Theo từ điển Cambridge: “Accent is the way in which people in a particular area or country pronounce words”. Accent là “giọng điệu” đặc trưng hay cách nói đặc trưng của những người ở cùng một vùng miền, khu vực hay quốc gia.
Với những người học tiếng Anh, vi các tư liệu học tập, giải trí bằng tiếng Anh thường được sản xuất từ hai quốc gia Anh, Mỹ là nhiều nhất, chưa kể những ảnh hưởng to lớn từ 2 cường quốc này trên khía cạnh chính trị, kinh tế, vậy nên ai học ngoại ngữ cũng cố gắng hướng tới việc nói sao cho giống người bản ngữ, (tức nói giống người Anh, người Mỹ).
Từ đó, có một hiểu lầm (“myth”) đã tồn tại rất lâu rằng những người song ngữ phải là người nói cả 2 ngôn ngữ như người bản ngữ, tức là sẽ không còn giọng điệu tiếng mẹ đẻ (hay giọng địa phương) trong ngôn ngữ thứ hai khi họ nói.
Tuy nhiên giáo sư Francois Grosjean đã chỉ ra trong một series các bài báo của mình trên trang Psychologytoday rằng: “Most bilinguals have an accent in one of their languages” - hầu hết những người song ngữ đều có ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ trong khi nói ngôn ngữ thứ hai, hoặc thứ ba.
Giáo sư Grosjean đã đưa ra ví dụ về nhà văn Joseph Conrad - một trong những nhà văn vĩ đại của văn học Anh. Joseph Conrad là người đa ngữ (thành thạo tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp) nhưng ông nói tiếng Anh giọng Ba Lan chứ không phải tiếng Anh chuẩn British dù ông sống nhiều năm ở Anh và viết rất nhiều tác phẩm văn học bằng tiếng Anh.
Ngoài nhà văn Joseph Conrad còn nhiều người khác ở các lĩnh vực khác thể hiện cho thực tế: việc còn accent của tiếng mẹ đẻ trong khi nói ngôn ngữ thứ hai là điều bình thường đối với người song ngữ chứ không phải là bất thường.
Tuy nhiên, ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng xã hội, chúng ta cũng thấy nhiều người Việt nói tiếng Anh không còn một chút accent tiếng Việt ở trong đó. Họ nói tiếng Anh với accent Anh Mỹ, hoặc Anh Anh giống và hay đến mức các giáo viên bản địa cũng nghĩ rằng đó là người bản ngữ chứ không nghĩ đó là người Việt đang nói.
Tại sao có những người học và sử dụng ngoại ngữ nhiều năm vẫn bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ trong accent của họ, trong khi một số khác thì không?
Có nhiều người sẽ nghĩ ngay đến yếu tố “độ tuổi bắt đầu học ngoại ngữ” là nguyên nhân của tình trạng này. Thực tế, theo tiến sĩ Francois Grosjean: các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn chưa đi đến thống nhất về một độ tuổi nhất định để nếu một người học ngôn ngữ thứ hai trước độ tuổi đó thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ. Mặc dù một số người đã đề xuất rằng muốn nói một ngoại ngữ như người bản ngữ thì cần cho trẻ học trước sáu tuổi; một luống ý kiến khác mở rộng giới hạn độ tuổi này đến mười hai tuổi - tức là trước khi bước sang giai đoạn teens.
Còn tiến sĩ Francois Grosjean chia sẻ rằng: ông đã gặp những người học ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba thậm chí muộn hơn nhiều so với 2 mốc tuổi trên mà vẫn nói như người bản ngữ. Và theo ông, “độ tuổi bắt đầu học” không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc người đó có thể nói ngoại ngữ như người bản địa hay không.
Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến accent của một người khi nói ngôn ngữ thứ hai, thứ ba …?
Giáo sư danh dự James Flege của Đại học Alabama, chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ đã cho biết 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến accent của một người là: độ tuổi tiếp xúc với ngôn ngữ đó và chất lượng (gồm mức độ, tần suất) tiếp xúc ngôn ngữ đó.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu năm 1995 với các đồng nghiệp Murray Munro và Ian MacKay, James Flege đã bổ sung thêm các yếu tố phụ:
Quá trình hình thành thói quen nói ("habit formation"): tức là cách một người chuyển từ cách phát âm của ngôn ngữ thứ nhất sang cách phát âm của ngôn ngữ thứ hai.
Nhận thức sai trong khi học phát âm ("incorrect perception"): tức là người học không nhận thức được chính xác âm này phải phát âm như thế nào.
Động lực, khao khát muốn phát âm chính xác từ chính người đó (ví dụ, động lực có thể giảm nếu các lỗi phát âm không cản trở việc giao tiếp).
Sự khác biệt cá nhân (bao gồm thói quen, cá tính, như là đôi khi người đó cố tình không muốn nói giống như người bản ngữ).
Lượng input đầu vào về mặt ngữ âm (ví dụ: bạn ở trong môi trường toàn người bản địa nói tiếng Anh thì input về mặt ngữ âm của bạn sẽ khá chuẩn với ở trong môi trường mà toàn người không phải bản địa nói tiếng Anh).
Năm 1995 James Flege và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu, bằng cách kiểm tra cách phát âm tiếng Anh của 240 người trưởng thành song ngữ gốc Ý hiện đang sống tại Canada. Họ chuyển đến Canada trong giai đoạn từ lúc họ mới 2 tuổi đến 23 tuổi. Khi làm nghiên cứu này, họ đều đã ở Canada trung bình 32 năm và họ hiện đều nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Ý.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng: Ai chuyển đến Canada càng sớm, được học tiếng Anh càng sớm, thì accent của họ càng giống bản địa hơn. Điều này có thể được giải thích bởi yếu tố độ tuổi tiếp xúc, nhưng cũng bởi lý do thứ hai: lượng tiếng Anh được nghe và nói kể từ khi họ đến Canada.
Nhưng rõ ràng các yếu tố khác cũng góp phần ở đây, giáo sư Francois Grosjean nhấn mạnh. Ví dụ, trong một nghiên cứu sau đó được tiến hành trên chính nhóm đối tượng trên, giáo sư James Flege và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng trong những người tham gia khảo sát, những ai vẫn duy trì nói tiếng Ý thường xuyên sẽ có accent Ý trong tiếng Anh của họ mạnh hơn đáng kể so với những người không còn nói tiếng Ý nhiều nữa. Tức là: việc thường xuyên nói ngôn ngữ thứ nhất (ở đây là tiếng Ý), có ảnh hưởng đến cách phát âm ngôn ngữ thứ hai của họ (tiếng Anh).
Để cố gắng hiểu điều này, các nhà nghiên cứu đã lấy cột mốc năm 1992, rồi chia những người tham gia nghiên cứu thành 3 nhóm: một nhóm sử dụng ít tiếng Anh hơn sau năm 1992, một nhóm sử dụng nhiều tiếng Anh hơn và một nhóm không có thay đổi (tức là trước năm 1992 họ sử dụng tiếng Anh với cường độ như thế nào thì sau năm 1992 lúc làm khảo sát họ vẫn dùng như vậy).
Đối với mỗi nhóm, các nhà nghiên cứu kiểm tra cách họ phát âm một số phụ âm tiếng Anh (đây là những dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra ai đó có bị ảnh hưởng bởi accent của tiếng mẹ đẻ hay không). Họ phát hiện ra rằng nhóm sử dụng nhiều tiếng Anh hơn từ năm 1992 đến lúc làm khảo sát cho thấy sự cải thiện nhiều nhất về cách phát âm. Nhóm không thay đổi cường độ sử dụng tiếng Anh thì cho thấy một số tiến bộ nhưng ít hơn nhóm trước, và nhóm sử dụng ít tiếng Anh hơn thì vẫn giữ nguyên mức độ phát âm như hồi 1992.
James Flege tin rằng nhóm sử dụng tiếng Anh nhiều hơn có lẽ đã tiếp xúc với nhiều người nói tiếng Anh đơn ngữ. Do đó, họ nghe được nhiều tiếng Anh bản địa hơn, điều này ảnh hưởng đến cách phát âm các âm tiếng Anh của họ. Điều này củng cố quan điểm của ông rằng: Input “đầu vào” (cả về chất và lượng) là một yếu tố quan trọng quyết định cách phát âm ngôn ngữ thứ hai của một người.
Như câu ông nói:
"You are what you eat … phonetically” (cách phát âm của bạn sẽ đến từ những gì bạn nghe được mỗi ngày).
Qua các phân tích trên mà mình dịch từ bài báo của tiến sĩ Francois Grosjean, mình có thể rút ra một số bài học để bổ trợ cho hành trình phát triển song ngữ của con:
- Độ tuổi con được tiếp xúc tiếng Anh đúng là càng sớm càng tốt, nhưng không có nghĩa là phải bắt buộc trước 3 tuổi hay trước 6 tuổi. Nếu con được tiếp xúc nguồn tiếng Anh chất lượng liên tục đều đặn mỗi ngày, với sự hứng thú và say mê thì 3 tuổi hay 6 tuổi, hay thậm chí muộn hơn, trẻ vẫn hoàn toàn tiếp thu tốt.
- Giọng điệu hay accent tiếng Việt luôn có ảnh hưởng đến cách ta nói tiếng Anh. Hay nói cách khác, accent tiếng Anh của ta không được y hệt như người bản ngữ là điều bình thường, dễ hiểu, chứ không có gì phải lo lắng. Đừng ngại nói tiếng Anh chỉ vì nghĩ mình nói không hay như bản ngữ. (nếu bạn thấy mình nói không chuẩn âm nào đó, thì hãy cố gắng sửa. Miễn là đừng biết mình nói sai mà không chịu sửa ^^').
- Muốn con có giọng điệu/accent tiếng Anh giống bản địa hơn => cha mẹ hãy mở rộng nguồn tiếp xúc tiếng Anh của con, cho con nghe nhiều nguồn chuẩn Anh Anh, Anh Mỹ (qua loa đài, tivi, ứng dụng học ngoại ngữ do người bản ngữ tạo nên) chứ không phải là từ nay dừng hẳn việc nói tiếng Anh với con vì sợ mình nói không chuẩn.
Hy vọng là các chia sẻ trên của mình đã phần nào tháo gỡ những lo lắng băn khoăn trong lòng các mẹ về vấn đề accent. Đặc biệt là các mẹ sau 3 tuần thực hành shadowing và đang cảm thấy mình nói tiếng Anh không hay như một số mẹ khác. Miễn là mình không nói sai âm nào so với quy tắc phát âm, không đọc thiếu âm cuối là đã hoàn toàn có thể nói chuyện với con bằng tiếng Anh rồi. Vì tiếng Anh là ngôn ngữ, mà muốn nói tốt thì cần phải luyện nhiều, luyện đều đặn hàng ngày.
Mẹ Cá - Hồng Thủy
Link bài báo của tiến sĩ Francois Grosjean: