top of page

Tâm sự về việc đọc cho trẻ

Những chia sẻ dưới đây là của chị Maily Hoàng Anh, Admin của cộng đồng Dạy trẻ song ngữ. Với trải nghiệm là một người mẹ đã trải qua nhiều năm sống tại nhiều quốc gia và có niềm đam mê với ngôn ngữ và văn hóa, chị luôn nỗ lực truyền đạt những giá trị này cho 2 con thông qua việc đọc sách đa ngôn ngữ và tạo thói quen đọc hàng ngày.


----------------------------------------------------

Sài Gòn - viết nhân một ngày chờ mưa tạnh.


Những ngày đầu tháng 9, mình trở lại Sài Gòn sau gần mười năm đi xa. Mùa này là mùa mưa. Mình thích mưa Sài Gòn. Những cơn mưa bất chợt là lúc người ta có thể dừng lại một vài nhịp để suy tư, lắng đọng giữa một Sài Gòn náo nhiệt.


Sáng thứ 7 vừa rồi, con mình vừa học xong mỹ thuật thì trời đổ cơn mưa ào ào. Ba mẹ con đành phải ngồi trong sảnh của toà nhà chờ trời bớt mưa để đón xe về nhà. Ở sảnh đợi có một giá sách nhỏ và có rất nhiều thể loại sách cho cả người lớn lẫn trẻ con. Sẵn lúc đợi mưa, không làm gì, hai đứa nhà mình theo thói quen, lại gần và lấy sách ra đọc. Phụ huynh gần đó nhìn hai đứa con nhà mình như nhìn người ngoài hành tinh rớt xuống.

Đọc sách thì cũng bình thường thôi, có gì đâu mà phải ngạc nhiên. Nhưng tự động lấy sách ngồi đọc có thể là hàng hiếm trong 1 thời đại bùng nổ công nghệ, ai cũng sắm cho con mình chiếc điện thoại hay máy tính bảng.




Bây giờ đi đâu, nhà nhà người người cứ cắm mặt vào cái điện thoại. Thế hệ con nít bây giờ không biết là tụi nó sướng hơn hay khổ hơn thế hệ ngày xưa nữa? Một thời đất nước còn nghèo, tuổi thơ của những đứa trẻ 8x, 9x dữ dội nhưng được thưởng thức không gian thiên nhiên ngoài trời. Một thế giới không điện thoại, internet mà chỉ có những trò chơi như banh đũa, bắn bi, tắm mưa, trốn tìm hay lang thang trốn ngủ trưa đọc truyện ở những hiệu sách cũ. Một thời, trẻ con trong xóm tụm năm tụm bảy rủ nhau đi chơi.

Giờ đây, những đứa trẻ 8x, 9x đã trở thành bố mẹ. Chúng ta là thế hệ cha mẹ đầu tiên phải đối diện với khủng hoảng mang tên “thiết bị điện tử”. Cuộc sống hiện đại, kinh tế phát triển đem lại cho chúng ta nhiều của cải vật chất, dịch vụ thuận tiện nhưng dường như nó cũng lấy đi mất của chúng ta rất nhiều thứ. Trong đó có sự kết nối và thời gian dành cho con.


Rất đáng tiếc, nhiều trẻ hiện nay không được cha mẹ nuôi dưỡng cho tình yêu đọc sách. Thay vào đó, chúng được dúi vào tay dù là vô tình hay hữu ý những chiếc điện thoại để khỏi làm phiền người lớn hay làm ồn ảnh hưởng người khác. Cha mẹ lúng túng trong việc giải quyết bài toán “buồn chán” ở trẻ nhỏ và không muốn phải vất vả chơi đùa với con. Chiếc điện thoại có sức mạnh vô biên, hấp dẫn vạn vật ngay cả đối với người lớn.

Mình không muốn bàn về tác hại của thiết bị điện tử với trẻ nhỏ nữa vì thông tin này không còn là điều mới lạ và mọi người có thể tìm đọc được trên internet. Để từ bỏ chiếc điện thoại trong xã hội hiện đại bây giờ là điều không tưởng. Nhưng kiểm soát chúng là điều chúng ta có thể làm được. Một trong những cách giúp trẻ bớt thời gian bên chiếc điện thoại mà dễ dàng nhất là giúp con đọc sách và thích đọc sách. Khi con có thói quen đọc sách, chúng sẽ tự tìm tòi và khám phá thế giới xung quanh chúng và không còn thấy "buồn chán" không có gì để chơi nữa.


Nếu không phải là sách, thì chúng ta cũng nên có thói quen nào đó để cùng con làm trong khi ra ngoài mà phải chờ lâu. Nhà bạn thường làm gì những lúc như vậy?

--------------------------------------------------------


Hy vọng bắt đầu từ đâu?


Gần đây mình coi chương trình Maybe Podcast có phỏng vấn bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Một người yêu sách và là một vị bộ trưởng gần gũi, dễ mến. Bác nói đề cập tới một câu nói của giáo sư Phan Văn Trường “Muốn có một đất nước trù phú thì mỗi con người chúng ta phải là con người trù phú”. Một con người trù phú là một con người có hiểu biết và thích đọc sách. Tính từ “trù phú” được dùng một cách sáng tạo gắn với con người.


Người Việt ít đọc sách thì không phải là thông tin mới nhưng có ai đi tìm hiểu tại sao người Việt không được hướng dẫn đọc sách từ nhỏ không?


Nhìn lại tuổi thơ, mình thật may mắn khi đã được mẹ gieo vào những hạt mầm “ngôn ngữ”. Mình còn nhớ, hằng đêm, trước khi đi ngủ, là thời gian mình thích nhất vì được nằm bên mẹ và nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích đêm khuya. Khi đất nước sống trong bao cấp, mình vẫn được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện ngọt ngào. Rồi mẹ chỉ cho mình biết đọc, viết chính tả. Mẹ đặt cho mình những tờ báo cho thiếu nhi nhi đồng như Rùa vàng Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng. Tuổi thơ của mình lớn dần lên với tình yêu qua những tạp chí cho trẻ con. Dần dần mình mê đọc các tạp chí cho lứa tuổi thanh thiếu niên như Mực Tím, Hoa Học Trò, những trang sách dí dỏm, mộng mơ của Nguyễn Nhật Ánh.


Những buổi trưa trốn ngủ, đi đến những hiệu sách cũ đọc không biết chán những quyển sách giấy vàng khè. Lâu lâu, mẹ lại hay để mình một mình ở những nhà sách để tranh thủ đi chợ và yên tâm là mình sẽ chẳng đi đâu hết.


Sách mang đến cho mình sự tự tin và biết bao điều hữu ích. Khi mình biết đọc ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, sách cho mình một khát khao muốn đi ra ngoài xem thế giới rộng lớn thế nào. Và mình đã đi.


Lớn lên khi làm mẹ rồi, mình cũng có biết bao lúng túng và nhiều thắc mắc nhưng không một ai có thể thoả mãn những câu trả lời và mình lại cầu cứu tới sách. Sách mang đến cho mình sự tự tin để làm mẹ & để đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời.




Mấy ngày nay ngồi soạn lại hình ảnh của con trong điện thoại và máy vi tính, mình lại bồi hồi và thấy hạnh phúc khi nhìn lại chặng đường gần mười năm qua đồng hành và trưởng thành cùng con. Có những thứ trôi qua và không bao giờ quay trở lại và một trong những điều đó là những năm tháng sống cùng con lúc thơ bé.


Đất nước đang vươn mình thành con rồng châu Á và mình vui lắm khi giờ này càng ngày càng có nhiều bà mẹ giống mình. Họ không ngừng học hỏi để dạy con.


Những người mẹ bên con là những mạch nước ngầm, thầm lặng nhưng là những mạch nước quan trọng nhất cho cây cối sinh sôi phát triển. Đất nước có muốn hoá rồng hay không là phải nhờ vào lực lượng trẻ, lực lượng lao động có tri thức và kỹ năng. Và những người làm mẹ là những người nuôi dưỡng tạo nên những thế hệ tương lai ấy.

Có câu nói “Chúa không thể tạo ra thiên thần cho tất cả mọi người, vì vậy Chúa đã tạo ra người mẹ.” Khi làm mẹ rồi, mình mới thấy, một người mẹ có tri thức thì sẽ dạy con tốt đến như thế nào. Mọi hy vọng bắt đầu từ những người mẹ và bắt đầu từ việc giáo dục những đứa trẻ.


Nếu bạn không được gieo những hạt mầm đọc sách trước đây, thì bây giờ bạn hãy gieo mầm những hạt mầm cho chính mình, cho con và cho thế hệ tương lai của dân tộc này.


------------------------------------


Để hoa nở trên sa mạc.


Chủ nhật vừa rồi, ba mẹ mình lên chơi và nói chuyện về người Israel. Mẹ mình cứ nhắc đến hoài một nhân vật qua châu Phi làm nông nghiệp, thu hoạch trái to khủng khiếp. Mình bảo là “ Ôi, con ở châu phi mấy năm mà mẹ đi coi youtube làm gì, mấy cái đó quá bình thường! Đất tốt làm ra nông sản tốt thì nói làm gì? Có gì đâu mà phải học? Qua Israel để thấy họ làm nông nghiệp trên sa mạc, xuất khẩu nông sản ra thế giới. Qua để thấy một dân tộc biến không thành có. Cái quan trọng không phải là đất thế nào mà quan trọng là con người thế nào?”


Trở lại lịch sử, mình đọc thì thấy ông cha mình ngày xưa giỏi thật. Sống bên cạnh một nước lớn, những việc khó nhất trái đất này, ông cha mình đã làm hết rồi. Đánh lại các cường quốc, giữ cho con cháu ngôn ngữ và bản sắc văn hoá riêng không bị đồng hoá.

Mình là người thích đọc sử, vì mình học được những bài học kinh nghiệm của thế hệ trước. Đọc sử để thấy rằng bằng nguồn lực hạn chế, ông cha ta đã khôn khéo chống lại các thế lực mạnh hơn rất nhiều lần như thế nào.


Quay trở lại việc nuôi nấng những đứa trẻ. Chưa bao giờ chúng ta lại phải đối diện với sức ép về tiền bạc đến như vậy. Chưa bao giờ, nuôi một đứa trẻ cha mẹ lại dành thời gian ít như vậy. Có lẽ đây là bài toán đau đầu với hầu hết cha mẹ trẻ ngày nay. Có thời gian thì không có nhiều tiền, có nhiều tiền lại không có thời gian . Đôi khi nhịp sống thành thị nhanh quá, cha mẹ không còn thời gian để thật sự lắng đọng xem lại cái gì là quan trọng với mình. Chúng ta có nhất thiết phải mua nhà xịn, xe sang, có nhất thiết phải đẹp sang chảnh như những người nổi tiếng hay khoe trên mạng xã hội? Chúng ta có nhất thiết phải kiếm thêm 1, 2 triệu rồi tiêu xài chúng trong vòng vài phút trên shopee hay tiki để mua những món đồ chơi chỉ hữu dụng có vài phút?



Chúng ta đang có nhiều nguồn lực hơn cha mẹ chúng ta và thế hệ xưa rất nhiều nhưng tại sao chúng ta lại nuôi dạy những đứa trẻ chỉ thích cầm điện thoại? Hãy sống chậm lại vài nhịp, bớt dùng điện thoại lại, đọc sách và chơi cùng con. Tiền bạc không kiếm được lúc này thì kiếm lúc khác nhưng thời gian bên con thơ bé thì sẽ không bao giờ bạn có thể kiếm lại được.


Con cái không cần chúng ta phải mua cho chúng đồ chơi xịn, mắc tiền. Chúng cần chúng ta ở bên chúng. Người ta yêu nhau thì phải dành thời gian cho nhau đúng không bạn? Có dành thời gian cho nhau thì mới hiểu nhau được.


Chơi cùng con đi bạn, đọc sách cùng con đi bạn. Chúng ta cùng học và trưởng thành cùng con. Hãy cùng nhau xem sách như một người bạn. Hãy gieo niềm vui đọc sách trong trẻ để chúng ta có thể nuôi dưỡng một dân tộc mạnh mẽ, có trí truệ. Một dân tộc có những tập đoàn phát triển lớn mạnh. Một dân tộc tạo ra được những phát minh thay đổi nhân loại.

Để chúng ta có thể trồng được hoa trên sa mạc……

......................và thôi không làm gia công, xuất khẩu lao động nữa.


p/s: bài viết không có ý bên vực Israel trong tình hình thế giới căng thẳng hiện nay. Mình chỉ viết để chúng ta có thể học hỏi được từ những điều tốt và phi thường của một số dân tộc trên thế giới.


Tác giả: Hoàng Anh (Maily)

Nếu bạn cũng muốn tạo thói quen đọc sách cho gia đình mình, đặc biệt là sách truyện tiếng Anh cho con, thì hãy tham khảo khóa học 8 tuần sẽ khai giảng ngày 26/10/2023 của chúng mình tại đây nhé: https://www.daytresongngu.com/khoa-hoc-online-8-tuan-huong-dan-cha-me-cach-doc-sach-truyen-tieng-anh-cho-con




37 views0 comments
bottom of page