top of page

Hiểu về song ngữ và việc nuôi dạy một em bé song ngữ

Làm cha mẹ, chúng ta hẳn đã quen thuộc với cụm từ: “sách song ngữ”, "trường song ngữ", "chương trình song ngữ". Từ song ngữ ở đây để chỉ: quyển sách được viết dưới hai ngôn ngữ, ngôi trường hay chương trình được dạy và học bằng hai ngôn ngữ. Chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc biết ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Vì thế nên điều gì được gắn với “song ngữ” cũng thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ.


Mong muốn con mình sẽ trở thành người biết ngoại ngữ, có thể nói được hai (hay nhiều) ngôn ngữ là một điều hoàn toàn chính đáng và tốt đẹp mà ta dành cho con. Nhưng với vai trò là cha mẹ, chúng ta nên tìm hiểu kĩ hơn về điều này để có cái nhìn rõ ràng, thực tế cũng như đặt kỳ vọng hợp lý về việc nuôi dạy con thành em bé song ngữ.


Song ngữ là gì và thế nào là người nói song ngữ?


Trong tiếng Anh, từ “song ngữ” là “Bilingual”. Theo định nghĩa của từ điển Cambridge,

"bilingual person is able to use two languages equally well”, tức người song ngữ là người sử dụng tốt hai ngôn ngữ như nhau.


Ảnh: chụp từ từ điển Cambridge


Nếu dựa trên định nghĩa này, nhiều người biết tiếng Anh sẽ không tự tin gọi mình là người nói song ngữ. Bởi chúng ta đều thấy khả năng tiếng Anh của mình không tốt tương đương như tiếng mẹ đẻ.


Cá nhân mình nhận thấy việc đặt ra tiêu chí “phải thành thạo ngôn ngữ thứ hai tương đương như tiếng mẹ đẻ mới được gọi là người song ngữ” là một yêu cầu khá cứng nhắc. Vốn dĩ, việc dùng ngôn ngữ ở mỗi người lại có một mục đích khác nhau tùy vào hoàn cảnh môi trường sống của họ.


Mình tìm hiểu thêm thì thấy có định nghĩa khác cho rằng song ngữ là người có thể giao tiếp bằng hai ngôn ngữ. Đó là trên trang Linguistic society of America.



Và mình ủng hộ cách định nghĩa này. Bởi vì:

Mục đích cơ bản nhất của ngôn ngữ là để giao tiếp.

Nên thay vì đặt áp lực phải thành thạo một ngoại ngữ như người bản ngữ mới được gọi là người song ngữ, thì ta hãy đặt mục tiêu là có thể sử dụng được trong đời sống hàng ngày, trong học tập bằng hai ngôn ngữ.


Và mình cũng hướng con tới việc trở thành người song ngữ theo mục đích đó. Để con nói chuyện được bằng hai ngôn ngữ, hát bằng hai ngôn ngữ, đọc sách bằng hai ngôn ngữ, xem tivi chương trình tiếng Anh mà không cần phụ đề tiếng Việt (phù hợp lứa tuổi), và sau đó lớn hơn, con sẽ học các môn học bằng hai ngôn ngữ và ứng dụng vào cuộc sống từ những gì đã học từ hai ngôn ngữ.


Một người trở thành người nói song ngữ như thế nào?


Có nhiều con đường để ai đó có thể trở thành người song ngữ. Mình có thể tạm phân thành 4 trường hợp như sau:


Trường hợp 1: Môi trường tự nhiên sẵn có làm nên những người nói song ngữ.


Ở các đất nước có 2 ngôn ngữ chính thức, như HongKong có tiếng Trung và tiếng Anh, Canada là tiếng Pháp và tiếng Anh, thì việc người dân nói song ngữ trở thành một điều rất tự nhiên. Bởi ai cũng dùng cả hai tiếng, trẻ em sinh ra nghe thấy xung quanh mình mọi người nói với nhau và nói với em bằng hai ngôn ngữ.


Trường hợp 2: Gia đình có bố mẹ hai quốc tịch nuôi dạy con song ngữ.


Một số khác sống ở các nước đơn ngữ nhưng vẫn là người nói song ngữ bởi được nuôi dạy bằng hai ngôn ngữ từ thời thơ ấu trong gia đình. Họ thường có cha mẹ đến từ hai đất nước khác nhau, nói hai ngôn ngữ với con. Thì em bé sẽ trở thành người song ngữ khi em được bố mẹ duy trì sử dụng cả hai ngôn ngữ ấy cho đến khi lớn lên.


Trường hợp 3: Trở thành người song ngữ do chuyển đến môi trường sống và làm việc bằng ngôn ngữ khác.


Một số khác thì lớn lên với tiếng mẹ đẻ, rồi sau đó học ngôn ngữ thứ hai khi đi du học, sinh sống làm việc ở đất nước khác. Và theo thời gian, do môi trường yêu cầu họ sử dụng nhiều ngôn ngữ thứ hai nên họ dần nói song ngữ. Thậm chí nhiều người trở nên nói tốt ngôn ngữ thứ hai hơn ngôn ngữ mẹ đẻ do họ không sử dụng tiếng mẹ đẻ hàng ngày nữa.


Trường hợp 4: Nỗ lực của bố mẹ tự tạo môi trường song ngữ cho con.


Đây là nhóm mà không có bố mẹ nói hai ngôn ngữ khác nhau, (bố mẹ cùng là người Việt) cũng chỉ sống và học tập ở Việt Nam, nhưng vẫn nói song ngữ, thậm chí nói được song ngữ từ nhỏ. Đó chính là nhờ vào bố mẹ đã tạo môi trường điều kiện để con được tiếp xúc tối đa với hai ngôn ngữ.


Cả 4 trường hợp trên, chúng ta sẽ nhận ra:

Điều kiện cần để bất cứ ai phát triển được 2 ngôn ngữ, đó là môi trường tiếp xúc và sử dụng 2 ngôn ngữ đó.

Bạn đang thấy mình và gia đình đang ở trong trường hợp nào?

Nếu bạn cũng giống mình, ở trường hợp cuối cùng, thì rõ ràng chúng ta đang có ít điều kiện sẵn có nhất so với 3 trường hợp trên. Vì thế, để đạt được mục tiêu song ngữ, bố mẹ và trẻ sẽ cần nhiều sự tập trung và nỗ lực hơn. Bởi vì:

Chỉ có chúng ta mới tạo ra môi trường và mang đến cơ hội song ngữ cho con và cho chính mình.

Vậy các gia đình Việt thường làm gì để giúp con học tốt tiếng Anh và thành người nói song ngữ?


Cách 1: Bố mẹ chỉ dùng tiếng Việt với con, tiếng Anh con sẽ học ở trường (hoặc/và kết hợp học trung tâm, học online), còn ở nhà gần như con không thực hành giao tiếp tiếng Anh với bố mẹ (cách này thường là do bố mẹ mang niềm tin mình không tốt tiếng Anh thì không nên dạy con hoặc không đủ thời gian để đồng hành với con).


Cách 2: Bố mẹ tập trung dùng tiếng Anh với con ở nhà ở giai đoạn 0 - 6 tuổi, còn tiếng Việt con học ở trường mẫu giáo hoặc ở người thân khác, ở hàng xóm xung quanh (cách này dành cho các bố mẹ tốt tiếng Anh hoặc đặt mục tiêu rất cao muốn con tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh ngay từ đầu).


Cách 3: Bố mẹ dùng cả tiếng Việt và tiếng Anh trong gia đình với con, tạo môi trường để con tiếp xúc thực hành cả hai ngôn ngữ (có thể phân chia mỗi người nói với con một ngôn ngữ, hoặc một người dùng cả hai ngôn ngữ với con nhưng quy định thời gian, địa điểm khi nào dùng ngôn ngữ nào).


Dù chọn cách nào thì học ngôn ngữ không thể tính bằng khóa, bằng tháng, hay bằng câu hỏi “Bao lâu sau thì sẽ thành thạo?” mà là: một khi bạn đã coi đó là ngôn ngữ mà bạn muốn sử dụng, thì bạn sẽ tìm cách để sử dụng nó mỗi ngày. Dù ít dù nhiều, sự luyện tập duy trì đều đặn sẽ giúp bạn và con thành người song ngữ từ lúc nào mà bạn chẳng nhận ra. Bạn có đồng ý với mình không?



Nguồn tham khảo:

--------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!


80 views0 comments
bottom of page