top of page

4 câu hỏi thường gặp về dạy trẻ song ngữ, câu số 3 nhiều cha mẹ hay hỏi nhất

Updated: Mar 16, 2023

Có phải trẻ học ngôn ngữ thứ 2 càng sớm (trước 3 tuổi) thì càng tiếp thu tốt hơn? Liệu việc học 2 ngôn ngữ một lúc có làm trẻ bị nhầm lẫn (loạn ngôn ngữ) khi còn đang tập nói tiếng mẹ đẻ? Đó là hai trong số các câu hỏi phổ biến của nhiều bố mẹ khi muốn dạy con song ngữ khi còn nhỏ.


Hy vọng bài viết sau đây sẽ tháo gỡ những băn khoăn và giúp bố mẹ vững tin hơn với quyết định dạy song ngữ Việt - Anh cho con trong giai đoạn 0-5 tuổi.


Câu hỏi 1: Có phải trẻ học ngôn ngữ thứ hai càng sớm sẽ càng tốt?


Câu trả lời là đúng.


Ví dụ với việc dạy ngôn ngữ thứ hai cho trẻ là tiếng Anh. Đối với trẻ sơ sinh và tập đi, khi có cha mẹ hay người chăm sóc thường xuyên nói tiếng Anh với trẻ, khả năng trẻ tiếp nhận tiếng Anh sẽ rất tự nhiên. Khi cha mẹ thường xuyên mô tả lại những hoạt động trong sinh hoạt hay trò chuyện, hát, chơi với trẻ bằng tiếng Anh, cha mẹ sẽ đang tạo ra những giờ học về âm tiết, từ ngữ, cụm từ và câu rất tự nhiên, vui vẻ. Khi ấy trẻ không có cảm giác đang “phải học” một ngôn ngữ mới. Mà trẻ chỉ đơn giản là tiếp nhận điều đang diễn ra từ bố mẹ và môi trường xung quanh một cách tự nhiên.


cau-hoi-thuong-gap-ve-day-tre-song-ngu
Ảnh: Canva

Đến tuổi trẻ đi học (mẫu giáo hoặc tiểu học) việc học ngôn ngữ thứ hai thường diễn ra theo cách khác. Trẻ và cha mẹ thường không còn dành đủ thời gian cho nhau và cho việc học tiếng Anh giống như khi trẻ còn nhỏ. Việc tương tác 1-1 không diễn ra liên tục. Thay vào đó, trẻ tham gia vào một lớp ngoại ngữ, nơi chỉ có một lượng thời gian giới hạn cho việc thực hành, thường từ 90 phút-120 phút/1 lần, từ 1-3 buổi một tuần. Nên xét về yếu tố thời lượng và cả chất lượng tương tác, rõ ràng việc trẻ được tiếp xúc trong môi trường hồi nhỏ với cha mẹ sẽ có điều kiện để tiếp nhận ngôn ngữ tốt hơn.


Tuy nhiên bố mẹ đừng lo lắng nếu trường hợp bé không được tiếp xúc tiếng Anh (hoặc có biết nhưng chỉ tiếp xúc ít) trong giai đoạn 0-5 tuổi. Bởi vì vẫn có nhiều cách để thúc đẩy sự phát triển song ngữ ở con giai đoạn tiểu học. Như là gửi trẻ đến trường song ngữ, hay đến các cộng đồng, câu lạc bộ để con tiếp xúc tối đa với tiếng Anh thông qua giờ học với thầy cô, và lúc chơi với các bạn đồng trang lứa biết nói tiếng Anh. Điều cần thiết là phải tạo cơ hội liên tục để thực hành từng ngôn ngữ và duy trì hứng thú ở trẻ lớn cả ở trường, ở nhà và ở ngoài.


Yếu tố khiến việc học ngôn ngữ thường trở nên chậm hơn theo thời gian là bởi sự thay đổi tuổi tác, tâm lý và môi trường. Trẻ khi đã lớn mà không tìm thấy niềm vui, mục đích để học ngôn ngữ thì rất dễ nản lòng. Nếu phải chịu nhiều áp lực, thì trẻ lại càng khó tiếp nhận hơn.


Tất nhiên không thể phủ nhận những người trưởng thành có động cơ đủ mạnh, kiên trì, tìm ra phương pháp học thích hợp với bản thân thì không bao giờ là muộn để học một ngôn ngữ mới.


Câu hỏi 2: Trong gia đình, có cần thiết phân chia một người nói tiếng Anh, một người nói tiếng Việt thì con mới nói được song ngữ?


Phương pháp tiếp cận “một người một ngôn ngữ” là một trong những cách thức phổ biến nhất được áp dụng để dạy con song ngữ, nhưng không phải là cách duy nhất hay bắt buộc.


cau-hoi-thuong-gap-ve-day-tre-song-ngu
Ảnh: Canva


Trong những gia đình mà mỗi phụ huynh dành thời gian cho con như nhau, việc bố nói tiếng Việt còn mẹ nói tiếng Anh với con có thể là một cách tuyệt vời để đảm bảo sự tiếp xúc bình đẳng hai ngôn ngữ. Nhưng nếu bố chỉ có rất ít thời gian ở cạnh con so với mẹ, mà gia đình áp dụng phương pháp mỗi người một ngôn ngữ thì thời lượng con tiếp xúc với tiếng Việt lại quá ít. Điều này dẫn đến việc phát triển không đồng đều ở hai ngôn ngữ.


Bên cạnh đó, bản thân mình (và nhiều mẹ mình đọc được) đều thấy rằng: mặc dù bản thân nói tiếng Anh thành thạo nhưng vẫn thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với con bằng cả tiếng Việt - bởi dù sao tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Vì vậy, mặc dù mẹ là người sẽ dạy con tiếng Anh nhưng không có nghĩa là mẹ không nên nói tiếng Việt với con.


Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Krista Byers-HeinleinCasey Lew-Williams, là hai giáo sư có nhiều nghiên cứu về song ngữ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Mỹ, những đứa trẻ nghe cả hai ngôn ngữ từ cùng một phụ huynh vẫn có thể nói được cả hai thứ tiếng một cách thành thục, chỉ cần con có môi trường tương tác đủ thời lượng cân bằng cho cả hai.


Như ở nhà mình, vì chỉ có mình chăm sóc con là chính, nên mình đảm nhiệm việc dạy con cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đến nay, Cá đã gần 35 tháng, về tiếng Việt con đã nói được một câu dài 8-9 tiếng, như “Bố đi làm còn hai mẹ con ở nhà”. Và thể hiện rõ ràng nhu cầu mong muốn, cảm xúc của mình bằng những câu liên tiếp: "Mẹ đâu rồi? Mẹ vào đây với con. Con muốn ngồi lòng mẹ”. Còn về tiếng Anh, do thời lượng tiếp xúc ít hơn, nên Cá mới nói được các câu đơn lẻ như: "It's red", "What color do you like?", "I want to read book". Vì Cá giờ đã đi học mẫu giáo nên ở lớp con có cô giáo dạy tiếng Việt cho, nên mình đang điều chỉnh thời lượng nói tiếng Anh với con tăng lên khi ở nhà.


Câu hỏi 3: Học song ngữ sớm sẽ khiến trẻ nói lẫn lộn 2 ngôn ngữ?


Cha mẹ khi dạy tiếng Anh cho con từ sớm (trước 3 tuổi) thường vấp phải lo lắng là trẻ sẽ nhầm lẫn, nói tiếng nọ chêm lẫn từ tiếng kia. Hoặc thậm chí nhiều người nghĩ rằng con chậm nói tiếng mẹ đẻ là do học cùng lúc 2 ngôn ngữ.


Thực tế, chưa có một bằng chứng khoa học nào chỉ ra rằng việc học song ngữ ở giai đoạn đầu đời sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.


Các nhà khoa học giải thích rằng việc trẻ dùng lẫn hai ngôn ngữ trong một câu là một phần tất yếu trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Một lý do chính đáng dẫn đến thói quen này là trẻ đang lặp lại những gì trẻ nghe được từ xung quanh. Cụ thể, vì người lớn cũng nói lẫn hai ngôn ngữ trong một câu, nên trẻ con bắt chước như vậy. (Vậy nên bố mẹ đừng nói lần tiếng Anh tiếng Việt kiểu: "Mẹ có apple này, banana này" thì con sẽ rất khó nói hoàn chỉnh 1 câu bằng tiếng Việt hay tiếng Anh vì con sẽ bị rối).


cau-hoi-thuong-gap-ve-day-tre-song-ngu
Ảnh: Canva


Lý do thứ hai cho hiện tượng trộn ngôn ngữ ở trẻ là vốn từ vựng còn hạn chế trong những năm đầu đời. Ví dụ khi bé không tìm ra một từ phù hợp để diễn tả ngay lúc đó, bé sẽ có xu hướng dùng từ ở ngôn ngữ khác mà bé nhớ được. Khi trẻ song ngữ có đủ từ vựng cần thiết sẽ không sử dụng hai ngôn ngữ một cách lộn xộn.


Một em bé hai tuổi được dạy hai ngôn ngữ Việt- Anh từ nhỏ một cách nhất quán, sẽ có khả năng chuyển ngữ linh hoạt với người mà em đang nói chuyện cùng. Nếu bạn theo dõi gia đình youtuber Alex D và bé Annie, bạn sẽ thấy khả năng chuyển ngữ của bé rất tự nhiên. Khi bố Annie nói chuyện với em bằng tiếng Anh, em sẽ trả lời bằng tiếng Anh. Còn khi em nói chuyện với mọi người xung quanh thì em vẫn dùng tiếng Việt mà không bị nhầm lẫn. (mình sẽ để link kênh youtube và facebook của gia đình Annie ở dưới để mọi người tiện theo dõi).


Cá nhà mình cũng đang trải qua giai đoạn nói lẫn lộn 2 tiếng: “mẹ ơi, fish” (đáng ra con sẽ nói "mommy, fish"). Vì đã đọc các bài viết nghiên cứu về vấn đề này nên mình yên tâm là sau một thời gian nữa khi có nhiều thời gian tương tác cả 2 ngôn ngữ hơn, con sẽ không còn nói lẫn lộn.

Vì thế, cách đơn giản nhất để giảm thiểu tối đa việc nói lẫn lộn 2 ngôn ngữ (loạn ngôn ngữ) của trẻ là cha mẹ không chêm từ tiếng Anh khi đang nói tiếng Việt. Đã dùng ngôn ngữ nào trong 1 đoạn hội thoại, thì chỉ dùng ngôn ngữ đó.

Câu hỏi 4: Nếu không thể nói tiếng Anh 100% toàn thời gian với con, bố mẹ nên sử dụng những chiến lược ngôn ngữ nào đối với trẻ?


Sau đây là 3 chiến lược được gợi ý từ 2 cuốn sách “Dạy con song ngữ” tác giả Lan Hương và “Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng” tác giả Phương Đặng.

  • Chiến lược địa điểm: Hãy phân chia một ngôn ngữ luôn dùng ở nhà, một ngôn ngữ để giao tiếp bên ngoài. Hoặc bố mẹ đưa ra quy tắc: vào phòng ngủ, phòng đọc sách sẽ chỉ nói tiếng Anh, ở các phòng khác chúng ta sẽ dùng tiếng Việt.

  • Chiến lược khung thời gian: Hãy chọn ra khoảng thời gian gắn với những hoạt động cố định trong ngày mà bạn sẽ nói tiếng Anh với con. Ví dụ: khi đọc truyện cho con trước giờ đi ngủ, trong bữa ăn, hay giờ tắm gội…

  • Chiến lược sử dụng những công cụ hỗ trợ: sách có kèm phát âm, tắm ngôn ngữ qua nghe loa, băng đài, audio kể chuyện…

Nhà mình cũng đang áp dụng cách thức nói tiếng Anh theo khung thời gian vào các giờ chơi với Cá, giờ đọc truyện, hoặc khi cùng con xem 1 video ca nhạc, thì mình sẽ tận dụng những chất liệu, hoạt động liên quan để nói hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cá rất thích làm theo các động tác trong bài hát và hát theo. Mình cũng nhận ra con sẽ ghi nhớ được từ vựng tốt hơn khi nghe qua câu chuyện. Sau một vài lần đọc, con đã có thể chỉ vào bức tranh và nói ra từ vựng tên gọi của con vật hay màu sắc trong hình.


Lưu ý: Nên duy trì thời lượng mỗi lần nói tiếng Anh cùng con là ít nhất 15 phút liên tục, khi ấy bố mẹ cố gắng không dùng xen lẫn tiếng Việt. Và một ngày con nên có tổng thời gian tiếp xúc với tiếng Anh ít nhất là 60 phút/ngày để con có đủ chất liệu đầu vào trước khi có thể giao tiếp.


P/S: Mặc dù trọng tâm của blog này là về phát triển song ngữ, nhưng mình biết thời thơ ấu là thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con về cả thể chất, nhận thức, tình cảm và kỹ năng xã hội. Việc dạy trẻ song ngữ là một ưu tiên hoặc một điều cần thiết đối với một số gia đình. Mình cũng hiểu một số gia đình khác có thể chọn tập trung vào các khía cạnh khác trong sự phát triển của con ở giai đoạn 0-5 tuổi. Nên bạn không cần phải cảm thấy có lỗi nếu không dạy con tiếng Anh trong giai đoạn này. Hãy cứ làm điều gì bạn cho là phù hợp nhất cho con và cho bạn.


Hồng Thủy (Mẹ Cá)



Kênh Youtube của gia đình anh Alex.D: https://www.youtube.com/@AlexDMusicInsight


-----------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!


97 views0 comments
bottom of page