top of page

Cách mình đã giúp con học nói tiếng Anh ở giai đoạn 0 - 3 tuổi

Updated: May 19, 2023

"Bé 2 tuổi - 3 tuổi nên bắt đầu học tiếng Anh từ đâu?" hay "Xin lộ trình học tiếng Anh cùng con từ bắt đầu". Đây là câu hỏi mà mình nhìn thấy nhiều nhất từ các mẹ trong những hội nhóm học tiếng Anh mà mình tham gia.


Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách mình áp dụng cho Cá để con bắt đầu học tiếng Anh một cách tự nhiên. Mình tích góp từ thực tế đồng hành cùng con + nằm vùng các group + follow người có kinh nghiệm + tự đọc sách/website nước ngoài về dạy con song ngữ + tham gia khóa học được cô giáo có chuyên môn hướng dẫn.


Những gì mà mình chia sẻ sau đây sẽ phù hợp với các bố mẹ có mục tiêu: con có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, tự tin trong giai đoạn mẫu giáo, con sẽ tiếp cận tiếng Anh như một ngôn ngữ song song với tiếng Việt chứ không phải môn học.


Và điều này cần ở bố mẹ:

+ Có thời gian cho con, sẵn sàng học cùng con ít nhất 30 phút/ngày cho tiếng Anh.

+ Không muốn để con phụ thuộc quá vào phần mềm, app vì có thể con sẽ mê xem, đòi sử dụng thiết bị điện tử nhiều. Mà việc xem nhiều sẽ hại mắt, giảm độ tập trung.

+ Kiên nhẫn, không nóng vội, duy trì được hàng ngày. (Vì học ngôn ngữ không thể vội).


Vậy mình đã cùng con học tiếng Anh như thế nào khi con dưới 3 tuổi?


Mình tạm chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn một: làm quen, con chỉ tiếp nhận tiếng Anh để hiểu và ghi nhớ. Giai đoạn thứ 2, con biết phản xạ lại, tương tác với mẹ - mình tăng cường và thực hiện các phương pháp một cách bài bản, có lộ trình hơn.


Giai đoạn 1: Mình bắt đầu cho con làm quen tiếng Anh qua việc nghe loa, nghe mẹ nói và đọc truyện.


Về lý thuyết hẳn nhiều bố mẹ cũng biết thứ tự học các kĩ năng tiếng là: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Quan trọng nghe thì nghe gì và như thế nào? Chúng ta sẽ mổ sẻ câu hỏi này theo 5W1H (why, what, when, where, how, who).


Why: tại sao lại là cần “nghe” trước tiên?


Cho con nghe tiếng Anh để con được quen dần âm thanh, ngữ điệu của ngôn ngữ đó. Vì tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau rõ nét về ngữ điệu, nên muốn có cách phát âm, cách nói chuyện tự nhiên thì càng cần nghe đúng và nhiều. Nghe cũng để nạp input (đầu vào) cho con. Cũng như học tiếng Việt, con có khoảng thời gian nghe ông ba bố mẹ nói chuyện, tương tác hàng ngày thì đến lúc nghe đủ (vào giai đoạn khoảng một tuổi, có thể có bé sớm hơn hoặc lâu hơn) con mới có “vốn” để nói ra được.


Ảnh: Hồng Thủy


What: nghe cái gì?


Với trẻ em ở độ tuổi nhỏ 1 - 2, nghe bài hát tiếng Anh là cách dễ dàng nhất để thu hút. Và bố mẹ cũng hát theo được, hiểu được nội dung. Bài hát có nhịp điệu, giai điệu, lời thường ngắn gọn, lặp lại, dễ nhớ, vui tươi.


Mình cho Cá nghe bài hát tiếng Anh lúc Cá khoảng 6 tháng tuổi (nghe chứ không xem hình). Nghe qua loa, qua giọng hát của mẹ. Các kênh như: Super Simple songs, Coco Melon, Pinkfong.


Kênh youtube của Super Simple Songs

Kết hợp với nghe bài hát, bé nhà mình cũng nghe mẹ nói và nghe mẹ đọc sách truyện cho. Với các bố mẹ có vốn từ vựng cơ bản, mình khuyến khích nên đọc sách cho con. Sách truyện cho trẻ 0 - 3 tuổi đơn giản lắm. Nhà mình đã áp dụng như thế khi Cá 6 tháng. Cá được làm quen sách sớm (trong bụng mẹ thì nghe sách tiếng Việt trước) nên sau ra Cá ra đời, việc đọc hàng ngày cho con bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trở thành thói quen.


When: nghe khi nào?


Nghe bài hát bất cứ khi nào con thức, con chơi (trừ lúc ăn, lúc mình nói chuyện, đọc truyện cho con). Mục đích nghe giai đoạn đầu để cảm nhận âm thanh giai điệu, giới thiệu với con một ngôn ngữ chứ chưa phải mục đích nghe để hiểu.


Nghe mẹ đọc thì thường sẽ là trước khi đi ngủ. Bạn có thể chọn khung giờ khác phù hợp, nhưng với mình trước khi đi ngủ là lúc dễ thực hiện nhất việc đọc cho con.


Where: nghe nguồn ở đâu?


Youtube là một nguồn nghe tuyệt vời và miễn phí. Nhưng mình đọc được nghiên cứu rằng: với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, âm thanh qua thiết bị không hấp dẫn trẻ bằng giọng nói trực tiếp của mẹ hay những người gần gũi trẻ nhất. Nên khuyến khích trước 1 tuổi thì bố mẹ hãy hát, hãy đọc truyện cho con, tốt hơn nữa thì bố mẹ nói với con bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Điều này sẽ có tác động đến trí não của con tốt hơn là con chỉ nghe qua thiết bị. Không âm thanh từ chương trình gì hay bằng giọng nói của bố mẹ!


Ảnh: Hồng Thủy


Who: nghe với ai?


Bạn có thể bật loa cho trẻ nghe một mình trong lúc bạn bận, còn trẻ chơi tự do. Tốt hơn thì bố mẹ nên tham gia cùng với trẻ khi nghe và khi xem. Tương tác với bố mẹ sẽ giúp con ghi nhớ những gì đang nghe/xem tốt hơn và con chỉ nghe một mình.


How: nghe như thế nào?


Thật ra 5W phía trên đã cung cấp gần đủ thông tin rồi. Chỉ còn một điều mình muốn nhấn mạnh, trẻ dưới 2 tuổi thì không nên nhìn vào màn hình (bất kể màn hình to). Sau 2 tuổi thì có thể cho xem video của bài hát đó được rồi nhưng nên chú ý: con nghe xem gì thì phải tương tác với con cái đó để con nhớ và tập sử dụng. Chứ chỉ nghe không thì mới là học thụ động, con không sử dụng được.


Giờ đến việc vận dụng từ nghe bài hát để hát theo những gì đã nghe, làm theo hoạt động trong bài hát và nói theo nội dung bài hát.

Ví dụ: bài hát baby shark - bài hát quốc dân của mọi nhà. Bạn xác định là bạn chỉ cần cho con hiểu từ “baby shark”, “mommy shark”“daddy shark” là thành công. Khi bạn cho con xem video, bạn chỉ vào con và nói “you are baby shark”, momy shark bạn chỉ vào bạn, daddy shark bạn chỉ vào chồng. Rồi làm động tác theo video. Cứ lặp lại như vậy, không mở tivi, mà chỉ có nghe loa rồi hai mẹ con hát theo, là dần dần con hiểu các khái niệm đó.


Đó là cách mình đã cho Cá bắt đầu để có những từ vựng đầu tiên, để hiểu ngoài tiếng Việt, con đang được ở trong một môi trường ngôn ngữ khác. Và nó cũng thú vị, vui vẻ với con.


Giai đoạn 2: Sau khi con bắt đầu nói được thì tiếp tục thế nào để phát triển kĩ năng nghe nói lên cao?


Sau hơn 1 năm tự mày mò, bé nhà mình cũng đã nói được khá nhiều từ vựng và thực hiện theo những lời mệnh lệnh của mẹ. Để 2 mẹ con học cách tương tác với nhau bài bản hơn, có hệ thống hơn, mình đã tìm đến khóa học "Dạy con song ngữ" của trung tâm Ms Thơ Online. Vì mình quan điểm, cái gì mình mày mò lâu quá, cảm thấy thiếu động lực duy trì hàng ngày thì đi tìm sự trợ giúp, hoặc tìm cộng đồng cũng có chung chí hướng. Chứ không cần tỏ ra ta phải tự làm một mình, tự dạy con một mình. Có câu nói “Cần đến cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ" mà.


Trong khóa học Dạy con song ngữ, mình có 20 giờ chia thành 20 buổi lên lớp học trực tuyến với giáo viên để được chỉnh phát âm và hướng dẫn cách tương tác với con. Sau đó 2 mẹ con sẽ luyện tập ở nhà qua 3 hoạt động chính:

- Đọc truyện: theo bộ Biscuit (I can read) - Hát theo video: mỗi bài học là một bài hát để luyện âm.

- Các hoạt động giải trí phong phú: cắt dán, tô màu, vẽ tranh ....


3 tháng thực hành theo khóa học đã thay đổi mình rất nhiều trong việc tương tác bằng tiếng Anh với con. Để mình tự tin sau khi kết thúc khóa học có thể chia sẻ với bạn bè mình về những gì hai mẹ đang làm.


Suy cho cùng, xác định muốn học cùng con 2 ngôn ngữ thì không có lộ trình nào dễ dàng hay nhanh chóng cả. Đồng hành cùng con trong tiếng Anh hay trong bất cứ việc học nào cũng đều cần ở bố mẹ kiên nhẫn, chịu khó, kỷ luật.


Sau cùng, mỗi em bé lại có một tính cách sở thích phong cách học tập riêng, mỗi bố mẹ có một quan điểm nuôi con riêng, hoàn cảnh sống cũng khác nhau. Chúng ta có thể tham khảo phương pháp này, lộ trình kia. Chỉ cần khi áp dụng, thực hành ta có sự quan sát con, quan sát mình để tìm ra cách nào phù hợp nhất cho con mình. Và không ngại thay đổi.


Tóm lại, bé nhỏ dưới 3 tuổi thì học tiếng Anh bắt đầu từ đâu? Đây là câu trả lời của mình: Nghe loa rồi xem video bài hát + đọc sách tranh đơn giản cùng bố mẹ + bố mẹ tương tác hàng ngày dựa trên những gì con đã nghe, xem và đọc. Đặc biệt là yếu tố cuối cùng.



Tham khảo loa tắm ngôn ngữ tại:


Bạn có thể chọn mua hàng qua link để ủng hộ chúng mình có thêm điều kiện duy trì và phát triển blog nhé!


--------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!

125 views0 comments
bottom of page