top of page

Làm sao để việc lặp lại các hoạt động giúp ích cho khả năng song ngữ của trẻ từ 0-6 tuổi?

Lặp lại là yếu tố cần thiết, thúc đẩy sự phát triển của trẻ 0-6 tuổi. Hãy cùng DTSN khám phá cách ba mẹ tận dụng sự lặp lại để giúp trẻ học tiếng Anh.


Việc trẻ thích đọc lại cùng một cuốn sách, nghe mãi một vài bài hát vần điệu hoặc chỉ chơi một vài trò nhất định có thể khiến ba mẹ thấy nhàm chán, nhưng thực ra, sự lặp lại này là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để hỗ trợ sự phát triển của con. Và mình sẽ giải thích lý do trong bài viết này, cũng như mang tới những gợi ý để ba mẹ thực hiện sự lặp lại một cách hiệu quả hơn.


Trong khóa học đọc sách tiếng Anh dành cho cha mẹ K01, có một số mẹ chia sẻ với mình là mẹ lo lắng khi con chỉ thích đọc 1 cuốn truyện, đọc cả tuần, thậm chí cả tháng không biết chán, trong khi mẹ muốn cố gắng cho con tiếp xúc nhiều nội dung, nhiều từ vựng tiếng Anh mới để mở rộng vốn từ của trẻ. Thực tế thì trẻ em thích đọc cùng một cuốn sách, xem cùng một video và hát cùng một bài hát lặp đi lặp lại mỗi ngày đó là một điều đáng mừng. Vì sự lặp lại này đang hỗ trợ việc học hỏi của con.


Mình nhớ khoảng thời gian em bé nhà mình bắt đầu biết nói, biết thể hiện rõ cái thích và không thích, thì rất nhiều tuần cũng chỉ đọc 1 cuốn truyện. Thậm chí 1 buổi tối phải đọc đi đọc lại vài lần. Bố mẹ thì hiểu rõ nội dung nên đọc lại thấy câu chuyện không có gì mới nữa, mà sao nàng vẫn thích thú, cứ đến đoạn buồn cười là lăn ra cười (dù vài phút trước cũng đọc y như thế).


Rồi mình nghĩ lại thời điểm khi mình học viết, học cách đi xe đạp, hay chơi một môn thể thao mới, như gần đây mình tập yoga chẳng hạn. Đầu tiên, chúng ta đều cần học những kỹ năng hay động tác cần thiết cơ bản nhất. Sau đó, đến phần luyện tập và luyện tập các bài tập đó từ ngày này qua ngày khác, cho đến khi có được sự tự tin vì đã quen thuộc, mới đến việc cải thiện tốc độ và trở nên thành thạo. Nếu không có sự lặp lại thì làm sao dẫn đến thành thục?


Và với trẻ con thì sự lặp lại còn quan trọng hơn rất nhiều. Mình đã tìm 1 số bài báo từ các tổ chức với key word “The Benefits of Repetition in the Early Years” và tìm được những lợi ích rõ ràng của việc lặp lại đối với trẻ:


1. Lợi ích của việc lặp lại đối với sự phát triển của trẻ nhỏ


Lặp lại mang lại cảm giác an toàn cho trẻ


Có rất nhiều điều mà trẻ không hiểu được về thế giới xung quanh. Mọi thứ với trẻ đều mới mẻ và không chắc chắn. Tính “có thể đoán trước” và sự chắc chắn của việc lặp lại có thể giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn. 


Đối với trẻ nhỏ, việc lặp đi lặp lại cùng một việc không hề khô khan và nhàm chán mà thực sự mang lại cảm giác thoải mái và quen thuộc. Sự thoải mái và quen thuộc này khiến trẻ sẵn sàng, háo hức khám phá và tham gia hơn. Khi đó trẻ sẽ bớt phản kháng hơn, hay bớt nói “không” hơn.



Lặp lại tăng cường sự tự tin của trẻ


Khi trẻ lặp lại một trải nghiệm, một hoạt động thì hiểu biết của trẻ về hoạt động đó hay vật đó sẽ tăng lên. Khi trẻ bắt đầu cảm thấy tự tin và an tâm, trẻ biết cần làm gì tiếp theo hay điều gì xảy ra tiếp theo, sự tự tin của trẻ sẽ tăng lên thêm nữa. Và vì thế trẻ lại muốn làm tiếp.


Làm điều gì đó quen thuộc và thoải mái không chỉ mang lại cho trẻ một môi trường yên tĩnh để trẻ có thể học hỏi mà còn củng cố lòng tự trọng của trẻ. Cảm giác chắc nịch rằng “Mình có thể làm được việc này, mình biết mình đang làm gì” là vô giá đối với mỗi em bé đang ở độ tuổi học hỏi mọi thứ. Sự lặp lại thật dễ chịu.


Lặp lại giúp bộ não của trẻ tiếp thu mạnh mẽ


Vì bộ não của trẻ phát triển rất mạnh mẽ trong 5 năm đầu đời, chúng sẽ cần sử dụng và tái sử dụng các kết nối giữa các ý tưởng đã có. khi con làm điều con thích với sự tập trung, hứng thú tức là con sẽ tiếp nhận rất nhanh, so với việc bị ép phải làm điều gì đó trong tình trạng không thoải mái.


Với việc học ngôn ngữ thì việc lặp lại càng quan trọng hơn


Một trong những kỹ thuật tương tác trong giao tiếp hay trong khi đọc sách cho con mà mình thường nhấn mạnh đó là “repetition”. Cụ thể là, bố mẹ lặp đi lặp lại 2-3 lần một từ trước khi chuyển sang câu hay từ tiếp theo. Cũng như: hãy cứ để con được đọc 1 cuốn sách mà con thích từ ngày này sang ngày khác. Cùng một câu chuyện nhưng mỗi lần nghe trẻ sẽ lại học thêm điều mới với trẻ. Rồi sẽ đến lúc trẻ vẫn sẽ đón nhận dần dần những điều mới mà chúng ta muốn giới thiệu thêm. 


2. Các yếu tố đánh giá một sự lặp lại tốt cho trẻ


Để sự lặp lại có giá trị, thì các hoạt động, sở thích, hoặc đồ vật mà trẻ muốn làm nhiều lần phải có mức độ phức tạp phù hợp với trẻ. Tức là trải nghiệm đó không quá khó hoặc không quá dễ với trẻ. 


Nó phải đủ khó để trẻ sau mỗi lần trải nghiệm có thể tiến tới những cấp độ hiểu sâu hơn, nhưng không quá phức tạp đến mức gây nhầm lẫn và choáng ngợp với trẻ.


Đó là lý do tại sao những điều như sách tranh cho trẻ (picture books) và những bài đồng dao vần điệu (nursery rhymes) dành cho trẻ mẫu giáo lại là những công cụ hoàn hảo. Chúng là thứ mà trẻ có thể đi từ trải nghiệm đến hiểu biết, đặt câu hỏi và bắt đầu dự đoán các sự kiện trong tương lai. Có cả một thế giới mới mẻ để trẻ học trong một điều đơn giản nhỏ bé như 1 cuốn sách tranh! Đồng thời, sách truyện hay bài hát vần điệu không thể phức tạp đến mức khiến trẻ bối rối và lo lắng. 



Làm sao để biết đâu là thứ nên và đáng để lặp lại cho trẻ? Theo cô Ailsa Monk, Hiệu trưởng, Trường Cotswold Montessori: Khi trẻ thể hiện sự vui vẻ, thích thú, quan tâm, bạn sẽ thấy trẻ bình tĩnh, yên bình và thực sự “tham gia” vào các hoạt động của mình. Nếu quá dễ, trẻ sẽ chán và bắt đầu cư xử không đúng mực, còn nếu quá khó, trẻ sẽ mất hứng thú và không muốn tiếp tục.


3. Cha mẹ nên tận dụng sự lặp lại trong việc dạy con song ngữ giai đoạn 0-6 tuổi như thế nào?


Hãy cùng mình xem xét một số ý tưởng để tạo ra một môi trường khuyến khích sự lặp lại và ba mẹ có thể làm gì để đảm bảo rằng trẻ tận dụng tối đa sự lặp lại đó. 


Tạo điều kiện để đưa các hoạt động mà trẻ hứng thú vào routine hàng ngày


Nếu trẻ thực sự hứng thú với việc gì đó thì đừng chỉ làm việc đó một lần. Hãy tìm cách đưa nó vào lịch trình hàng ngày của trẻ trong thời gian dài hơn để bọn trẻ có thể tiếp tục tham gia và tiếp thu những trải nghiệm học tập mới mỗi lần.


Cụ thể: Nếu trẻ đang thích 1 cuốn sách này đó, hãy chịu khó đọc đi đọc lại cho trẻ nhiều ngày. Và mỗi lần đọc, hãy khai thác thêm 1 chi tiết nào đó khác so với lần đọc trước.


Không thay đổi môi trường quá thường xuyên


Việc thay đổi môi trường sống hay học tập của trẻ để có 1 môi trường tốt hơn, điều kiện tốt hơn là điều chúng ta luôn muốn dành cho trẻ. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho trẻ sự sẵn sàng trước mỗi thay đổi.


Như đã nêu ở trên, sự thoải mái là một phần quan trọng khiến việc lặp đi lặp lại trở nên quan trọng đối với trẻ và môi trường thay đổi liên tục có thể khiến việc tìm kiếm sự thoải mái này trở nên rất khó khăn.


Việc thay đổi môi trường không chỉ là những môi trường lớn như chỗ ở hay trường học, mà ngay việc thường xuyên mua cho trẻ những món đồ chơi mới, mua nhiều sách truyện tiếng Anh mới trong khi trẻ mới chỉ chơi, đọc được vài lần cũng là điều nên hạn chế.


Cha mẹ nâng cao kỹ năng đọc sách tiếng Anh của mình và đọc cho con mỗi ngày


Đúng vậy, mình muốn nói đến kỹ năng đọc sách truyện cho con của cha mẹ: read-aloud.


Một điều bạn có thể làm để cải thiện trải nghiệm nghe đọc sách của trẻ qua mỗi lần đọc, chính là thay đổi các giọng nói khác nhau cho từng nhân vật trong câu chuyện. Nó thực sự có thể giúp trẻ tương tác và bắt chước những âm thanh hay kiểu giọng đó, đồng thời cha mẹ càng biết kể một cách sinh động với body language bao nhiêu, thì càng giúp trẻ hiểu nội dung hơn bấy nhiêu, dù đó là ngôn ngữ tiếng Anh.


Ngoài ra, khi đọc sách truyện tiếng Anh cho con, cha mẹ có thể sử dụng các câu hỏi mở sau khi trẻ đã quen thuộc với cuốn sách. Hãy thử hỏi con các câu hỏi như:


  • What do you think will happen if…? Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu…?

  • What’s going on in the story here? Chuyện gì đang xảy ra trong câu chuyện ở đây?

  • What’s going to happen next if we…? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu chúng ta…?

  • Why do you think they’re doing that? Tại sao con nghĩ họ làm điều đó?


Trẻ sẽ có thể trả lời các câu hỏi khác nhau ở các cấp độ phát triển khác nhau. Các câu hỏi thực tế bắt đầu bằng “What” - cái gì và “Who” - ai có xu hướng dễ hơn một chút, trong khi các câu hỏi “How”và “Why” ba mẹ nên dùng ở giai đoạn sau khi con đã có nền tảng ngôn ngữ và nhận thức tốt hơn.


Ngoài ra, hãy cân nhắc các câu hỏi về giác quan, cảm nhận của trẻ để đảm bảo trẻ đang được trải nghiệm đa giác quan, hỏi trẻ cảm giác đó như thế nào, âm thanh này như thế nào, mùi vị, màu sắc như thế nào v.v trong khi đọc cùng trẻ.


Cùng con hát các bài tiếng Anh vần điệu mỗi ngày


Tại sao các bài đồng dao tiếng Anh có vần điệu dành cho trẻ mẫu giáo lại là nền tảng trong giáo dục mầm non? Đầu tiên, vì chúng rất thú vị từ giai điệu. Sau đó, trẻ có thể nhớ và hát theo một phần nào đó trong câu hát dù có thể không hiểu ngôn ngữ hoàn toàn. Mở một bài hát nhiều lần thì trẻ sẽ càng quen thuộc, thậm chí dự đoán được, biết trước được đoạn tiếp theo sẽ hát gì. Chà, đó thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với một đứa trẻ ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, khi trẻ cảm thấy tự tin về việc mình đang nghe gì và mình biết bài hát đó về điều gì.


Mỗi tuần, trong group Dạy trẻ song ngữ, các admin đều cố gắng giới thiệu một bài hát vần điệu đơn giản và phù hợp với trẻ về một chủ đề từ vựng liên quan đến tháng đó, mời ba mẹ tham gia vào series học thực tế đó trong group cùng chúng mình nhé.


Sự lặp lại nhưng bị bắt buộc sẽ không bao giờ là cách hay để giúp trẻ học tập. Đó là lý do tại sao việc cho phép trẻ làm theo sở thích, hay “nương theo con”  là điều quan trọng để thực hiện được sự lặp lại hiệu quả và giúp trẻ học ngôn ngữ tốt hơn.


41 views0 comments
bottom of page