top of page

Khi dạy trẻ song ngữ: có nên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt?

Updated: Mar 19

Khi dạy trẻ song ngữ, việc dịch tiếng Anh sang tiếng Việt có thể làm quá trình tiếp thu ngôn ngữ của con trở nên kém hiệu quả hơn.


Phần lớn người trưởng thành khi học ngôn ngữ thứ hai thường có thói quen dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ. Hành động này chính là rào cản ảnh hưởng tới sự trôi chảy trong khi nói của họ. Tương tự như vậy, khi dạy trẻ song ngữ, việc dịch tiếng Anh sang tiếng Việt ngay khi vừa nói câu đó, từ đó cũng làm quá trình tiếp thu ngôn ngữ của con trở nên kém hiệu quả hơn.


Vì sao chúng ta có thói quen dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ khi học ngôn ngữ thứ hai?


Thế hệ 8X, 9X chắc hẳn đều được trải qua những giờ học tiếng Anh với trải nghiệm là: giáo viên viết từ mới lên bảng kèm nghĩa tiếng Việt, được kiểm tra bài cũ bằng việc viết từ mới và nghĩa của từ bằng tiếng Việt. Học thuộc lòng nghĩa của nhiều từ nhưng không nói được.


Chính phương pháp dạy và học ngoại ngữ truyền thống đã khuyến khích dịch nghĩa của từ vựng sang ngôn ngữ mẹ đẻ và khiến thói quen dịch tiếng Anh sang tiếng Việt được hình thành. 


Vì sao không nên dịch ngôn ngữ thứ hai sang ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình dạy trẻ song ngữ?


Kiến thức về từ vựng thông qua việc dịch nghĩa có thể hữu ích trong việc đọc, viết và dịch thuật, nhưng không thực tế khi áp dụng vào nói. Quá trình gợi nhớ từ vựng và dịch chúng sang ngôn ngữ thứ hai rồi mới nói, khiến cho việc giao tiếp diễn ra rất chậm. Trong khi đó, việc giao tiếp cần được thực hiện một cách tự nhiên và vô thức, dựa trên các phản xạ.


Thứ hai, có nhiều cụm từ, khái niệm, ý tưởng trong tiếng Anh không thể dịch sang tiếng Việt theo kiểu "word for word". Thậm chí khi dịch còn bị sai ý nghĩa.


Việc không dịch ngôn ngữ thứ hai sang tiếng mẹ đẻ mang lại những lợi ích: 


Trẻ được phát triển ngôn ngữ tự nhiên: Trẻ nhỏ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ thông qua trải nghiệm hơn là từ việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Điều này giúp trẻ hình thành phản xạ sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và linh hoạt.


Trẻ hiểu về ngữ cảnh: Học ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là học từ vựng mà còn rèn luyện khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt trong từng ngữ cảnh cụ thể. Việc khuyến khích trẻ sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ giúp hình thành phản xạ tự nhiên và tạo điều kiện cho trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn so với việc phụ thuộc vào ngôn ngữ mẹ đẻ.


Trẻ được khuyến khích tư duy bằng ngôn ngữ thứ hai: Thay vì nói với con theo cách truyền thống: “Con mèo tiếng Anh là “cat”, trẻ nên được khuyến khích nhìn hình ảnh và nói “It’s a cat”. Thay vì dạy con “vui vẻ” tiếng Anh là “happy”, hãy làm mặt cười và nói với con “I am happy now”, chắc chắn trẻ sẽ tiếp thu hiệu quả hơn rất nhiều.


Trẻ được tạo cơ hội để thực hành phản xạ, tự tin trong giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai: Khi không phụ thuộc vào việc dịch, trẻ sẽ tự tin hơn trong giao tiếp và phản xạ ngôn ngữ. Trẻ cũng dần hiểu và nhận thức được khi nào, với đối tượng nào cần dùng ngôn ngữ gì để giao tiếp.


Trước đây, mình từng có thói quen dịch câu tiếng Việt ngay sau câu tiếng Anh vừa nói với con vì sợ con không hiểu. Tuy nhiên, mình nhận ra rằng thói quen này khiến con không có nhu cầu tương tác lại với mẹ bằng tiếng Anh. Con có xu hướng sử dụng ngôn ngữ mà con được tiếp xúc nhiều hơn, tự tin hơn để giao tiếp cùng mẹ. Bản thân mình cũng không biết con tiếp thu được bao nhiêu, có thể giao tiếp ở cấp độ nào bằng ngôn ngữ thứ hai.


Nhận thức được điều đó, mình đã thay đổi thói quen và dần hiểu hơn về sự tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai ở con. Từ đó, mình biết được cần bổ sung thêm kiến thức gì để đồng hành cùng con, giúp con sử dụng ngôn ngữ thứ hai một cách tự tin hơn.


Làm sao để hạn chế việc dịch tiếng Anh sang tiếng Việt trong quá trình song ngữ cùng con?


Giúp con tư duy tiếng Anh bằng hình ảnh: 

Cha mẹ có thể sử dụng các loại học liệu như thẻ Flashcards, sách truyện, tranh ảnh hay tất cả những đồ vật xung quanh và gọi tên chúng bằng tiếng Anh nhằm tăng vốn từ vựng cho con. Hãy gọi tên đồ vật, con vật, trò chuyện tương tác với trẻ bằng những câu từ đơn giản, dễ hiểu cùng con bằng tiếng Anh thay vì dịch sang tiếng Việt.

Ví dụ: 

  • Mom: Honey, look at this picture, it is a MONKEY. MONKEY. Can you say “MONKEY”?

  • Baby: MONKEY

Hay:

  • Mom: Honey, what is it? It’s a MONKEY, say “MONKEY”.

  • Baby: MONKEY

Bằng cách tương tác này, trẻ không chỉ học được từ vựng “MONKEY” mà còn được tiếp nhận câu nói “It’s a MONKEY” một cách tự nhiên và có thể nói được cả câu khi nhìn thấy hình ảnh con khỉ trước mắt.


Tương tác bằng tiếng Anh cùng con mỗi ngày từ những chủ đề đơn giản, gắn tiếng Anh với đời sống: 


Việc cha mẹ trò chuyện tiếng Anh cùng con mỗi ngày sẽ giúp cho con được “thấm” ngôn ngữ tự nhiên, phản xạ linh hoạt, biến ngôn ngữ tiếng Anh trở nên sinh động, gần gũi với đời sống hàng ngày. 


Con không chỉ được biết “It’s a bird” (Đây là con chim) thông qua tranh ảnh, con còn có thể thấy “A bird is flying high in the sky” (Con chim đang bay trên trời cao) từ thực tế, hay “The sun is yellow” (Mặt trời màu vàng) trên tranh ảnh và “The Sun is shining” (Mặt trời đang toả nắng) ở thực tế rực rỡ sinh động như thế nào.


Khi dự định giới thiệu một chủ đề mới có chút trừu tượng khó hiểu với con bằng tiếng Anh, ví dụ như “Mammals” - Động vật có vú, mình chọn cách giới thiệu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ trước một vài ngày và quan sát sự phản hồi của con. Khi cảm thấy con đã hiểu tương đối, mình bắt đầu giới thiệu chủ đề bằng tiếng Anh dựa trên vốn từ vựng con đã biết để dần mở rộng kiến thức và từ vựng cho con.




Tận dụng nguồn tài nguyên từ internet tạo điều kiện cho con tiếp xúc nguồn tiếng Anh chuẩn


Cha mẹ có thể cho con xem các chương trình giải trí có tính giáo dục bằng tiếng Anh phù hợp độ tuổi và sở thích. Việc này giúp con tiếp xúc với nguồn tiếng Anh chuẩn từ người bản xứ. Trong quá trình đó, cha mẹ cùng xem, trò chuyện, tương tác với con về nội dung của chương trình và nhớ giới hạn thời gian tiếp xúc màn hình để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.


Cha mẹ tự học ngoại ngữ mỗi ngày để tăng vốn từ vựng, kỹ năng của bản thân

Hành trình đồng hành song ngữ cùng con cũng là hành trình học hỏi và phát triển kỹ năng ngoại ngữ ở cha mẹ. Con mỗi ngày mỗi lớn, vốn kiến thức và ngôn ngữ cũng ngày một rộng hơn, đa chiều hơn về các vấn đề trong cuộc sống. Nếu cha mẹ có vốn tiếng Anh (ngôn ngữ thứ hai) chưa thực sự giỏi, chưa trôi chảy như người bản địa, thì để đồng hành cùng con đi xa trên hành trình này, chắc chắn cha mẹ cần đặt mục tiêu để học tập và phát triển mỗi ngày.


Trên đây là những quan điểm và tìm hiểu của mình về vấn đề “có nên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt khi dạy trẻ song ngữ?”. Mong rằng bạn sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích để áp dụng trên hành trình đồng hành này.


Người viết: Thu Trang

Biên tập: Hồng Thủy



61 views0 comments
bottom of page