top of page

4 cuốn sách giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về cách thức dạy con song ngữ Anh - Việt

Updated: Apr 8, 2023

Bạn là một người đã tìm hiểu, tham khảo các hội nhóm về cách giúp con học tốt tiếng Anh từ nhỏ nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng?

Bạn luôn tự hỏi có cuốn sách nào viết tất cả chi tiết về việc này không?

Sau đây sẽ là 4 cuốn sách của 4 tác giả Việt mà mình đã nghiền ngẫm và học được rất nhiều điều bổ ích để áp dụng cho việc học tiếng Anh của Cá.



Đây là quyển ra đời sớm nhất trong 4 quyển về chủ đề giúp con học tốt tiếng Anh của tác giả là mẹ Việt (xuất bản 2016). Dù được viết 7 năm trước nhưng mình thấy các kiến thức thông tin trong sách vẫn đúng và hữu ích cho đến nay.


Dù ra trước nhưng đây lại là quyển dày nhất, nhiều thông tin nhất, bao quát nhiều nhất các vấn đề về việc học tiếng Anh của trẻ và cách dạy trẻ tiếng Anh ở nhà (dành cho ba mẹ biết tiếng Anh).

Về tác giả: Tác giả Phương Đặng không xuất thân từ một giáo viên tiếng Anh, mà tốt nghiệp ngành nghệ thuật từ một trường ĐH ở Mỹ. Nhưng khi có con, tác giả dành tâm huyết cho việc giáo dục trẻ nói chung và cách dạy 2 thứ tiếng song song cho trẻ nhỏ. Cuốn sách là những đúc rút của chị sau nhiều năm đồng hành giúp hai con gái của mình nói tốt tiếng Anh như tiếng Việt lúc bé 5 tuổi. Nhưng không chỉ là những kinh nghiệm bản năng mà để viết cuốn sách này, tác giả Phương Đặng còn kết hợp thông tin từ những nghiên cứu nước ngoài chính thống với những dẫn chứng thuyết phục.




Đối tượng phù hợp với cuốn sách:

- Một chút cảnh báo: cuốn sách rất dày gần 400 trang, nhiều chữ, ít hình minh họa, ai không thích đọc nhiều thì rất khó vì ngại. Dù ra đời sớm nhất trong 4 quyển, đây lại là quyển dày nhất, nhiều thông tin nhất, bao quát nhiều nhất các vấn đề về việc học tiếng Anh của trẻ và cách dạy trẻ tiếng Anh ở nhà (dành cho ba mẹ biết tiếng Anh).


- Theo như lời của ban biên tập Nhã Nam thì:

  • Nếu ba mẹ giỏi tiếng Anh, cuốn sách sẽ là giáo trình thú vị để áp dụng ngay với con.

  • Nếu ba mẹ khá tiếng Anh, đây là tài liệu hữu ích để biết cách song hành hỗ trợ con ở nhà học tiếng Anh.

  • Nếu ba mẹ tự ti là tiếng Anh của mình không tốt, cuốn sách sẽ là liều thuốc tăng cường tự tin và tăng kết nối của cha mẹ với con trong cả tiếng Anh và lĩnh vực khác.


Câu chuyện dạy con tiếng Anh ở nhà của tác giả:

Gia đình có bố mẹ đều là người Việt, cả nhà sống tại Việt Nam, môi trường xung quanh không có nhiều người nước ngoài, cũng không đi học mẫu giáo (hai bé ở nhà với mẹ - homeschooling).


Bé thứ nhất được mẹ trò chuyện bằng tiếng Anh lúc 14 tháng, trước đó chỉ tiếp xúc tiếng Việt. Bé thứ hai thì tiếp xúc khi mới sinh, chủ yếu là do bé lớn nói tiếng Anh với em, mẹ không còn phải kèm nhiều. Đây cũng là một mẹo mà tác giả hay nói nửa đùa nửa thật: tập trung đầu tư thời gian 3 - 4 năm đầu cho bạn lớn, để bạn lớn nói tốt tiếng Anh thì đến lúc có bạn thứ 2 mẹ không cần dạy nữa, vì 2 chị em tự chơi tự học từ nhau.


=> Trường hợp này là mẹ tốt tiếng Anh nên chủ động tạo môi trường nói tiếng Anh ở nhà, kèm thêm việc đọc sách truyện tiếng Anh. Khi hai bé lớn hơn 3 tuổi thì các bạn được xem hoạt hình Peppa pig (chỉ xem khi các bạn đã có nền tảng nghe nói giao tiếp rồi, có thể hiểu ít nhiều khi xem). Khi xem có mẹ ngồi cùng để đảm bảo các bạn xem nội dung phù hợp và hiểu những gì trong phim (nếu bé không hiểu có mẹ gợi ý trao đổi).


2. “Mẹ Việt giúp con học tốt tiếng Anh” tác giả Nguyễn Hương Giang


Xuất bản năm 2017, cuốn sách kể lại cách học tiếng Anh của trẻ tiểu học trong thời kì 2011 - 2013 nên có những điều về bối cảnh không giống bây giờ. Tuy nhiên, về triết lý học tiếng Anh của trẻ thì vẫn có những nét tương đồng với cuốn "Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng".


Đó là: Cách học tốt nhất là cho trẻ tiếp xúc tiếng Anh tự nhiên qua đọc sách, truyện, thơ tiếng Anh, xem phim hoạt hình tiếng Anh (có mẹ ngồi xem cùng).


Còn điểm khác nhau lớn nhất của cuốn này so với cuốn "Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng" là tác giả chỉ dạy con tiếng Anh khi con trên 6 tuổi.


Cuốn sách khá mỏng, mỏng nhất trong 4 cuốn (chỉ với 90 trang), nên có thể dễ đọc nhất. Sách không đi vào phân tích chi tiết các vấn đề về học tiếng Anh ở trẻ nhỏ, mà kể lại hành trình của ba mẹ con tác giả. Hành trình học tiếng Anh của 2 bạn tại Việt Nam (½ dung lượng sách) và hành trình khi học tập sinh sống bên Mỹ (½ nội dung còn lại). Lúc cả nhà tác giả sang Mỹ là con lớn học lớp 5, con bé học lớp 3 . Nên những ba mẹ quan tâm việc cho con đi du học từ trung học thì đọc cuốn này sẽ có thêm kinh nghiệm bổ ích.


Về tác giả: Tác giả Nguyễn Hương Giang là giảng viên khoa tiếng Anh chuyên ngành của ĐH Ngoại Thương, rồi trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại khoa Giáo dục của một trường tại Mỹ. Nên nói về kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh thì chị có rất nhiều. Nhưng chị lại là một trong số ít những cô giáo không dạy tiếng Anh cho con từ nhỏ (trước 6 tuổi). Lý do chị đưa ra là bạn lớn nhà chị bị nói ngọng, nói chậm tiếng Việt nên chị muốn từ 2 - 5 tuổi tập trung cho con thật tốt tiếng Việt trước đã. Khi con 6 tuổi chị mới thực sự “kèm” 2 bạn một cách có kế hoạch bài bản.


Câu chuyện dạy con tiếng Anh ở nhà của tác giả:

- Hàng ngày chị đọc truyện tiếng Anh cho con trước khi đi ngủ, chọn cuốn tiếng Anh gốc (không dùng sách song ngữ vì không muốn con đọc bản dịch tiếng Việt - do các bạn đã lớn, đã biết đọc tiếng Việt).

- Cho con nghe băng đĩa tiếng Anh, xem phim hoạt hình trên Cartoon Network (thời 2011 nên không có nhiều kênh như bây giờ).

- Học theo giáo trình Family and friends từ lớp 2 đến hết lớp 5.

- Hàng ngày hai bạn có 1 giờ dành riêng cho việc trò chuyện tiếng Anh cũng mẹ.

Tác giả “kèm” con như vậy trong 3 năm, đến khi bạn lớn lớp 5 thì cả nhà sang Mỹ, và tiếng Anh của 2 bạn hoàn toàn bắt kịp với chương trình bên đó, thậm chí còn đạt thành tích cao.


Sách phù hợp với ai? Các ba mẹ tốt tiếng Anh và chỉ muốn con học tiếng Anh khi vào tiểu học có thể làm theo cách của tác giả. Bởi theo những tìm hiểu của tác giả, tiểu học là thời điểm tốt để trẻ phát triển mạnh mẽ về tiếng Anh.


Có thể bạn quan tâm:



3. “Đồng hành cùng con học tiếng Anh” - Tác giả Thủy Đỗ


Cuốn sách được viết năm 2019, cũng bởi 1 tác giả Việt có nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Anh và làm việc các trường học quốc tế ở Hồ Chí Minh - Chị Thủy Đỗ (hay Thủy Tulip).


Sách dành cho cha mẹ Việt có con từ 3 - 12 tuổi đang mong muốn phát triển tiếng Anh cho con đúng cách. Ngay từ tên sách đã toát lên tinh thần của sách: “đồng hành”. Tức là, theo tác giả, dù bạn theo trường phái gửi con đi học trung tâm hay muốn tự dạy con tiếng Anh ở nhà, thì đều sẽ tìm thấy điều bổ ích trong sách, nếu bạn chịu bỏ thời gian đồng hành với con. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh việc cha mẹ nên rèn cho con các kĩ năng tự học, kĩ năng ngồi bàn học, tập trung, chú ý … trước khi bước vào hành trình học tiếng Anh.


Cái hay là sách phân ra cụ thể với cha mẹ giỏi tiếng Anh, cha mẹ biết tiếng Anh và cha mẹ không biết tiếng Anh thì nên đồng hành với con thế nào theo từng độ tuổi của con (dưới 3 tuổi, từ 3-6 tuổi, 6- 8 tuổi, 8 - 10 tuổi, khi trẻ chuyển sang cấp 2.)


Tác giả thậm chí còn liệt kê chi tiết sự khác nhau trong yêu cầu của trường công lập, trường tư, trường song ngữ, trường quốc tế và các kì thi tiếng Anh phổ biến ở Việt Nam mà cha mẹ cần biết đề đồng hành cùng con.


Về cách giúp con học tiếng Anh ở nhà dành cho ba mẹ không tốt tiếng Anh, tác giả gợi ý rằng:

- Trước 3 tuổi nên cho con nền tảng tiếng Việt tốt, rồi rèn kĩ năng ngồi bàn học.

- Sau 3 tuổi đến 7 tuổi bắt đầu giới thiệu tiếng Anh bằng cách cho con học theo tài khoản Razkids-plus. Raz- plus là tài khoản học online dạy chữ có kèm auido, sách, worksheet để in ra.

- Một số giáo trình dành cho trẻ mẫu giáo mà tác giả gợi ý là: Tiny talk, Gogo loves English, Little Island…

- Một số giáo trình dành cho học sinh tiểu học: Family and friends, Let’s go (đây cũng là giáo trình nhiều trung tâm ở Việt Nam cho trẻ học).


Lời khuyên của tác giả Thủy Đỗ cho các bố mẹ không tốt tiếng Anh mà muốn hỗ trợ con tự học thì cần cho con học lần lượt theo thứ tự cả bộ giáo trình, học trọn vẹn cả bộ không nên bỏ ngang. Và điều này sẽ cần sự kiên nhẫn chịu khó bỏ thời gian tìm tòi của bố mẹ. Vì dù bố mẹ không tốt tiếng Anh nhưng vẫn phải biết cách để tìm tài liệu, in ra cho con, tải file audio cho con nghe, và chịu khó ở bên con khi con học thì con mới học được. Chứ bố mẹ lười, ngại học cùng con thì cũng không có cách nào giúp được ^^.


4. “Dạy con song ngữ thực hành” tác giả Trần Lan Hương


Nếu như bạn muốn tìm một cuốn sách khuyến khích cha mẹ hoàn toàn có thể dạy tiếng Anh cho con ở nhà giai đoạn 0 - 6 tuổi thì cuốn sách “Dạy con song ngữ thực hành” của tác giả Trần Lan Hương sẽ là cuốn rất thích hợp với tinh thần đó.


Cuốn sách như "cầm tay chỉ việc" cho ba mẹ, tập trung nêu rõ bố mẹ cần nói gì, chơi gì, tương tác thế nào với con trong từng hoàn cảnh quen thuộc. Trong sách có sẵn mẫu câu, danh sách từ vựng theo tình huống. Chỉ cần bạn biết tiếng Anh cơ bản, có thể nghe file đọc mẫu và phát âm theo được là có thể dùng cuốn này để thực hành nói tiếng Anh với con hàng ngày. Rất tiện lợi cho các bố mẹ không có thời gian tự nghĩ ra đoạn hội thoại.


Vì con ba mẹ có thể gánh được tất cả, kể cả tiếng Anh” - đó chính là slogan của sách để cổ vũ ba mẹ học tiếng Anh cùng con. Tức là tác giả khuyến khích ba mẹ nếu muốn dạy con tiếng Anh mà bản thân chưa tốt tiếng Anh, thì hãy học cho mình trước. Học để cải thiện phát âm và trau dồi từ vựng, khả năng giao tiếp của mình, sau đó sẽ tự tin dạy con.


Về tác giả Trần Lan Hương: chị là thạc sĩ ngành Giáo Dục tại Đại Học Queensland, Úc – và chị cũng có 1 em bé tên Mỡ mà chị dành rất nhiều tình yêu và tâm huyết từ việc dạy con và hỗ trợ các bố mẹ khác.


Có một phần nữa mình tâm đắc trong cuốn thực hành này là phần mô tả 8 kỹ thuật tương tác với trẻ:

  • Đưa ra lựa chọn cho trẻ (choices)

  • Làm mẫu cho trẻ (modelling)

  • Lặp lại nhiều lần 1 từ (repetition)

  • Sử dụng ngữ điệu giọng nói lên xuống như hát (sing-song voice)

  • Khen ngợi nỗ lực của trẻ (praise efforts)

  • Nói và chỉ vào vật (point and tell)

  • Để bé làm chủ việc học (babylead)

  • Thời gian chờ đợi con phản hồi (wait time)

Các kĩ thuật trên không chỉ hiệu quả với việc giúp trẻ học tiếng Anh tự nhiên, mà ngay trong giao tiếp sinh hoạt thường ngày bằng tiếng Việt cũng có thể áp dụng để tương tác với con hiệu quả hơn. Mình sẽ chia sẻ về các kĩ thuật này một cách chi tiết hơn trong các bài viết sau.


Kết lại, dù có những quan điểm khác nhau về thời điểm cho trẻ học tiếng Anh, điều mà 4 cuốn sách hướng đến đó là để con học tốt, nói tốt tiếng Anh thì con cần được làm quen, được tiếp xúc hàng ngày với tiếng Anh, cần được rèn thói quen học tập đều đặn và sự yêu thích với ngôn ngữ. Và các con không thể tự làm được điều đó mà không có sự đồng hành ĐÚNG CÁCH của cha mẹ.


----------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!

223 views0 comments
bottom of page