top of page

16 gợi ý để nuôi dạy trẻ song ngữ tại Nhật

Xin chào các mẹ!

Mình là Thu Trang - mẹ của em bé Sóc 3,5 tuổi. Có thể một số mẹ trong cộng đồng Dạy trẻ song ngữ đã biết gia đình mình đang sống tại Nhật. Vì thế, đối với mình, mối quan tâm lớn nhất hiện tại đó là làm sao để đồng hành đa ngôn ngữ cùng con (Việt - Anh - Nhật), để ngôn ngữ sẽ không là trở ngại đối với con trên hành trình lớn lên, trưởng thành và phát triển sự nghiệp sau này.


Trong khi tìm hiểu về chủ đề dạy con đa ngôn ngữ, mình tình cờ tìm thấy bài báo được đăng trên trang Japan Today với tiêu đề “16 tips for raising a bilingual child in Japan”, tạm dịch “16 Gợi ý/ Lời khuyên để nuôi dạy một đứa trẻ song ngữ tại Nhật”. Bài viết được viết bởi tác giả Adam Beck đăng tải tháng 10 năm 2012 nhưng cá nhân mình nhận thấy những gợi ý được đưa ra rất hữu ích cho tới ngày nay.


Bản thân mình khi điểm lại những gì đang thực hiện với con thì mình cũng được 10 trên 16 gợi ý được đưa ra, tuy chưa thực sự bài bản (thật may mắn! ). Sau khi đọc bài báo này, mình đã đặt mục tiêu cho bản thân thực hiện 16/16 điều này một cách nghiêm túc.


Mình xin phép được dịch lại bài báo cùng những chia sẻ từ cá nhân mình - là người cũng đang thực hành để chia sẻ tới các ba, mẹ đang quan tâm nuôi dạy trẻ song ngữ. Tuy trong bài viết của tác giả hướng tới song ngữ Nhật – Anh, nhưng mình thấy cũng tương đồng với chúng ta khi hướng tới song ngữ Việt – Anh. Mình tin là bài viết này sẽ giúp những người làm cha mẹ mong muốn xây dựng môi trường song ngữ Việt - Anh cho con sẽ học hỏi được những điều bổ ích để áp dụng.


1. Bắt đầu sớm


Nếu bạn chủ động ngay từ những năm đầu đời của con, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn nhiều để nuôi dưỡng sự cân bằng giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ tiếng Anh. Từ sơ sinh đến 6 hoặc 7 tuổi là thời gian quan trọng vì hai lý do:

  1. Đây là giai đoạn não trẻ chuẩn bị ngôn ngữ tốt nhất.

  2. Và sau khi trẻ bắt đầu đi học tiểu học, việc “tái cân bằng” hai ngôn ngữ này càng trở nên khó khăn hơn.

Việc đầu tư thời gian và năng lượng ngay từ đầu sẽ giúp bạn dễ dàng nuôi dưỡng sự cân bằng và sau đó duy trì sự cân bằng đó trong suốt thời thơ ấu.


2. Đặt ưu tiên


Việc đặt ưu tiên này đi đôi với việc chủ động. Nếu việc phát triển khả năng tiếng Anh của con không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của gia đình bạn thì rất có thể ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế và tiếng Anh sẽ bị đẩy xuống vai trò thụ động hơn. Đừng đánh giá thấp điều này có thể xảy ra nhanh như thế nào khi đứa trẻ thực sự bước vào cuộc sống và dành phần nhiều thời gian để tắm bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hãy ưu tiên tiếng Anh ngay từ đầu và bạn sẽ có cơ hội thành công lâu dài lớn hơn rất nhiều.


3. Đặt mục tiêu


Đặt mục tiêu rõ ràng cho khả năng tiếng Anh của con bạn. Bạn có thể đặt mục tiêu là con sẽ có khả năng nói trôi chảy hoặc ngoài ra bạn cũng muốn thấy con đọc và viết ở trình độ của một đứa trẻ ở quốc gia nói tiếng Anh? Dù mục tiêu của bạn là gì, hãy xác định rõ và đảm bảo rằng những nỗ lực của bạn phù hợp với mục tiêu bạn theo đuổi. Khả năng đọc và viết tốt là có thể đạt được, nhưng mục tiêu này sẽ đòi hỏi sự cam kết siêng năng của cả bạn và con.


Sóc 2 tuổi tự xem sách truyện tiếng Anh
Sóc 2 tuổi tự xem sách truyện tiếng Anh

4. Tìm hiểu thông tin


Bằng cách tìm hiểu về chủ đề trẻ em và song ngữ, bạn sẽ có thể hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển khả năng tiếng Anh của con mình. Hãy tìm đến những cuốn sách hữu ích, tài nguyên trực tuyến và cộng đồng cha mẹ có chung mục tiêu để mở rộng kiến ​​thức và ý tưởng của bạn.


5. Áp dụng chiến lược


Bạn sẽ sử dụng tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ như thế nào trong gia đình mình?


Tất nhiên, mỗi gia đình đều khác nhau, nhưng nhiều gia đình (bao gồm cả gia đình tác giả) nhận thấy rằng chiến lược “mỗi cha/mẹ một ngôn ngữ” mang lại nền tảng vững chắc để hai ngôn ngữ phát triển một cách cân bằng. Nhưng dù bạn chọn cách tiếp cận nào, điều quan trọng là đảm bảo rằng trẻ tiếp xúc đủ với tiếng Anh hàng ngày và gia đình kiên định tuân theo chiến lược của mình - trừ khi có quyết định phù hợp hơn để thay đổi cách tiếp cận đó.


Với gia đình mình, thì mình áp dụng nói ngôn ngữ thiểu số tại nhà, cụ thể là Tiếng Việt và Tiếng Anh song song với phương pháp khung thời gian.


6. Đọc to mỗi ngày


Đọc to cho con bằng tiếng Anh, ít nhất 15 phút mỗi ngày, là cách thực hành quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện khi nuôi dưỡng khả năng tiếng Anh của con. Nghe có vẻ quá đơn giản nhưng việc đọc to thường xuyên có tác động rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ cũng như niềm yêu thích của trẻ đối với sách và khả năng đọc viết.


7. Xây dựng thư viện tại nhà


Bạn không thể đọc to cho con mình thường xuyên nếu không có sẵn sách phù hợp, kể cả những cuốn sách theo bộ gồm 5, 15 hoặc thậm chí hơn 25 cuốn. Chi phí có thể là nhiều khi xây dựng một thư viện tại nhà, nhưng về lâu dài, mỗi ngày thêm một chút, sách thực sự là một khoản đầu tư nhỏ để nuôi dạy một đứa trẻ có khả năng tiếng Anh tốt. Nếu có thể, hãy cắt giảm các khoản khác trong ngân sách nếu cần, nhưng đừng keo kiệt khi đặt sách dành cho trẻ em trong nhà.


Thư viện mini của Sóc
Thư viện mini của Sóc

8. Tới thư viện công cộng


Nếu bạn sống ở một thành phố lớn, rất có thể thư viện dành cho trẻ em có tuyển chọn sách tranh bằng tiếng Anh. Mặc dù việc lựa chọn đương nhiên sẽ bị hạn chế, bất kể bạn sống ở đâu, việc tận dụng thường xuyên thư viện địa phương có thể giúp tăng đáng kể lượng tài liệu đọc có sẵn.


Mình và con thường đi thư viện 1-2 lần mỗi tháng. Ở Kashima – Ibaraki nơi mình sống, mình có thể mượn mỗi lần tối đa 20 cuốn (khi sử dụng 2 thẻ thư viện của mẹ và của con), hoàn toàn miễn phí. Sóc nhà mình cũng rất thích tới thư viện vì con được lựa chọn những cuốn sách con thích về tiếng Anh, tiếng Nhật. Thật sự rất tiết kiệm và đa dạng nguồn sách!


9. Sử dụng âm nhạc


Sử dụng âm nhạc là một cách dễ dàng và hiệu quả để tăng cường khả năng tiếp xúc tiếng Anh một cách thích hợp với trẻ. Thực hiện điều này rất đơn giản, bạn chỉ cần mở những bài hát tiếng Anh phù hợp và thường xuyên vào không gian vui chơi chính của trẻ. Điều này sẽ giúp đưa ngôn ngữ gần gũi với con hơn.


10. Chơi trò chơi tiếng Anh


Trẻ em thích chơi trò chơi và có rất nhiều trò chơi tiếng Anh hay, thú vị để chơi và hiệu quả trong việc thúc đẩy khả năng tiếp xúc với tiếng Anh. Tác giả cũng khuyên cha mẹ nên cân bằng giữa “trò chơi cạnh tranh” thông thường (có thể khiến trẻ rơi nước mắt) với “trò chơi hợp tác” (người chơi làm việc theo nhóm) để có sự hài hòa trong gia đình.


Mình thường nghĩ ra trò chơi sử dụng Flashcard cùng con, hoặc chơi trò ghép chữ, hoặc chơi trò đoán vật/ con vật với 1 chiếc giỏ/ hộp... và bé rất hứng thú khi có ba mẹ chơi cùng.


Sóc chơi spelling game lúc 2,5 tuổi
Sóc chơi spelling game lúc 2,5 tuổi

11. Làm cho ngôi nhà của bạn “giàu tiếng Anh"


Ngoài sách, âm nhạc và trò chơi, hãy làm cho ngôi nhà của bạn có sự hiện diện của tiếng Anh nhiều nhất có thể. Ví dụ: bạn có thể lựa chọn những đồ chơi điện tử, thiết bị bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Tương tự như vậy, chúng ta hãy lựa chọn các chương trình truyền hình, DVD bằng tiếng Anh thay vì chương trình tiếng Việt.


Bạn cũng có thể tham khảo ebook "Xây dựng môi trường song ngữ Anh - Việt cho trẻ" để để biến môi trường gia đình trở thành một môi trường học tập và vui chơi bằng tiếng Anh cho con.


12. Tham gia kể chuyện bằng tiếng Anh


Kể chuyện bằng tiếng Anh cho trẻ nghe giúp mở rộng và làm phong phú thêm cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, có thể trong giờ ăn, hay trước giờ đi ngủ…những câu chuyện, trải nghiệm kỳ thú thời thơ ấu. Trẻ con thích nghe về những cuộc phiêu lưu của cha mẹ khi còn nhỏ hay những câu chuyện về chính con khi còn nhỏ.



13. Giao bài tập mỗi ngày


Nếu việc bồi dưỡng khả năng đọc và viết tốt là quan trọng đối với bạn thì tốt nhất bạn nên hình thành thói quen làm bài tập về nhà cho trẻ từ sớm. Bạn có thể bắt đầu giao một lượng nhỏ bài tập về nhà bằng tiếng Anh hàng ngày khi trẻ 3 hoặc 4 tuổi - chẳng hạn, bắt đầu bằng những cuốn sách đơn giản về bảng chữ cái và số... Làm bài tập về nhà hàng ngày cũng giống như việc đánh răng ở trẻ, việc xây dựng thói quen tích cực từ sớm sẽ dễ dàng duy trì hơn là cố gắng áp đặt về sau này.


Mình cũng bắt đầu cho con làm bài tập tiếng Anh mỗi ngày được 1 tháng. Với Sóc nhà mình, vì con còn nhỏ nên mình vẫn dành thời gian làm cùng và hướng dẫn con làm bài. Mỗi ngày khoảng 5 - 10 phút làm bài tập trong cuốn “English for Everyone - Junior - 5 words a day” để tăng thêm vốn từ vựng cho con cũng như tạo cho con thói quen ngồi bàn học.


Mình thấy với độ tuổi của con ngồi bàn học 5-10 phút con cũng không quá áp lực hay thấy mệt, mà ngược lại còn hào hứng vì con được chơi cùng bút, sách, và học thêm điều mới.


14. Sử dụng phương pháp “captive reading” – Đọc có chủ đích


Đây là một chiến lược để tăng khả năng tiếp xúc của trẻ với tài liệu đọc. Vì việc tiếp xúc với sách in là một trọng tâm của việc nuôi dạy trẻ song ngữ. Để khuyến khích phát triển khả năng đọc viết và luyện đọc, bạn có thể áp dụng chiến lược “đọc có chủ đích”: xu hướng tự nhiên là đọc bất kỳ từ nào chúng ta nhìn thấy.


Chúng ta có thể thực hiện dán áp phích bảng chữ cái và các từ thông dụng lên tường; dán nhãn đồ đạc trong nhà; ghi chú vào hộp cơm trưa của con; treo một tấm bảng trắng nhỏ trong phòng tắm và viết những thông điệp và câu đố nho nhỏ lên đó; sau này đăng truyện ngắn trong phòng tắm nữa, như truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn.


15. Truyền tải giá trị của tiếng Anh


Việc nói lên giá trị của tiếng Anh đối với tương lai của con là điều quan trọng ba mẹ cần làm, tuy rằng có thể trẻ chưa thực sự hiểu và thấm sau cho tới khi trẻ có trải nghiệm trực tiếp về giá trị đó. Ba mẹ có thể tìm kiếm cơ hội trải nghiệm thực tế cho trẻ có điều kiện trải nghiệm, sử dụng tiếng Anh với những người nói tiếng Anh khác ngoài cha mẹ là người dạy.


16. Viết nhật ký


Gợi ý cuối cùng này không hẳn là về phát triển song ngữ nhưng thực sự là một sự đầu tư xứng đáng. Bạn chỉ cần đầu tư một chút thời gian của mình, ghi chép một đoạn ngắn hoặc đánh máy vào một tập tin văn bản vài tuần một lần về các cột mốc quan trọng trong phát triển ngôn ngữ của con, những đặc điểm sở thích ban đầu của riêng con, hay những hoạt động trải nghiệm đáng chú ý. Một ngày nào đó, bạn có thể nhìn lại hành trình đó với thật nhiều giá trị vô giá.


Mẹ Sóc - Thu Trang


Đọc thêm:

77 views0 comments
bottom of page