top of page

Llama Llama - bộ sách tiếng Anh kinh điển cho trẻ từ 0-3 tuổi

Updated: Mar 19

Cùng Dạy trẻ song ngữ khám phá bộ sách nổi tiếng được lấy cảm hứng từ những chú lạc đà dễ thương và tìm hiểu lý do vì sao bộ sách này lại được các bà mẹ toàn thế giới yêu mến nhé!


Giới thiệu sự ra đời của bộ sách Llama Llama


Anna Dewdney - tác giả của bộ sách là một giáo viên, một người mẹ và là người nhiệt tình ủng hộ việc đọc to cho trẻ nghe (read-aloud). Cô liên tục trau dồi kỹ năng của mình với tư cách là một họa sĩ vẽ tranh minh họa và nhà văn. Và cô đã xuất bản cuốn sách Llama Llama đầu tiên của mình vào năm 2005.




Bộ sách có nhân vật chính là chú lạc đà Llama Llama - đây không phải loài lạc đà bình thường mà là lạc đà không bướu. Lạc đà Llama rất dễ thương và nhỏ xinh. Lạc đà không bướu là loài động vật thông minh, chúng có thể học được một số việc sau vài lần bắt chước.


Tác giả từng chia sẻ với một số tờ báo vào năm 2013 rằng ý tưởng viết câu chuyện này xuất phát từ những chuyến đi bằng ô tô với hai cô con gái của cô. Khi họ đi ngang qua các trang trại và thấy một con vật kỳ lạ mà ban đầu cô và các con tưởng là con bò. Sau đó cô tìm hiểu mới biết đó là loài lạc đà llama.


Trong truyện, chú lạc đà là một đứa trẻ hơi nhút nhát và đôi khi sợ hãi trước những điều mới mẻ. Chú luôn mang theo con thú nhồi bông của mình tên là “Fuzzy dolly llama” đi khắp mọi nơi. 


Giới thiệu cuốn sách điển hình trong bộ Llama Llama


Llama Llama red pajama là cuốn sách điển hình nhất trong series Llama Llama. Đây là câu chuyện kể về việc đi ngủ của bé lạc đà. Llama Llama red pajama đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường" cho cha mẹ để đọc cho những em bé không chịu đi ngủ. 


Em bé Llama được mẹ ôm vào giường, đọc sách và đi ngủ. Nhưng khi mẹ vừa đi khỏi, bé Llama ngay lập tức cảm thấy lo lắng. Những tiếng thút thít nhẹ nhàng của bé chuyển thành tiếng la hét khi mẹ không quay lại ngay. Sau đó, mẹ Llama quay lại giải quyết ổn thỏa mọi chuyện mọi việc.


Câu chuyện phản ánh đúng tâm trạng của các em bé khi bắt đầu ngủ độc lập và nhu cầu muốn được an ủi, vỗ về. Các bé sẽ thấy hình ảnh cũng mình ở trong em bé lạc đà Llama và cha mẹ dường như cũng thấy hình ảnh của mình trong đó. Những tình huống quen thuộc trước giờ đi ngủ. 


Vì sao cuốn sách Llama llama nổi tiếng và được gợi ý nên đọc cho trẻ 0-3 tuổi?


Điều đặc biệt nhất của cuốn sách “Llama Llama red pajama” đó là sách được viết theo lối điệp vần truyền cảm, rất dễ nhớ.


Chúng ta hãy cùng xem tác giả đã viết thế nào nhé. 


Llama, Llama red pajama

waiting, waiting for his mama.

Mama isn't coming yet.

Baby Llama starts to fret.

Baby Llama stomps and pouts

Baby Llana jumps and shouts.

Baby Llama. What a tizzy!

Sometimes mama’s very busy.


Vần điệu chính là những từ cuối cùng của 1 câu được gạch chân. Khi đọc lên sẽ thấy chúng giống nhau ở vần cuối nên dễ nhớ và tạo cảm giác thú vị với trẻ. Những cuốn sách có vần điệu là những cuốn sách để lại ấn tượng sâu qua giai điệu của những vần cứ được lặp đi lặp lại. Những bài thơ, ca dao Việt Nam vẫn còn mãi trong trí nhớ của chúng ta, mặc dù chúng ta đã lớn và học biết bao nhiêu thứ trên đời chính là nhờ sự kỳ diệu của phép tu từ “điệp vần”. 


Với trẻ nhỏ, trí nhớ và sự tập trung của trẻ còn rất hạn chế. Vì vậy mà những câu nói ngắn gọn, lặp đi lặp lại là chìa khoá để trẻ học ngôn ngữ. Để từ đây, chúng ta có thể dễ dàng phổ nhạc và tự sáng tác ra bài nhạc dựa trên những nhịp điệu của những câu nói có vần. 


Tác giả sau này đã phát triển nhân vật Llama Llama thành một series sách xoay quanh cuộc sống của bé Llama Llama.  Nhân vật này còn được chuyển thể thành phim hoạt hình. Sách được chuyển thể thành nhạc, được rất nhiều ca sĩ, người nổi tiếng đọc trên Youtube. 


Tác giả đã qua đời vào năm 2016 nhưng những cuốn sách của cô vẫn còn sống mãi với các bạn nhỏ cùng những ông bố bà mẹ như chúng ta.


Bạn có quan tâm tới những cuốn sách tiếng Anh kinh điển, những cuốn sách nên đọc cho trẻ nhỏ và nên đọc như thế nào? Hãy cùng đến với workshop đầu năm Giáp Thìn 2024 vào ngày 4.3.2024 của Dạy Trẻ Song Ngữ nhé. Mời bạn đăng ký tại đây.


78 views0 comments
bottom of page