top of page

4 bước đơn giản để tạo và nói tiếng Anh với con theo bảng lịch trình routine

Updated: Jul 15, 2023

Routine cho trẻ gồm các hoạt động thống nhất theo trình tự mà trẻ sẽ làm trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Chúng ta có thể tạm dịch routine là “lịch trình hàng ngày” - hay nề nếp, thói quen hàng ngày. Khi trẻ có một lịch trình và quen thuộc với điều đó, trẻ biết việc gì làm trước, việc gì tiếp theo; điều này có thể giúp trẻ bình tĩnh hơn và hợp tác hơn với cha mẹ, thay vì chúng ta cứ phải đi giục trẻ và thuyết phục trẻ từng việc một.


Với các mẹ muốn đưa tiếng Anh vào gia đình, muốn có nhiều hoạt động tương tác tiếng Anh với con, việc làm bảng routine bằng tiếng Anh và dựa theo routine đó để nói tiếng Anh với con là một ý tưởng rất thiết thực. Đây là một trong 30 điều mình đã nhắc đến trong ấn phẩm ebook: "Xây dựng môi trường song ngữ Anh - Việt cho con" - checklist 30 việc cha mẹ nên làm.


Trong bài blog hôm nay, Dạy Trẻ Song Ngữ sẽ chia sẻ đến ba mẹ các lợi ích của việc có lịch trình routine cho con và cách để làm một bảng routine bằng tiếng Anh đơn giản, dễ thực hiện.


Lợi ích của việc cho trẻ thực hiện theo routine - lịch trình hàng ngày


Khi bạn thiết lập một lịch trình hàng ngày (routine) cho trẻ, bạn đang:


1. Tạo cảm giác an toàn cho con.


Một lịch trình và thói quen hàng ngày đều đặn mang lại cho trẻ cảm giác có thể đoán trước được việc gì sắp làm. Điều này giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn trong môi trường của mình. Từ đó, trẻ dần cảm thấy có thể kiểm soát mọi việc và tự tin vì đã quen thuộc với những điều đó mỗi ngày.


2. Giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn


Trẻ có thói quen, lịch trình đi ngủ cố định sẽ có xu hướng đi ngủ sớm hơn và ngủ lâu hơn. Cha mẹ xây dựng cho con các thói quen tốt trước khi đi ngủ buổi tối sẽ không chỉ giúp con ngủ đủ giấc mà còn thúc đẩy sự phát triển tổng thể của trẻ, trong đó có việc điều hòa tâm trạng và cảm xúc của trẻ. Việc duy trì một “Bedtime routine” hay “Evening Routine” (Lịch trình buổi tối) sẽ giúp trẻ biết mình có thể làm những gì vào buổi tối (cùng như không nên làm gì) và cần làm những gì trước khi đi ngủ.


3. Giúp con hợp tác hơn với ba mẹ trong các việc cần làm


Khi con biết các việc con cần làm trong ngày luôn giống nhau, bé sẽ dễ nghe theo hơn khi phải chuyển từ hoạt động này sang hoạt động tiếp theo. Chẳng hạn, khi bạn nhắc trước với con: “Con à, giờ con chơi đồ chơi nhé, khi nào chuông kêu thì mình đi tắm rồi ăn cơm nhé”. Tương tự như vậy, nhiều khả năng bé sẽ nhớ là chơi xong cần cất đồ chơi đi nếu đó luôn là một hoạt động trong routine buổi tối.


4. Giúp cha mẹ phối hợp với nhau tốt hơn


Khi có thói quen làm theo lịch trình của bé, cuộc sống của cha mẹ sẽ dễ dàng hơn. Đặc biệt là khi gia đình bạn chỉ có bạn là người chăm sóc con là chính, thì khi cần đến sự giúp đỡ của người kia, có 1 tấm bảng routine treo tường sẽ giúp cho bạn không cần “hướng dẫn lại” quá nhiều cho người bạn đời của bạn rằng hôm nay cần làm gì với bé. “Cứ theo lịch trên bảng mà thực hiện thui”.


5. Giúp cha mẹ tăng cường việc sử dụng tiếng Anh với con trong gia đình


Khi bạn tạo bảng routine bằng tiếng Anh, bạn có thể dựa trên đó để chọn khung giờ theo routine là khung giờ chuyên để nói tiếng Anh. Chỉ cần bắt đầu với 5- 10 phút, nhưng thực sự thành thói quen và cố định như lịch trình hàng, bạn đã khiến việc làm quen với tiếng Anh không bị gò bó mà như một phần trong cuộc sống hàng ngày.


Việc có thói quen sử dụng tiếng Anh với con mang lại lợi ích lâu dài trong việc phát triển ngôn ngữ và mở rộng khả năng giao tiếp của trẻ. Trẻ sẽ được tiếp xúc với nhiều từ vựng quen thuộc và cách sử dụng chúng trong ngữ cảnh thực tế. Điều này giúp trẻ củng cố vốn từ vựng và trở nên tự tin hơn trong việc diễn đạt ý kiến và suy nghĩ bằng tiếng Anh.


Các dạng routine lịch trình của trẻ 0 - 6 tuổi


Về việc phân loại, mình chủ yếu tập trung vào các khoảng thời gian trong ngày, vì mỗi khoảng thời gian lại có những hoạt động và yêu cầu khác nhau.


Với các bé từ 5 tuổi trở lên, mẹ có thể dùng bảng routine cho lịch trình cả ngày, từ lúc con thức dậy - đi học - trở về nhà - cho đến lúc đi ngủ.


Còn với các bé dưới 5 tuổi, đặc biệt các bé nhỏ mới 1- 2 tuổi, nếu đây là lần đầu tiên bạn giới thiệu bảng lịch trình với con, thì nên chọn một thời điểm riêng, thay vì gộp chung mọi hoạt động trong cả ngày vào một bảng.

  • Lịch trình buổi sáng (morning routine)

  • Lịch trình buổi tối (evening routine)

  • Lịch trình trước khi đi ngủ (bedtime routine)

  • Lịch trình cho mỗi bữa ăn (meal routine)

Vì sao mình không khuyến khích mẹ gộp luôn cả 4 thời điểm vào cùng một bảng?


Bởi bé chưa nhớ hết được, và khó làm theo một lịch trình dài. Hãy bắt đầu với 1 thời điểm trong 4 thời điểm trên. Và chọn 3 - 5 hoạt động quan trọng nhất mà bạn muốn con làm theo được để thực hiện cùng con. Chỉ khi con làm theo thật tốt, quen thuộc 3 - 5 hoạt động đó rồi mới chuyển sang tạo lịch trình routine cho buổi khác.


Cách làm bảng lịch trình routine bằng tiếng Anh cho trẻ


Sau khi xác định mình muốn tạo bảng routine về thời điểm nào trong ngày rồi, giờ là các bước cụ thể để mẹ tạo nên một bảng routine cho con yêu.



Bước 1: Chọn các cụm từ đưa vào bảng routine tiếng Anh


Lưu ý ở bước này:

  • Từ/cụm từ nên đơn giản, dễ hiểu

  • Dùng cụm từ ngắn, dễ nhớ (chỉ dùng tiếng Anh, không viết thêm từ tiếng Việt)

  • Nên chọn hoạt động chính, quan trọng nhất để bắt đầu trước

  • Nên nương theo trẻ, độ tuổi của trẻ và thói quen sinh hoạt của gia đình (không nên thay đổi đột ngột lịch trình quá khác so với trước đây)

Các cụm từ cho Lịch trình buổi sáng (MORNING ROUTINE CHART):

  • Thức dậy: Wake up

  • Rửa mặt: Wash face

  • Đánh răng: Brush teeth

  • Chải tóc: Comb hair

  • Đi vệ sinh: Potty

  • Thay bỉm: Change diaper

  • Gấp chăn gối, dọn giường: Make the bed

  • Mặc quần áo: Get dressed

  • Ăn sáng: Have breakfast

  • Đọc truyện: Reading books

  • Nghe tiếng Anh: Listen to English (songs)

  • Chuẩn bị balo đi học: Pack your bag

  • Chào tạm biệt ba/mẹ: Say goodbye to dad/mom

Các cụm từ cho lịch trình bữa ăn (MEAL ROUTINE CHART)

  • Rửa tay: Wash hands

  • Dọn bàn ăn: Set table

  • Đặt bát, đũa, thìa lên bàn: Set the bowl, chopstick, spoon on the table (cụ thể hơn “set table”)

  • Đeo yếm ăn: Wear a bib

  • Nói "Cảm ơn" khi ăn xong: Say "Thank you for the meal" when finished

  • Rửa tay và miệng sau khi ăn: Wash hands and mouth after meal

  • Rửa chén, đũa, muỗng: Wash your bowl, chopstick, spoon

  • Gói thức ăn còn dư: Pack leftover food

  • Cất đồ ăn vào tủ lạnh: Store leftover food in fridge

  • Lau bàn ăn: Clean the dining table

Các cụm từ cho lịch trình buổi tối (EVENING ROUTINE CHART)

  • Tắm rửa: Take a bath

  • Xem tivi: Watch TV

  • Ăn tối: Have dinner

  • Vận động nhẹ: Do light exercises

  • Đi dạo: Jog, walk around

  • Làm bài về nhà: Do homework

  • Chuẩn bị đồ dùng đi học: Pack your bag

  • Thời gian cho gia đình: family activities, family time

  • Cất đồ chơi: Put away toys

  • Tắt các thiết bị điện tử: Turn off electronic devices

  • Thực hiện lịch trình đi ngủ: Follow the bedtime routine

Các cụm từ cho lịch trình đi ngủ (BEDTIME ROUTINE CHART)

  • Mặc đồ ngủ: Put on pajamas

  • Đánh răng: Brush teeth

  • Đọc truyện: Read a bedtime story

  • Tâm sự, trò chuyện: Small talk/ talk about your day

  • Hát ru: Sing lullabies

  • Tắt đèn: Turn off the lights

  • Hôn chúc ngủ ngon: Kiss goodnight

Bước 2: Chọn kiểu routine phù hợp lứa tuổi và thói quen của gia đình


Trong phạm vi bài viết này, Dạy trẻ song ngữ gửi đến ba mẹ 3 gợi ý về 3 loại bảng routine khác nhau cho các lứa tuổi và mục đích khác nhau.

  • Loại bảng dành cho bé dưới 3 tuổi: chỉ có chữ tiếng Anh và hình minh họa (có thể kèm thời gian “giờ nào làm việc gì” để ba mẹ tự theo dõi).

  • Loại bảng dành cho bé từ 3 tuổi: có thể kèm thêm phần tracker - theo dõi hoạt động một tuần.

  • Loại bảng dành cho bé từ 3 tuổi: có cả tracker và thời gian - ba mẹ giới thiệu dần với con về khái niệm giờ - phút.

Với các bé nhỏ dưới 3 tuổi, bảng routine cần lưu ý hình vẽ minh họa phải rõ ràng, thể hiện chính xác cho nội dung hoạt động đó. Vì trẻ chưa đọc được chữ nên trẻ chỉ nhìn hình để hiểu hoạt động cần làm là gì. (mời ba mẹ xem hình minh họa về loại routine này)



Chữ trong bảng routine nên là kiểu chữ đơn giản, dễ nhìn để bé dần quen mặt chữ (không nên dùng font chữ bay bổng uốn lượn quá).


Loại bảng routine kèm tracker tức là dạng có ô để trẻ hoặc ba mẹ đánh dấu từng ngày xem con đã thực hiện như thế nào các hoạt động của ngày đó, tuần đó. (mời ba mẹ xem hình minh họa về loại routine này)



Ba mẹ có thể cho thêm thời gian: giờ nào làm việc gì, với các bé đã hiểu khái niệm thời gian. Hoặc mẹ viết ra để ba mẹ và mọi người trong gia đình cùng nhớ và dễ làm theo. (mời ba mẹ xem hình minh họa về loại routine này)



Bước 3: Bắt tay vào thực hiện bảng routine


Ba mẹ có thể tham khảo mẫu mà admin đã thiết kế bên trên, hoặc tìm các mẫu trên mạng theo từ khóa: “routine for baby”, “routine for toddler”, “routine tracker” …


Về cách làm, ba mẹ có thể tự thiết kế trên các ứng dụng như Canva rồi in ra. Hoặc dùng bìa cứng để vẽ tay hay mẹ cắt dán hình từ sách truyện.


Lưu ý về hình minh họa cho bảng routine:

  • mẹ có thể dán ảnh có mặt con yêu

  • Viết tên con lên bảng routine

  • routine cho buổi tối nên ít màu sắc quá nổi bật, để bé dễ ngủ (họa tiết nên là trăng sao)

Bước 4: Tập nói tiếng Anh với con theo bảng routine


Sau khi chúng ta đã hoàn thành bảng routine của mình, giờ là lúc để thực hành!


Vì bài viết đã dài nên chúng mình xin phép chuyển bước 4 (phần thực hành nói tiếng Anh theo bảng routine) sang bài blog tuần sau.


Nếu ba mẹ muốn thực hành và tham khảo đoạn hội thoại mẫu sớm hơn, mời ba mẹ join nhóm: Dạy trẻ song ngữ và tham gia vào thử thách “5 NGÀY TẠO BẢNG ROUTINE VÀ SỬ DỤNG ROUTINE ĐỂ NÓI TIẾNG ANH VỚI CON” đang diễn ra trong nhóm để được nhận hướng dẫn cũng như có người đồng hành trên hành trình tạo thói quen dùng tiếng Anh hàng ngày với con nhé!



Có thể bạn quan tâm:



100 views0 comments
bottom of page