top of page

Hiểu về “Code- Switching” – Khả năng chuyển ngữ ở trẻ song ngữ

Updated: May 7

“Code – Switching” – “Khả năng chuyển ngữ” là khi trẻ có thể chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách liền mạch trong một cuộc trò chuyện. Tức là có khả năng sử dụng đúng ngôn ngữ với người đối thoại, phù hợp với bối cảnh giao tiếp cũng như chủ đề của cuộc trò chuyện.


1. Khả năng chuyển ngữ ở trẻ song ngữ


Ở trẻ song ngữ, hiện tượng chuyển đổi ngôn ngữ này được ví như một điệu nhảy ngôn ngữ, khi mà trẻ thực hiện một cách dễ dàng dựa trên nhận thức về xã hội và tình huống trẻ đối diện. Trẻ em thường chuyển đổi ngôn ngữ một cách tự nhiên, đặc biệt nếu chúng được tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ từ khi còn nhỏ. Ở trẻ, chuyển đổi ngôn ngữ không hẳn là một kỹ năng được dạy, mà trẻ thực hiện giống như một cách bản năng để thích nghi với các bối cảnh ngôn ngữ khác nhau.


Mình, và có thể các mẹ cũng đã thấy những ví dụ rất thực tế về chuyển đổi ngôn ngữ một cách trôi chảy ở trẻ từ khoảng 2-2,5 tuổi khi được nuôi dạy song ngữ từ nhỏ. Bé có thể chuyển đổi ngôn ngữ một cách trôi chảy, giao tiếp với mẹ bằng một ngôn ngữ và cùng lúc có thể giao tiếp với ba bằng một ngôn ngữ khác tiếp nối cùng một câu chuyện, hoặc đôi khi cùng một ý nghĩa trong lời nói như một phiên dịch viên thực thụ!


Ở bé Sóc, mình nhận thấy con bắt đầu có dấu hiệu chuyển đổi ngôn ngữ sau khoảng gần 1 năm mình tập trung và đặt ưu tiên việc dạy con song ngữ. Điều này rất có ý nghĩa đối với mình. Nó giúp củng cố thêm niềm tin trong mình rằng con hoàn toàn có thể phát triển đồng thời cả hai ngôn ngữ, có thể phân biệt, hiểu và dùng chính xác ngôn ngữ cần để giao tiếp (khi đang nói chuyện tiếng Anh với mẹ và tự động ngay lúc đó chuyển sang nói tiếng Việt với ba). Mình xin chia sẻ lại một ví dụ chuyển đổi ngôn ngữ ở bé nhà mình:


Sóc: Mommy, I am eating chocolate!


Mẹ: Wow, is it yummy? Where do you get the chocolate?


Sóc: Yummy! Daddy gives it to me.


Mẹ: Ohh, I want chocolate, too. Can you take some chocolate for me?


Tell daddy, I want chocolate! Please….!


Sóc: (Lúc này vừa chạy lại phía ba vừa nói) 


Pa ơi, mẹ nói mẹ muốn ăn socola đấy!


Pa: Vậy hả, thế con mang cho mẹ cái này nhé!


Sóc: (tay cầm socola đi về phía mẹ)


Mommy, here is your chocolate!


Mẹ: Ohh, thank you sweetie! I love you!”


2. Lợi ích của việc có thể chuyển ngữ linh hoạt


Các nghiên cứu cho thấy rằng sự chuyển đổi ngôn ngữ giúp tăng cường khả năng nhận thức và tính linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ ở trẻ. Khi trẻ chuyển đổi ngôn ngữ cũng là khi trí não đang được vận động, giúp nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề.



Bên cạnh đó, chuyển đổi ngôn ngữ có thể nâng cao tính linh hoạt trong nhận thức xã hội, bối cảnh giao tiếp cũng như đối tượng cần giao tiếp với mỗi ngôn ngữ. Bộ não của trẻ được rèn luyện khi chuyển đổi giữa các ngôn ngữ, khiến trẻ thành thạo hơn trong việc xử lý và hiểu các cấu trúc ngôn ngữ khác nhau.


3. Chuyển ngữ có ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ?


Nghiên cứu cho thấy việc chuyển đổi ngôn ngữ không có tác động tiêu cực hay làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Trên thực tế, điều đó còn thể hiện khả năng sử dụng tốt cả hai ngôn ngữ và khả năng điều hướng các hệ thống ngôn ngữ phức tạp của trẻ. 


Khoảng thời gian mới bắt đầu dạy bé Sóc nhà mình song ngữ Anh-Việt, mình cũng từng lo lắng về việc con sẽ chậm phát triển tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Tuy nhiên, sau thời gian gần một năm hai mẹ con đồng hành cùng nhau, mình nhận thấy con tiếp thu đồng đều cả hai ngôn ngữ, và hiện tại thì con đã phân biệt rất rõ đối tượng nào cần giao tiếp bằng ngôn ngữ gì. Con cũng thể hiện sự chuyển đổi ngôn ngữ một cách tự nhiên thể hiện sự nhận thức của con về ngôn ngữ, đối tượng giao tiếp.


4. Chuyển ngữ giúp mở khóa kết nối giữa các nền văn hóa


Chuyển ngữ không chỉ là về ngôn từ, đó còn là về việc tiếp nhận các nền văn hóa. Trẻ có thể kết nối sâu sắc với di sản văn hoá thông qua tiếp nhận, học về một ngôn ngữ và từ đó hình thành nên những sợi dây kết nối giữa các nền văn hoá khác nhau.


Mình có theo dõi gia đình cô Hoàng Ngọc Đồng An (hiện cô sinh sống tại Thuỵ Sỹ cùng chồng gốc Thuỵ Sỹ và hai cô con gái) từ thời mình còn là sinh viên đến nay cũng gần 10 năm, đây cũng là gia đình đa ngôn ngữ đầu tiên mình biết. Cô Đồng An có hai bé gái tên Camilla ThyThy (hiện khoảng 16 tuổi) và Camilla LyLy (hiện gần 10 tuổi). Theo mình được biết thì cô sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với hai bé hoàn toàn từ khi còn nhỏ, còn tiếng Anh và tiếng Ý thì học từ bố, từ trường học, từ môi trường xung quanh. Điều mình ấn tượng và khâm phục ở cô là sự quyết tâm dạy và duy trì tiếng Việt cho con khi xung quanh không có ai khác nói tiếng Việt. Cô đã gắn tiếng Việt với âm nhạc qua những bài hát, bài thơ…truyền cho con tình yêu tiếng Việt qua văn hoá, phong tục cũng như ẩm thực Việt. Hiện hai con gái của cô có thể sử dụng thành thạo cả 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Ý, hai bạn đặc biệt thích hát những bài hát tiếng Việt. Có thể nói, mình được truyền động lực để đồng hành đa ngôn ngữ cùng con (Việt - Anh - Nhật) khi gia đình mình đang sinh sống ở Nhật chính là từ việc theo dõi gia đình cô Đồng An..


Quá trình chuyển đổi dễ dàng giữa các ngôn ngữ của trẻ không chỉ là một điều kỳ diệu về mặt ngôn ngữ, đó là sự kết nối, tôn vinh bản sắc văn hoá qua ngôn ngữ và sự phát triển nhận thức ở trẻ song ngữ (hay đa ngôn ngữ)! Ba mẹ có thể tạo điều kiện giúp con phát triển kỹ năng chuyển đổi ngôn ngữ bằng cách khuyến khích trẻ, tạo một môi trường nơi cả hai ngôn ngữ đều có cảm giác gần gũi, thân thuộc. 




79 views0 comments
bottom of page