Chia sẻ trên là của mẹ Chí - một thành viên tích cực của cộng đồng Dạy trẻ song ngữ. Trong bài phỏng vấn này, chúng ta sẽ khám phá câu chuyện của gia đình chị Chí, về "bí mật" đã làm nên thành công trong việc nuôi dạy 2 con song ngữ và tuyệt hơn là mẹ Chí còn vun đắp ở 2 con tình yêu đọc sách tiếng Anh từ nhỏ.
Câu hỏi: Chào chị Chí! Chị hãy giới thiệu một chút về bản thân, cùng hai em bé Thịnh và Bắp nhé!
Chào cả nhà. Đầu tiên mình xin cảm ơn DTSN đã phỏng vấn mình.
Mình tên Chí, hiện đang đi làm fulltime, có hai bạn nhỏ là Thịnh 2018 và Bắp 2020. Niềm vui lớn nhất của mình là được bên cạnh các con. Mình cũng hay bị nói là “nghiện con”.
Dạo gần đây, khi con lớn hơn một chút thì mình quay về với sở thích viết lách. Mình đam mê sách và từ ngày có con lại còn mê hơn. Bởi sách thiếu nhi bây giờ rất đẹp cả về hình ảnh, chất lượng in cùng nội dung đa dạng, phong phú. Đọc sách thiếu nhi cũng giúp mình biết được những kiến thức tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế thì mình chưa thể tìm được lời giải.
Câu hỏi: Chị bắt đầu giới thiệu tiếng Anh cho các con từ khi nào?
Việc giới thiệu tiếng Anh cho con thì mình bắt đầu hết sức tự nhiên qua sách truyện tiếng Anh và xem Youtube. Mình đọc sách cho con khi con mới vài tháng tuổi. Còn về Youtube thì mình sẽ mở những chương trình dành cho trẻ em và mang tính chất vui là chính.
Ảnh: Hai em bé Thịnh và Bắp say mê đọc sách
Mình giới thiệu và cho con tiếp xúc tiếng Anh từ sớm vì mình nghĩ tiếng Anh là ngôn ngữ chứ không còn là ngoại ngữ ở thời đại này nữa. Lý do khác là cũng xuất phát từ trải nghiệm của bản thân mình. Mình nhớ rất rõ cảm giác đi làm với người nước ngoài nhưng không thể nói được một câu hoàn chỉnh, cảm giác tay chân đổ mồ hôi, run bần bật, tim đập nhanh vì sợ. Mình mong con có thể tự tin khám phá thế giới và học hỏi mọi điều mới mẻ mà không bị giới hạn bởi rào cản tiếng Anh.
Câu hỏi: Chiến lược mà chị áp dụng để giúp con song ngữ là gì? Đó là "một người một ngôn ngữ" (OPOL) hay phân chia hai ngôn ngữ theo thời gian và địa điểm (T&P)? Chị có gặp khó khăn gì khi áp dụng chiến lược này không?
Mình áp dụng cả hai. Ở nhà mình vẫn là người nói tiếng Anh và đọc sách tiếng Anh chính. Nhưng đôi lúc mình cũng áp dụng cả theo thời gian và địa điểm. Mình thấy không gặp khó khăn gì cả. Vì như ban đầu mình không áp đặt hay kỳ vọng, khi nào thấy hứng thú và con thích thì mình cứ nương theo con thôi. Quan sát để biết con muốn gì, thích chủ đề nào, thể loại gì rồi mình cứ thế vừa quan sát vừa nương theo con.
Câu hỏi: Chị có thể chia sẻ một ngày sinh hoạt điển hình của gia đình với việc sử dụng song ngữ như thế nào? (tức là khi nào chị dùng tiếng Anh, khi nào dùng tiếng Việt).
Thực tế hiện giờ thì Thịnh là người chủ động nói tiếng Anh nhiều hơn mình. Thông thường mình hay nói tiếng Anh với 2 con vào sáng và tối. Vì thật ra chúng mình cũng không có nhiều thời gian. Sáng dậy cả nhà sẽ nói vài câu tiếng Anh như: wake up, brush your teeth, hurry up Tony it’s late... Một vài dạng câu nói sinh hoạt đơn giản.
Thời gian chính vẫn là cuối ngày. Mình sẽ tranh thủ đọc sách tiếng Anh cho con. Đối với Thịnh lớn hơn và nói được nhiều hơn thì mình đang tập cho con thuyết trình về một điều gì đó mà con được học. Đối với Bắp thì mình đang áp dụng flashcard thông qua trò chơi. Mỗi ngày trung bình ba mẹ con có khoảng 1 tiếng 30 phút. Trong đó, bạn Thịnh có ít nhất một tiếng để nghe tập trung (nghe chủ động và học, làm theo hướng dẫn).
Câu hỏi: Theo chị quan sát thì bạn Thịnh và Bắp đã nắm bắt ngôn ngữ tiếng Anh qua cách nào là hiệu quả nhất?
Thịnh thì nghe tốt thông qua các câu chuyện, và bạn nắm và nhớ từ thông qua các câu chuyện rất nhạy (hơn mẹ.) Còn Bắp sẽ tiếp thu tốt nhất thông qua bài hát hoặc trò chơi.
Mình thấy điều này cũng thể hiện qua tính cách. Thịnh trầm tính hơn, tập trung cao hơn nên có thể lắng nghe theo dõi. Còn Bắp cá tính năng động, thích gì đó vui thì mới giữ chân được lâu. Nên cách mẹ quan sát con cũng rất quan trọng để áp dụng phương pháp phù hợp và giúp con yêu thích việc học tiếng Anh.
Câu hỏi: Em thấy các con của chị rất mê đọc sách, đặc biệt sách tiếng Anh. Chị có thể chia sẻ thêm về cách khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho con?
Như mình có chia sẻ thì mình cho con làm quen với sách từ sớm. Vì bản thân là người yêu sách nên quan điểm của mình là: CHƠI VỚI SÁCH trước đã. Minh luôn tâm niệm, mỗi cuốn sách đều có giá trị của nó, chỉ là cuốn sách nào PHÙ HỢP với cá nhân nào. Mà muốn biết phù hợp hay không thì mình phải thử.
Điều quan trọng nhất vẫn là ĐỒNG HÀNH CÙNG CON. Mình tin rằng đứa trẻ nào cũng thích được đọc sách. Mình đâu thể cứ mua về rồi con tự chơi tự thích được. Việc quan trọng nhất là ba mẹ luôn ở bên đồng hành cùng con. Mình hay nói đùa là làm trò điên khùng với tụi nó. Nếu ba mẹ nào chưa biết cách đọc sách cùng con như thế nào thì có thể đăng ký khóa học của DTSN nè.
Còn kinh nghiệm của mình thì mình mua theo sở thích của con (chủ đề). Ví dụ Thịnh có một thời gian rất thích động vật, vậy là hầu như sách nào có động vật là mình mua hết.
Tiếp theo là mình chọn theo loại sách để phù hợp theo từng độ tuổi: ví dụ con nhỏ thì mình chọn những cuốn sách vải, boardbook, sách âm thanh. Lớn hơn chút mình mua sách pop up lật mở, kéo đẩy… hãy xem những cuốn sách như là món đồ chơi vậy, để con thỏa sức khám phá.
Bé Thịnh đọc sách The great big easter egg hunt
Và mình vẫn luôn nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất vẫn là đồng hành, kiên trì. Mình hiểu cảm giác mệt nhoài của ba mẹ cuối ngày. Nhưng mình vẫn luôn muốn lan tỏa rằng các con xa ba mẹ cả ngày cũng rất đáng thương, cũng rất mệt.
Câu hỏi: Nếu được nhờ giới thiệu 1 bộ sách truyện tiếng Anh cho bé mới bắt đầu làm quen với tiếng Anh chị sẽ gợi ý bộ nào?
Mình nghĩ nếu mới bắt đầu thì cũng không nhất thiết phải mua theo bộ đâu. Nếu mới bắt đầu làm quen thì hãy tìm những cuốn đơn giản, tranh đẹp, có tính tương tác với trẻ trước đã. Đó là những cuốn con vừa học vừa chơi nhưng lại nạp được từ.
Một series sách rất thú vị đó là chú chó Spot của Eric Hill. Mình thấy series này có nhiều dạng sách, board book, picture, lật mở đều có. Và đặc biệt đa phần là sách ít chữ, chữ được in to, chủ đề khá phù hợp với các bé mới bắt đầu.
Còn nếu bộ sách dành cho các bé trên 3 tuổi thì mình nghĩ bộ All aboard reading là bộ phù hợp. Vì sách này có cả hình và chữ. Cách mình áp dụng là ở giai đoạn đầu mẹ sẽ đọc cùng con. Ví dụ get out of (hình cái giường) thì mẹ đọc phần chữ, con sẽ bật lên phần hình. Hiện tại Bắp nhà mình đang áp dụng giai đoạn này. Còn Thịnh đang giai đoạn tự nhìn chữ đọc và nhớ mặt chữ nên mình cho Thịnh tự đọc. Bộ sách này dùng được từ nhỏ đến lớn luôn.
Câu hỏi: Điều gì chị cảm thấy tuyệt nhất khi nhìn lại hành trình nuôi dạy con song ngữ? Hay chị có thể chia sẻ một kỉ niệm mà chị nhớ nhất.
Có những thành quả mà mình nghĩ nó không rõ ràng. Không phải hôm nay mình dạy con tiếng Anh thì hôm sau con có thể nói được. Ý mình là nó sẽ tích tụ dần dần và một ngày nào đó đủ nắng hoa sẽ nở. Đó là lần đầu tiên mình bảo Thịnh tự thuyết trình, và anh nói rất tự tin, trơn tru. Hay đó là ngày Bắp đột nhiên nghêu ngao bài hát tiếng Anh mà anh hai hay nghe. Đó cũng là lúc mình biết việc lặp đi lặp lại nó cũng ngấm vào con lúc nào không hay.
Câu hỏi: Chị có gặp phải những khó khăn hay thách thức nào đặc biệt trong quá trình dạy con song ngữ không? Nếu có, đó là những khó khăn gì và chị đã vượt qua chúng như thế nào?
Mình nghĩ giai đoạn đầu mình gặp khó khăn trong việc chọn sách cho con. Sách mình nghĩ con thích thì con không thích, sách con thích thì mình nghĩ không phù hợp. Nên phải mất rất nhiều tiền và thời gian mình mới biết nên mua cuốn nào. (nhưng thực tế mình vẫn mua nhiều lắm).
Giai đoạn tiếp theo là chương trình học. Mình cứ loay hoay tự tìm hoặc thiết kế chương trình học cho con và cứ đi một chút mình lại thấy nản vì mập mờ quá. Nên mình nghĩ khi con có nền tảng nhất định thì nên cho con theo học theo một chương trình nào đó.
Cách mình vượt qua là mình cứ đi theo những gì mình biết và học hỏi dần. Nếu may mắn mình có người hỗ trợ thì sẽ đi nhanh hơn, còn không ba mẹ cứ đồng hành cùng con, động viên con, miễn đừng dừng lại.
Câu hỏi: Chị có chia sẻ gì cho các mẹ cũng đang muốn dạy con song ngữ trong cộng đồng Dạy Trẻ Song Ngữ?
Những năm đầu đời, con đang là hạt mầm mới nhú, con cần sự yêu thương chăm sóc chở che. Các mom cứ bình yên quan sát con, kiên trì ở bên con. Mình tin bằng tình yêu thương, thấu hiểu và sự kiên trì chắc chắn cả mẹ con đều có thể nói tiếng Anh.
Dạy trẻ song ngữ xin chân thành gửi lời cảm ơn tới chị Chí đã dành thời gian quý báu để chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và bổ ích trong việc dạy con song ngữ. Những lời chia sẻ thiết thực từ chính trải nghiệm của chị chắc chắn sẽ trở thành nguồn cảm hứng và động lực to lớn cho nhiều phụ huynh khác.
Kính chúc gia đình chị luôn hạnh phúc, bình an và gặt hái nhiều thành công trên con đường song ngữ!
Nhân vật phỏng vấn: Chị Phạm Thị Chí
Biên tập: Admin Hồng Thủy