top of page

Top 5 khó khăn thường gặp nhất khi nuôi dạy trẻ song ngữ và giải pháp

Updated: Mar 25

Hơn một năm trước khi đặt chân đến Nhật Bản, câu hỏi "Dạy con ngôn ngữ gì và dạy như thế nào?" luôn thường trực trong đầu khiến mình băn khoăn, trăn trở. Thời điểm hiện tại, mình đã có những nhìn nhận rõ ràng hơn, có mục tiêu và quyết tâm để nuôi dạy con đa ngôn ngữ. Mình tìm hiểu về những thách thức và khó khăn có thể gặp phải cũng như giải pháp khắc phục để đồng hành đa ngôn ngữ cùng con trên hành trình dài này. 


Mỗi gia đình nuôi dạy trẻ song ngữ, đa ngôn ngữ có thể đối diện với những thách thức khác nhau, có gia đình lựa chọn tiếp tục và cũng có nhiều gia đình lựa chọn từ bỏ! 

Dưới đây là một số thách thức phổ biến khi nuôi dạy trẻ song ngữ (trong đó cũng có những khó khăn mình từng gặp phải) và một số gợi ý giúp bạn vượt qua mà mình tham khảo trên trang Bilingual Kidspot và muốn chia sẻ cùng các mẹ.


1. Trẻ chậm thông thạo ngôn ngữ


Chúng ta cần phân biệt sự chậm thông thạo một ngôn ngữ (tức là cần nhiều thời gian hơn để thành thạo) với sự chậm nói (do vấn đề về chức năng). 2 điều này là khác nhau.


Nghiên cứu cho thấy song ngữ không gây ra tình trạng chậm nói. Tuy nhiên, một số trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn để thông thạo cả hai hoặc tất cả các ngôn ngữ mà trẻ dùng trong đời sống. Mặc dù điều này có thể không xảy ra với tất cả trẻ song ngữ nhưng điều đó là hoàn toàn bình thường.


Trẻ song ngữ được tiếp xúc với lượng từ vựng gấp đôi nên đôi khi phải cần lâu hơn một chút để tiếp thu.


Lời khuyên:


  • Dành nhiều thời gian nhất có thể để chơi và nói chuyện cùng con, ngay cả khi trẻ không phản hồi, hãy tiếp tục nói về mọi thứ xung quanh.

  • Đặt câu hỏi và nếu trẻ không trả lời, hãy đưa ra gợi ý và khuyến khích trẻ trả lời.

  • Hát các bài hát và kể cho trẻ nghe những bài đồng dao thường xuyên nhất có thể. Việc lặp lại rất quan trọng, hãy tạm dừng ở cuối câu trước khi nói từ cuối cùng để khuyến khích con nói hết câu (kỹ thuật mớm lời).

  • Hãy kiên nhẫn và tránh gây áp lực lên trẻ.


2. Trẻ trộn lẫn ngôn ngữ này và ngôn ngữ khác khi nói


Không có gì lạ khi trẻ bắt đầu câu bằng một ngôn ngữ và kết thúc câu bằng một ngôn ngữ khác. Trẻ có xu hướng sử dụng bất kỳ từ nào trẻ biết để diễn tả điều muốn nói, do đó, nếu trẻ thiếu từ vựng hoặc ngữ pháp bằng một ngôn ngữ, trẻ có xu hướng lấp đầy những khoảng trống đó bằng ngôn ngữ khác.


Lời khuyên:


  • Sửa lỗi cho con, nhắc lại câu đó theo cách đúng và khuyến khích con lặp lại. 

  • Đọc cho con nghe mỗi ngày để tăng vốn từ vựng.

  • Lưu ý những lỗi mà con đang mắc phải và sửa lỗi cho chúng trong thời gian chơi, đồng thời lặp lại những câu đó để giúp trẻ ghi nhớ.


**Sóc nhà mình thời gian trước cũng có xu hướng trộn tiếng Anh và tiếng Việt trong cùng một câu khi giao tiếp (đôi khi con muốn nói tiếng Nhật mà có từ không biết con cũng trộn tiếng Anh vào ☺). Ví dụ, trước đây vì con thiếu từ vựng nên con có thể nói “the plane has two “cánh”, mình sẽ nhân cơ hội này để chỉnh cho con luôn “ah, you mean “the airplane has two wings”? và cùng lúc giang hai tay ra làm động tác bay. Trẻ tiếp thu rất nhanh, chỉ cần 1 vài lần chỉnh và khuyến khích con nhắc lại là con đã ghi nhớ và không vấp phải từ đó nữa. Hiện tại con đã có thể nói câu hoàn chỉnh và có ý nghĩa hơn như “the plane has two wings so it can fly”.


3. Ưu tiên nói một ngôn ngữ nhiều hơn ngôn ngữ còn lại


Trẻ em song ngữ đôi khi có xu hướng thích nói ngôn ngữ mà trẻ tiếp xúc nhiều và trẻ cảm thấy tự tin hơn ngôn ngữ còn lại tạo nên sự chênh lệch về sử dụng ngôn ngữ ở trẻ. 


Việc thích một ngôn ngữ hơn thường có thể gây căng thẳng đối với cha mẹ có ngôn ngữ thiểu số, đặc biệt khi trẻ từ chối nói ngôn ngữ đó hoàn toàn.


Lời khuyên:


  • Cố gắng tạo điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với ngôn ngữ không được ưa thích

  • Tham gia các nhóm vui chơi hoặc cộng đồng những gia đình có cùng mục tiêu sử dụng ngôn ngữ đó trong khu vực. Bạn không chỉ có môi trường cho con giao lưu mà còn được tiếp thêm rất nhiều nguồn lực để kiên trì.

  • Làm cho việc học ngôn ngữ trở nên thú vị. Hãy để con chọn một số cuốn sách hoặc trò chơi mới chỉ có thể được sử dụng bằng ngôn ngữ mục tiêu.





4. Khó khăn trong phát triển kỹ năng đọc và viết


Trong khi học nói là một quá trình tự nhiên thì việc đọc và viết đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Trên thực tế, việc thành thạo cả hai ngôn ngữ ở mức độ như nhau sẽ tương đối khó và đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì rất lớn ở cha mẹ. Trẻ được dạy song ngữ sẽ thường có một ngôn ngữ mạnh hơn, thường thì ngôn ngữ đó trẻ được tiếp xúc và giáo dục chính tại trường học.


Đọc và viết bằng ngôn ngữ thiểu số thực tế là công việc chính của cha mẹ khi nuôi dạy trẻ song ngữ. Đối với nhiều gia đình, việc dạy con bài bản và dành thời gian dạy trẻ ngôn ngữ tại nhà một cách đều đặn xuyên suốt là thách thức lớn.


Lời khuyên:


  • Hãy để con đọc sách cho bạn nghe mỗi tối bằng ngôn ngữ thiểu số, dù đó chỉ là một cuốn sách ngắn. Có rất nhiều lợi ích từ thói quen đọc sách, nhưng ở đây, đọc sách sẽ giúp con mở rộng vốn từ và giúp gắn kết gia đình với ngôn ngữ thiểu số.

  • Dành thời gian mỗi ngày để thực hiện các hoạt động như viết thư và thiệp chúc, viết nhật ký…

  • Thuê một gia sư để củng cố ngữ pháp cho trẻ nếu cần thiết.

  • Tìm hiểu những trường/ trung tâm ngoại ngữ trong khu vực có dạy ngôn ngữ mục tiêu mà con có thể theo học như một cách để tăng điều kiện tiếp xúc với ngôn ngữ. 

  • Đăng ký cho con tham gia các lớp học ngôn ngữ trực tuyến. Ngày nay với nền tảng công nghệ thông tin phát triển, việc học một ngôn ngữ qua trực tuyến với sự hướng dẫn của giáo viên có chuyên môn đào tạo không phải là điều khó khăn.


5. Chỉ nghe hiểu chứ không nói ra được


Khi một người hiểu gần như hoàn toàn ngôn ngữ thứ hai nhưng không thể nói được ngôn ngữ đó, họ được coi là người song ngữ thụ động.


Có thể có một số lý do khiến trẻ không nói lại bằng một ngôn ngữ, bao gồm: thiếu vốn từ vựng, không tiếp xúc đủ với ngôn ngữ đó và lý do chính là không có “nhu cầu” nói ngôn ngữ đó. Điều này có thể phổ biến ở những gia đình có bố mẹ có thể hiểu cả hai ngôn ngữ và trẻ chỉ cần sử dụng một ngôn ngữ chúng được tiếp xúc nhiều để giao tiếp lại với cả hai ngôn ngữ.


Lời khuyên:


  • Tạo “nhu cầu” cho con nói từng ngôn ngữ ở từng hoàn cảnh/ đối tượng phù hợp.

  • Yêu cầu trẻ lặp lại những gì chúng đã nói bằng ngôn ngữ mục tiêu. Khi con gặp khó khăn hãy kiên nhẫn, hướng dẫn con nói lại bằng ngôn ngữ đó và nhất quán (yêu cầu con sử dụng chính ngôn ngữ cha/ mẹ giao tiếp với con để giao tiếp lại). 

  • Cho con tham gia chương trình hòa nhập ngôn ngữ hoặc cộng đồng những người chỉ nói một ngôn ngữ mục tiêu. Bằng cách đó, trẻ buộc phải sử dụng ngôn ngữ đó để giao tiếp, để giải thích những gì chúng muốn.


Nuôi dạy trẻ song ngữ không phải là con đường dễ dàng, nhưng mình tin rằng đó là một hành trình dài đầy ý nghĩa đối với sự phát triển của con. Và những thách thức trở ngại tới để dạy chúng ta cách vượt qua và kiên định thay vì từ bỏ!


Thu Trang – Mẹ Sóc <3


Bài viết được tham khảo thông tin từ nguồn:

59 views0 comments
bottom of page