn)
- Và mình vẫn tiếp tục đọc với con các cuốn của 2 năm trước (chứ bé không hề biết chán, hay chê cũ - mới, cái gì càng thân thuộc càng dễ đi vào tâm trí bé)
Hầu hết tất cả các sách này đều có thể tìm được video đọc mẫu “read aloud” trên YT. Mẹ nên tìm video người bản ngữ đọc rồi bắt chước theo để đọc cho con một cách diễn cảm, sinh động. Và chuyển các video này thành dạng mp3, cop vào usb , thẻ nhớ cho con nghe hàng ngày. Bé ở giai đoạn này có thể xem video cùng mẹ trước khi nghe đọc để thêm phần dễ hiểu.
Giai đoạn 4: (3-4 tuổi) Tiếp tục vun đắp vốn từ vựng và tăng khả năng tập trung, tăng sự kết nối giữa suy nghĩ và lời nói
Mục tiêu: đến 4 tuổi con có thể nói những cuộc trò chuyện dài hơn, phức tạp hơn về suy nghĩ và cảm xúc của con. Con cũng có thể hỏi về những vật, những người và địa điểm, Ví dụ: "Is it raining at grandma’s house too?"
Con có thể bắt đầu sử dụng các câu có các từ như 'vì', 'nếu', 'vì vậy' hoặc 'khi nào' (‘because’, ‘if’, ‘so’ or ‘when’).
Hành động:
- Vẫn tiếp tục lồng ghép 18 chủ đề của 3 năm trước vào trò chuyện hàng ngày để trẻ củng cố vốn từ đã có và ghép thành câu hoàn chỉnh.
- Mở rộng vốn từ, vốn hiểu biết của trẻ qua việc đọc các sách có nhiều chữ hơn, nhiều tình tiết hơn so với kiểu sách của 3 năm trước.
- Tăng khả năng bắt âm, khả năng nghe bằng cho xem video bản ngữ có nội dung mới, thời gian xem video bài hát ít đi.
- Duy trì thói quen ngồi bàn và làm các cuốn activity book đơn giản cho lứa tuổi 3-4 bản ngữ.
Các chủ đề mới mình đã thực hiện với Cá:
- Halloween:
- Giáng sinh:
- Chủ đề về Tết: Cùng con hát bài: https://www.youtube.com/watch?v=DqG3Ct_wBMQ
Các cuốn sách mình đọc cho Cá ở giai đoạn này:
- Bộ sách All aboard reading (Cá nghe rất nhiều bộ này, gần như 6 tháng chỉ nghe bộ này mỗi ngày)
- Big Kindergarten: đây là cuốn activity book Cá làm đầu tiên
- Bộ sách: Dolphin reader (chủ yếu mình đọc cho con, còn bài tập trong sách thì Cá chỉ làm được 1 số yêu cầu như nối, tìm hình)
- My first number book: cuốn này không chỉ học về số mà còn rất nhiều kiến thức khoa học liên quan
- Các cuốn Peppa pig
- Kiss good night, Sam: nói về thói quen đi ngủ
- First word book: có khoảng 200 từ vựng cơ bản cho trẻ mẫu giáo
- Guess how much I love you: về tình cảm gia đình
- Thẻ Brain quest: mình có thể mang theo trong túi vì nó nhỏ gọn, có các câu hỏi hay để hỏi con.
- Cuốn “This is Tet”
Hầu hết tất cả các sách này đều có thể tìm được video đọc mẫu “read aloud” trên YT. Mẹ nên tìm video người bản ngữ đọc rồi bắt chước theo để đọc cho con một cách diễn cảm, sinh động. Và chuyển các video này thành dạng mp3, cop vào usb , thẻ nhớ cho con nghe hàng ngày. Bé ở giai đoạn này có thể xem video cùng mẹ trước khi nghe đọc để thêm phần dễ hiểu, và có thể ngồi xem 1 mình những video tiếng Anh lành mạnh mà mẹ chọn lọc.
Giai đoạn 4: (4-5 tuổi) Mở rộng vốn từ bằng cuốn sách có nhiều tình tiết và từ mới, đồng thời cho con làm quen với Phonics
Các chủ đề mới mình đã thực hiện với Cá theo thử thách học tập trong Group Dạy Trẻ Song Ngữ:
- Chủ đề Sức khỏe - HEALTH
- Chủ đề Quần áo - Clothes:
- Chủ đề thời tiết:
- Giai đoạn này mình cho Cá làm quen các cuốn sách của tác giả Julia Donaldson. Đây là sách có điệp vần, dạng thơ có cốt truyện dài, có khá nhiều từ mới, mà đến mình cũng phải tra trước khi đọc vì chưa nhìn thấy bao giờ. Tuy nhiên mình có thể đọc kiểu khác đi cho linh hoạt mà trẻ vẫn hiểu và thích thú với câu chuyện. Các cuốn kinh điển như: The Rhyming Rabbit, Sharing a shell, Zog and the flying doctors, Tiddler: The Story-Telling Fish, What the ladybird heard next, The singing mermaid, the gruffalo, the gruffalo’s child, Monkey puzzle.
- Về phonic thì Cá bắt đầu làm quen với Bộ sách Scholastic Phonics 3 tháng gần đây.
- Một giai đoạn để thay đổi không khí thì mẹ con mình chuyển qua bộ Piggie and elephant cho nó nhẹ nhàng, vui vẻ, không hack não như của Julia Donaldson.
- Bộ sách Usborne farmyard tales: bộ này câu chuyện đơn giản về các tình huống thường nhật trong gia đình ở nông trại (3-4 tháng nay Cá chỉ nghe bộ này đến mức gần thuộc)
- Bộ sách Usborne first experience: kể về các tình huống ở thành phố: như đi học, đi bệnh viện, đi khám răng, đi siêu thị … (3-4 tháng nay Cá chỉ nghe bộ này đến mức gần thuộc)
- Skill sharpeners Reading & Skill sharpeners Math: là 2 cuốn sách activity book rèn kĩ năng đọc và tư duy, Cá mới làm ở mức chơi chơi chứ không phải hiểu hết.
- Thẻ Brain quest (3-4, 4-5): mình dùng để 2 mẹ con hỏi đáp những lúc ngẫu hứng, có nhiều câu hỏi rất hay để xem độ tinh mắt, khả năng hiểu biết của trẻ.
- Thi thoảng thì mẹ con mình vẫn đảo lại các quyển của các năm trước đây nếu Cá thích.
Vậy là mình đã nói hết về những gì mẹ con mình đã làm với nhau 4 năm qua. Quả thật là sách tiếng Anh bản ngữ cho trẻ em đã giúp mình rất nhiều mỗi khi bị bí từ. Và cũng nhờ sách mình an tâm hẳn là những cái mình không biết phải mở rộng cho con thế nào thì sách truyện đã làm thay mình.
Tuy nhiên thì các bố mẹ có thể sẽ có thể có 1 số câu hỏi: làm sao để đọc sách tiếng Anh cho con mà con chịu nghe, làm sao để con tập trung lâu, làm sao để con tương tác lại … thì mình có chụp lại các cuốn sách về nuôi dạy con nói chung, các cuốn sách về nuôi con song ngữ cho cha mẹ và các cuốn sách nói riêng về việc làm sao để đọc cho trẻ thích nghe.
Mình tin rằng chính việc trau dồi bản thân qua việc đọc 3 dòng sách cho cha mẹ trong 5 năm qua đã góp phần khiến cho hành trình của 2 mẹ con mình đến thời điểm hiện tại khá thuận lợi. Tất cả đều là nỗ lực chứ không có mẹo, có may mắn hay đường tắt nào cả.
List cuốn sách giúp cha mẹ biết cách nuôi con thành em bé song ngữ Anh-Việt:
- Mẹ Việt giúp con học tốt tiếng anh
- Maximize your child’s bilingual ability
- Bilingual success stories around the world
- Giỏi tiếng anh không tốn mấy đồng
- What’s my child thinking?
- Dạy con song ngữ thực hành
- Đồng hành cùng con học tiếng anh
Và mẹ nào thực sự quan tâm đến việc đọc sách cho con, đặc biệt sách tiếng Anh thì không nên bỏ qua 3 cuốn này (chắc dễ kiếm hơn các cuốn trên)
- Thực ra mọi đứa trẻ đều thích nghe đọc sách
- Nghệ thuật kể chuyện cho trẻ em
- Kỹ năng đọc sách cực chất cho trẻ
Nếu mẹ có câu hỏi hoặc chưa hiểu ở đâu thì hãy comment nhé. Bài khá dài nên mẹ lưu về để đọc dần nha. Và khi share lại một phần thông tin trong bài viết này, mong mọi người để link bài viết và tên mình để tôn trọng công sức người viết nhé!
Mong tất cả các em bé Việt sẽ đều sớm tiếp cận với tiếng Anh hay một ngôn ngữ khác một cách thật tự nhiên và hiệu quả ở giai đoạn 0-6.
Hồng Thủy - English coach for bilingual parents
Bạn có thể tham khảo 3 khóa học kèm cặp cho cha mẹ của mình và team DTSN tại đây:
1/ Khóa kèm cặp về PHÁT ÂM: kéo dài 90 ngày, được thiết kế để cải thiện khả năng phát âm của mẹ, giúp mẹ nói tiếng Anh một cách tự nhiên và trôi chảy:
2/ Khóa kèm cặp về ĐỌC SÁCH TIẾNG ANH CHO CON: kéo dài 10 tuần, sẽ hướng dẫn mẹ cách chọn sách tiếng Anh theo từng lứa tuổi và cung cấp các phương pháp hiệu quả để đọc cho trẻ.
3/ Khóa kèm cặp về GIAO TIẾP TIẾNG ANH CÙNG CON mỗi ngày, kéo dài 6 tháng, sẽ cung cấp cho mẹ các tư liệu để giao tiếp và chơi với con bằng tiếng Anh hàng ngày,