Nếu ba mẹ đang băn khoăn về việc làm sao để con có accent tiếng Anh thật bản ngữ, thì hãy cùng đọc bài viết sau đây trước nhé.
Hai tuần trước mình có dịch bài báo của giáo sư Francois Grosjean về chủ đề accent đối với người song ngữ, và những yếu tố ảnh hưởng đến accent tiếng Anh của một người. Trong bài viết hôm nay, mình xin tiếp tục dịch 1 bài báo khác của giáo sư trên trang Psychology về chủ đề: việc accent bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ có cản trở khi giao tiếp tiếng Anh?
Giáo sư Francois Grosjean đã nêu lại một khảo sát của hai nhà nghiên cứu người Canada, Murray Munro tại Đại học Simon Fraser và Tracey M. Derwing tại Đại học Alberta. Trong khảo sát này, 2 nhà nghiên cứu đã nhờ những người nói tiếng Anh bản xứ nghe các đoạn nói tiếng Anh của người Trung Quốc (người nói tiếng Quan Thoại). Những người Trung được ghi âm trong thí nghiệm này đều là người học tiếng Anh sau tuổi dậy thì. Họ hiện tại đều thông thạo tiếng Anh nhưng cách phát âm tiếng Anh của họ được đánh giá là có ảnh hưởng của tiếng Trung trong đó với mức độ dao động từ “vừa phải” đến “khá nặng”.
Những người nói tiếng Anh bản ngữ được yêu cầu thực hiện ba nhiệm vụ. Chúng ta hãy cùng lần lượt tìm hiểu xem thí nghiệm này mang đến những kết luận gì về accent nhé.
Thí nghiệm 1: Mức độ ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ khi nói tiếng Anh
Những người nói tiếng Anh bản ngữ sẽ được nghe các file ghi âm nói tiếng Anh của người Trung và đưa ra đánh giá xem đoạn ghi âm đó nói giống bản ngữ đến đâu. Và từ đó cho thấy mức độ ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ như thế nào.
Họ sử dụng thang điểm 9, trong đó 1 điểm tương ứng với “không còn ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ khi nói tiếng Anh” (rất giống bản ngữ) và 9 điểm tương ứng với “bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ rất nhiều”.
Nhóm 1 - 3 điểm: không bị ảnh hưởng bởi accent tiếng mẹ đẻ (tức nói tiếng Anh rất giống bản ngữ)
Nhóm 4 - 6 điểm: bị ảnh hưởng bởi accent tiếng mẹ đẻ nhưng ở mức vừa phải.
Nhóm 7 - 9 điểm: tiếng Anh còn nặng accent tiếng mẹ đẻ.
Kết quả cho thấy, về cơ bản là 3 nhóm có số lượng khá tương đương.
Thí nghiệm 2: người phát âm tiếng Anh nặng tiếng mẹ đẻ thì có dễ hiểu khi nói chuyện không?
Từ đó người ta đặt ra câu hỏi tiếp theo: Một người nói tiếng Anh được đánh giá là accent nặng tiếng mẹ đẻ thì có ai hiểu được họ đang nói gì không? Và tương tự như vậy, một người được đánh giá là có accent như người bản xứ thì nói có chắc chắn dễ hiểu không?
Để trả lời cho điều này, những người nói tiếng Anh bản xứ tham gia thí nghiệm tiếp tục được giao một nhiệm vụ thú vị. Họ cho điểm mức độ dễ hiểu cho từng đoạn ghi âm, trong đó một điểm tương ứng là cực kỳ dễ hiểu và chín điểm là “không thể hiểu được file ghi âm nói gì”.
Kết quả của thí nghiệm 2 đã gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu, khi sự phân bổ mức độ dễ hiểu khá khác so với mức phân bổ ở thí nghiệm trước.
Cụ thể: Có đến 64% các đoạn ghi âm được cho số điểm là nhóm 1 - 3 điểm, tức là rất dễ hiểu cho người nghe. Đặc biệt 22% các đoạn ghi âm được cho mức điểm cao nhất (là 1 điểm) về độ dễ hiểu. Điều trái ngược là ở thí nghiệm 1 chỉ có 4% được xếp vào nhóm 1 điểm về accent (tức accent giống bản ngữ).
=> Kết quả này cho thấy, về cơ bản, nhiều đoạn ghi âm vẫn dễ nghe và dễ hiểu mặc dù chúng được đánh giá là có accent bị ảnh hưởng nhiều bởi tiếng mẹ đẻ.
Thí nghiệm 3: Người bản xứ có thể hiểu tiếng Anh của một người nước ngoài đến mức nào?
Thí nghiệm số 3 mang đến một yêu cầu phức tạp hơn. Những người bản xứ nói tiếng Anh được yêu cầu ghi lại chính xác những gì họ đã nghe từ các đoạn ghi âm. Sau đó, các bản ghi âm này được cho điểm về độ dễ hiểu dựa trên số lượng từ khớp chính xác với những gì đã được nói trong file ghi âm. Bạn đoán kết quả sẽ thế nào?
Gần 2/3 số file ghi âm ban đầu được điểm từ 91% đến 100% về độ dễ hiểu. Tức là người bản ngữ có thể hiểu và ghi lại khá chính xác đến từng từ đã nghe được trong file ghi âm.
Dựa vào kết quả đó, các tác giả càng tin tưởng rằng: sự hiện diện của giọng điệu địa phương khi nói tiếng Anh hay accent tiếng Anh bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ không ảnh hưởng nhiều đến mức độ dễ hiểu khi giao tiếp tiếng Anh của người đó.
Tất nhiên, việc không hiểu ý nhau khi giao tiếp ngôn ngữ thứ hai đôi khi vẫn xảy ra và tất cả chúng ta đều từng trải qua một số tình huống cảm thấy khó hiểu khi nghe ai đó nói tiếng Anh (dù họ nói với từ vựng đơn giản). Có một số đất nước mà cách nói tiếng Anh của họ bị ảnh hưởng bởi accent tiếng mẹ đẻ quá mạnh, đến mức như thể người đó đang nói ngôn ngữ khác của họ (chứ không phải tiếng Anh nữa). Tuy nhiên, giáo sư Francois Grosjean nêu ra rằng: nếu chúng ta tương tác với người đó thường xuyên, chúng ta sẽ quen dần với những điểm khác biệt cụ thể trong cách nói tiếng Anh của họ.
Ví dụ như bạn quen nghe tiếng Anh chuẩn Anh - Anh, Anh - Mỹ và thấy những người Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ nói tiếng Anh rất khó nghe. Nhưng nếu bạn làm việc trong môi trường hàng ngày phải trao đổi tiếng Anh với người Hàn, người Ấn một thời gian thì bạn sẽ quen với kiểu tiếng Anh của họ.
Tất nhiên, tác giả cũng có nói thêm rằng: có thể rất khó để duy trì một cuộc nói chuyện lâu với một người có accent địa phương quá nặng. Vậy nên, việc tiếp tục cải thiện, luyện tập phát âm để bản thân nói tiếng Anh rõ ràng hơn là điều mà chúng ta nên làm. (Thay vì nghĩ rằng: mọi người đều hiểu tôi nói gì khi tôi nói tiếng Anh, nên tôi không cần phải cải thiện cách nói tiếng Anh của mình).
Tóm lại, như giáo sư đã viết trong bài trước, việc người nói song ngữ nhưng có accent địa phương là một thực tế bình thường. Và hầu hết những người bản ngữ đều hiểu điều này.
Một số điều mà mình rút ra từ bài báo trên:
1. Nói tiếng Anh với accent bản ngữ thì rất hay, nhưng không có accent bản ngữ thì chỉ cần mình nói tiếng Anh mạch lạc, dễ nghe và dễ hiểu là được.
2. Với con, khi ở độ tuổi dưới 8, mình sẽ chỉ hướng tới vun đắp nền tảng cho khả năng nói tiếng Anh của con ở mức độ 2 (trong khoảng 4 - 6 điểm trên thang điểm 9 như trên). Không cần con phải ở mức độ 1 (tức “rất giống bản ngữ”). Sau này con lớn, con tự quyết định việc mình có muốn theo đuổi một accent bản ngữ nào đó hay không.
3. Muốn tiếng Anh của mình được đánh giá tốt dù accent không quá xuất sắc, thì mình cần có từ vựng phong phú, có mẫu câu chuẩn, cách dùng từ đặt câu giống người bản ngữ. Tức họ nói câu gì trong hoàn cảnh nào, thì mình áp dụng y như vậy. Để làm được điều này, không cách nào hiệu quả hơn việc đọc sách, truyện do người bản ngữ viết. Cũng như xem video, xem phim do người bản ngữ thực hiện. Việc giao tiếp với con cũng bắt chước y hệt như vậy. Đó là lý do ở nửa sau của chiến dịch Shadowing trong cộng đồng Dạy Trẻ Song Ngữ, mình sử dụng video mẫu từ Mrs Rachel cho các mẹ cùng thực hành.
Hi vọng 2 bài viết về accent gần đây đã phần nào giúp các cha mẹ vững tin hơn vào hành trình đồng hành cùng con nói song ngữ. Cho dù chúng ta không có một accent tiếng Anh hoàn hảo như bản ngữ, chúng ta vẫn có thể vun đắp cho con những input tốt nhất trong khả năng để từ đó, con tự nắm bắt và tiếp nhận và tự phát triển về sau.
Mẹ Cá
Link bài báo của giáo sư Francois Grosjean: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/life-bilingual/202002/understanding-someone-foreign-accent