Trong mini game ngày Tết thiếu nhi vừa qua, cộng đồng Dạy trẻ song ngữ chúng mình đã có một hoạt động mẹ đọc sách tiếng Anh cho con. Khi quan sát các mẹ đọc sách, mình rút ra được rất nhiều điều thú vị. Cảm ơn các mẹ đã truyền cảm hứng để mình viết bà blog này.
Sau đây mình xin gửi đến các mẹ chi tiết những mẹo mẹ có thể sử dụng khi đọc sách tiếng Anh, để việc đọc vừa vui lại vừa giúp con tiếp thu ngôn ngữ Anh một cách tự nhiên.
8 mẹo đó là:
Tip số 1: Đọc to, chậm rãi, rõ ràng
Tip số 2: Đọc truyền cảm
Tip số 3: áp dụng kỹ thuật "Point & Say" (chỉ tay và đọc từ)
Tip số 4: áp dụng kỹ thuật “Repetition” (Lặp lại)
Tip số 5: áp dụng kỹ thuật "Modelling" (Mô phỏng/làm mẫu)
Tip số 6: áp dụng kỹ thuật "Baby-led" (Dẫn dắt theo sở thích của trẻ)
Tip số 7: Sử dụng 100% tiếng Anh khi đọc sách cho con
Tip số 8: Tạo liên kết giữa những gì đã đọc với cuộc sống hàng ngày
Giờ mình sẽ đi vào chi tiết từng mẹo nhé.
Tip số 1 (và cũng quan trọng nhất) - đọc to, chậm rãi, rõ ràng
Mẹ có thể phát âm không chuẩn 100% như người bản ngữ nhưng hãy phát âm rõ ràng. Nếu mẹ đọc nhanh, đọc nối âm, nuốt âm khi nghe thì lưu loát đó, “tây” đó. Nhưng với trẻ nhỏ, trẻ rất khó để nhận biết được mẹ đang nói từ gì nếu mẹ đọc “lướt quá” hoặc bỏ âm nhiều quá.
Khi bạn đọc to, chậm và rõ ràng, trẻ sẽ có cơ hội nghe và cảm nhận được cách phát âm từ và ngữ điệu của ngôn ngữ tiếng Anh. Điều này giúp trẻ nhận biết âm thanh và cách phát âm đúng các từ ngữ riêng lẻ. Ngôn ngữ tiếng Anh có nhiều âm thanh và từ ngữ phức tạp, vì vậy việc đọc to và rõ ràng giúp trẻ nhận biết từng âm tốt hơn.
Tip số 2: đọc truyền cảm
Việc đọc truyền cảm tức là đọc có ngữ điệu lên xuống trầm bổng và lồng cảm xúc vào giọng đọc cũng như thể hiện cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể của mẹ. Điều này giúp trẻ hình dung và khám phá các tình huống và cảm xúc trong truyện.
Khi đọc mẹ cần thay đổi giọng điệu và dùng nhiều cử chỉ khác nhau để minh họa điều mẹ đang đọc. Việc này sẽ giúp trẻ hiểu nghĩa của từ và ngữ cảnh. Hãy thể hiện cảm xúc qua giọng nói trầm bổng, khi lên giọng, xuống giọng, để trẻ biết các cảm xúc hứng khởi, kinh ngạc, lo lắng, tức giận của nhân vật. Đừng đọc toàn bộ câu chuyện với 1 giọng đều đều như nhau mẹ nha.
Tip số 3: áp dụng kỹ thuật "Point & Say" (chỉ tay và đọc từ)
Kỹ thuật "Point & Say" là mẹ kết hợp việc chỉ tay vào vật hoặc hình ảnh trong sách và phát âm từ ngữ tương ứng.
Ví dụ, nếu hình ảnh trong sách là một con mèo, hãy chỉ tay vào con mèo và nói "cat" * lặp lại 3 lần từ “cat” rồi mẹ chuyển sang từ tiếp theo, hoặc chờ trẻ lặp lại “cat” theo mẹ.
Mẹ chỉ nên mong đợi trẻ sẽ lặp lại nếu trẻ trên 18 tháng và thể hiện sự sẵn sàng muốn bắt chước mẹ. Còn nếu con không nói theo mẹ thì cũng không sao.
Tip số 4: áp dụng kỹ thuật “Repetition” (Lặp lại)
Kỹ thuật "Repetition" (Lặp lại) khi đọc truyện cho trẻ là một cách tương tác hiệu quả để củng cố từ vựng cho trẻ nhỏ. Với những trẻ từ 0 tuổi mẹ có thể áp dụng rồi. Mẹ có thể dùng các cuốn truyện nhiều chữ, nhưng chỉ chọn ra 1 từ tiếng Anh/1 khái niệm mà mẹ muốn con nhớ, rồi lặp lại nó trong suốt cuốn sách.
Bạn có thể xem cụ thể cách thực hiện qua video của Mrs Andrien tại đây:
Ngoài ra thì ngay trong kĩ thuật "Point & Say" (chỉ tay và đọc từ), mình cũng đã kết hợp lồng ghép kĩ thuật “repetition” thông qua việc đọc một từ 3 - 4 lần rồi mới chuyển sang trang tiếp theo.
Tip số 5: áp dụng kỹ thuật "Modelling" (Mô phỏng/làm mẫu)
Kỹ thuật "Modelling" (Mô phỏng) khi đọc truyện tiếng Anh cho trẻ là một cách thú vị giúp trẻ hiểu từ vựng, hoặc thậm chí cả cốt truyện một cách tự nhiên.
Để làm kĩ thuật này, mẹ cần sử dụng giọng điệu, cử chỉ và âm thanh để tái hiện 1 sự vật, tình huống trong truyện.
Ví dụ: bạn muốn con hình dung từ “duck” là con vịt, hay “bird” là con chim, bạn có thể vừa giải âm thanh tiếng kêu, vừa làm động tác đi như chú vịt, hoặc đập tay 2 bên như chú chim đang bay.
Tip số 6: áp dụng kỹ thuật "Baby-led" (Dẫn dắt theo sở thích của trẻ)
Kỹ thuật "Baby-led" (Dẫn dắt theo sở thích của trẻ) khi đọc truyện tiếng Anh cho trẻ nhỏ là cách khuyến khích trẻ tương tác và tham gia vào quá trình đọc.
Khi đọc truyện, mẹ nên theo dõi sở thích và phản ứng của trẻ. Đừng chỉ cố gắng đọc hết câu chuyện mà hãy dừng lại để chú ý phản ứng của con, xem con đang quan tâm chú ý đến cái gì trong truyện. Để từ đó, mẹ nương theo con, gợi mở các từ mà con đang chú ý.
Đôi khi, hãy để trẻ đảo trang sách hoặc quyết định thứ tự đọc các trang. Điều này giúp trẻ cảm thấy việc đọc thật thoải mái và tự do trong quá trình đọc.
Mời bạn theo dõi video này của mẹ Cá để hiểu rõ hơn về cách dùng “baby-led”
Tip số 7: Khi đọc sách tiếng Anh thì dùng 100% tiếng Anh
không giải thích lại bằng tiếng Việt khi đọc. Đọc sách tiếng Anh một cách thường xuyên ngay cả khi con chưa hiểu sẽ giúp con quen dần với ngôn ngữ mới. Việc vừa đọc vừa dịch sẽ làm giảm quá trình tiếp thu tiếng Anh của trẻ, không tốt cho việc suy nghĩ trực tiếp bằng tiếng Anh “think in English” sau này của trẻ.
Điều này cũng nên được áp dụng với sách song ngữ Anh - Việt. Nhà mình thường phân chia rõ: mẹ sẽ đọc bản tiếng Anh, còn bố sẽ đọc bản tiếng Việt cho con. Và bố chỉ đọc sau khi con đã nghe bản tiếng Anh với mẹ 1 vài lần. Tất nhiên việc này chỉ áp dụng được với bé nhỏ dưới 3 tuổi. Khi trẻ trên 3 tuổi, trẻ dễ nhận ra sách này có cả tiếng Anh và tiếng Việt, và có thể đòi chỉ đọc tiếng Việt thôi. Nên là mình cũng hạn chế mua sách song ngữ, mua thẳng sách tiếng Anh (cũ) ^^.
Tip số 8: Tạo liên kết giữa những gì đã đọc với cuộc sống hàng ngày
Khi đọc sách cho con, mình cố gắng liên kết nội dung đã đọc với cuộc sống hàng ngày của con. Bằng cách thảo luận về những trải nghiệm tương tự hoặc sử dụng từ vựng tiếng Anh trong sách vào ngữ cảnh thực tế.
Ví dụ, con đọc cuốn “dear zoo”. Trong đó có câu: “it’s too tall” (chỉ con hươu cao cổ), “it’s too big” (chỉ con voi to). Khi gặp 1 vật gì đó to, mình sẽ lặp lại câu “It’s to big” và con sẽ liên tưởng lại. Hoặc mình cùng con chơi trò giả làm các loài động vật có trong truyện dear zoo.
Khi chọn sách tiếng Anh cho con cần lưu ý điều gì?
Ngoài các kĩ thuật trên, mẹ cũng cần chú ý đến việc chọn sách truyện tiếng Anh cho con. Bởi chọn sách phù hợp với bé và vốn tiếng Anh của bố mẹ cũng quyết định việc đọc sách hiệu quả đến đâu.
Sau đây là một số điều mình đúc rút được khi mua và đọc cho Cá gần 50 cuốn sách tiếng Anh trong 3 năm qua:
Chọn sách tiếng Anh của nhà xuất bản uy tín, phổ biến. Những cuốn sách kinh điển trải qua nhiều thế hệ, được viết bởi tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi sẽ có ngôn từ dễ hiểu, chuẩn mực và nội dung thú vị, sáng tạo.
Để bắt đầu thì nên chọn cuốn có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, các từ mà trẻ đã gặp và quen thuộc trong tiếng Việt.
Nên dùng sách có tính tương tác: như có phần bóc - dán, các miếng bìa cứng nâng lên, mở ra (lift the flap), chất liệu khác nhau để trẻ sờ, chạm. Hay các cuốn sách có hoạt động đi kèm để trẻ tham gia vào câu chuyện. Điều này giúp trẻ tương tác với sách, tăng cường sự tò mò và thúc đẩy việc học ngôn ngữ.
Khi mẹ áp dụng những điều trên là mẹ đang giúp con học ngôn ngữ một cách tự nhiên, trẻ không có cảm giác đang phải học tiếng Anh. Bởi trẻ đang được mẹ đọc truyện mà. Việc đọc có kĩ thuật giúp mình kết hợp được 2 mục đích: có thời gian chất lượng bên con: kết nối, vui đùa với con và giúp con tiếp xúc tiếng Anh một cách tự nhiên, hiệu quả.
Chúc các mẹ sẽ luôn có những giây phút đọc truyện vui vẻ bên con!