Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ cùng cha mẹ những điều cơ bản bạn nên biết trước khi bước vào hành trình nuôi con song ngữ, cụ thể song ngữ ở đây là Anh – Việt. Trong đó tiếng Việt được coi là ngôn ngữ đa số vì tất cả mọi người xung quanh trẻ đều dùng tại Việt Nam, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thiểu số hay ngôn ngữ mục tiêu. Nào hãy cùng mình tìm hiểu 10 điều đó là gì nhé!
1. Trẻ không hiển nhiên nói song ngữ Anh – Việt một cách “kỳ diệu”
Có một giả thuyết cho rằng “trẻ em giống như miếng bọt biển khi học ngôn ngữ” - “children are like sponges when it comes to language”, ý nói: trẻ sẽ nói được tất cả các ngôn ngữ mà chúng nghe thường xuyên, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng.
Đúng là trong một số hoàn cảnh, trẻ có thể tiếp xúc và tiếp thu ngôn ngữ thiểu số một cách tự nhiên, nhưng không thể coi điều đó là đương nhiên. Bởi để trẻ có thể trở thành em bé song ngữ, cha mẹ cần nỗ lực và kiên trì trong việc tạo môi trường và điều kiện phù hợp để con được tiếp xúc và phát triển song song cả hai ngôn ngữ. Đây là một lựa chọn đòi hỏi cam kết lâu dài từ gia đình để đồng hành cùng con trên hành trình song ngữ.
2. Bạn cần một kế hoạch
Để đảm bảo thành công trong việc dạy con song ngữ, điều quan trọng là bạn cần xây dựng một kế hoạch cụ thể và chi tiết ngay từ đầu. Kế hoạch đó sẽ trả lời các câu hỏi như:
Mong muốn của bố mẹ về mức độ thành thạo mà bạn mong muốn con đạt được? Liệu đó chỉ là khả năng đọc hiểu và giao tiếp cơ bản, hay bạn muốn con có thể sử dụng thông thạo ngôn ngữ đó trong học tập, nghiên cứu và phát triển sau này?
Hay bạn muốn con duy trì ngôn ngữ đó để giao tiếp với gia đình, bạn bè tại nơi sử dụng ngôn ngữ đó?
Hoặc bạn chỉ đơn giản muốn con biết thêm một ngôn ngữ mới để khám phá nền văn hóa?...
Hãy thảo luận vấn đề này với gia đình, thống nhất các mục tiêu cụ thể để từ đó có kế hoạch đồng hành cùng con phù hợp nhất.
3. Tính nhất quán rất quan trọng
Khi đã có kế hoạch của mình, cha mẹ cần cam kết thực hiện nó với sự đồng hành, hỗ trợ của cả gia đình, bởi duy trì sự nhất quán là điều vô cùng quan trọng.
Trẻ có thể trở thành song ngữ tuy nhiên sẽ có xu hướng thích sử dụng ngôn ngữ nào được đa số mọi người xung quanh sử dụng. Nếu cha mẹ không nhất quán, rất có thể ngôn ngữ thiểu số (được sử dụng bởi ít người xung quanh cuộc sống của con) theo thời gian sẽ bị lãng quên, trẻ mất dần niềm yêu thích và cả khả năng sử dụng ngôn ngữ đó.
4. Cha mẹ cần chú ý tới thời gian tiếp xúc
Khi đã có kế hoạch, bạn cần xem xét mức độ tiếp xúc của trẻ với từng ngôn ngữ. Có một khuyến nghị chung (tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào cho điều này) rằng trẻ nên tiếp xúc với một ngôn ngữ ít nhất 30% thời gian trẻ thức để trở thành song ngữ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, điều này chỉ nên được coi là hướng dẫn – tùy thuộc vào loại tiếp xúc, trẻ có thể cần nhiều thời gian hơn hoặc ít hơn để tiếp thu ngôn ngữ.
5. Bạn có thể sẽ cần phải đầu tư thêm thời gian (và đôi khi cả đầu tư tiền bạc)
Bạn có thể sẽ cần dành thời gian nói chuyện nhiều với trẻ bằng ngôn ngữ thiểu số để duy trì sự cân bằng, đọc sách và tìm kiếm nguồn tài liệu để giúp con học một ngôn ngữ. Đôi khi, cha mẹ cần tận dụng cả ngày nghỉ của mình để thực hiện những hoạt động nhằm tạo nguồn động lực cho con nói ngôn ngữ mục tiêu như đi du lịch tới nơi mọi người chỉ nói ngôn ngữ thiểu số, tham gia các hội thảo hay hoạt động ngoại khoá sử dụng ngôn ngữ thiểu số…
6. Sẽ có những người nghi ngờ điều bạn đang làm hoặc khuyên bạn dừng lại
Không phải ai cũng đồng ý với bạn rằng việc nuôi dạy con bạn được hai hay nhiều ngôn ngữ trong gia đình là một ý tưởng hay. Ngoài kia, sẽ có những người nói với bạn rằng “chẳng ích gì”, rằng “bạn đang kỳ vọng quá nhiều vào con mình”, “bạn đang khiến con bị loạn ngôn”... Bạn sẽ lung lay với những lời đó chứ?
Khi đã tìm hiểu kỹ những thông tin và có một mục tiêu kế hoạch cụ thể cho điều mình làm, mình tin rằng bạn sẽ không bị lung lay bởi những lời đó! Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về quá trình phát triển ngôn ngữ của con, hãy trao đổi và xin tư vấn từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này để nhận được sự hỗ trợ và giải đáp thỏa đáng nhất.
7. Không phải lúc nào dạy con song ngữ cũng dễ dàng
Sẽ có nhiều thử thách trong hành trình song ngữ, đa ngôn ngữ cùng con mà bạn, gia đình bạn có thể gặp phải ngoài những yếu tố tác động từ bên ngoài. Những thử thách đến từ hoàn cảnh gia đình, từ thời gian, công việc… mà bạn không thể bám sát được kế hoạch đồng hành cùng con. Hay cũng có những giai đoạn phát triển ngôn ngữ của con không được như kỳ vọng của bạn, con đi học và không có nhiều thời gian dành cho ngôn ngữ thiểu số…
Khi cảm thấy khó khăn, hãy xin lời khuyên và sự giúp đỡ. Bạn cũng có thể chia sẻ khó khăn của mình cùng cộng đồng Dạy trẻ song ngữ – Nơi mà chắc chắn sẽ có những người mẹ đang nuôi dạy con song ngữ sẵn sàng động viên giúp đỡ bạn và truyền cho bạn nguồn động lực tích cực!
8. Con có thể từ chối trả lời bạn bằng ngôn ngữ thiểu số
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng khi bạn đã làm mọi thứ đúng đắn và nhất quán, nhưng một ngày nọ, con từ chối trò chuyện cùng bạn bằng ngôn ngữ thiểu số. Đừng vội bỏ cuộc và hãy tiếp tục kiên định với mục tiêu, kế hoạch của mình, nếu có thể, hãy tăng thời gian tiếp xúc của con với ngôn ngữ thiểu số.
9. Trẻ sẽ đạt được nhiều lợi ích khi trở thành người song ngữ
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về việc có nên nuôi dạy con trở thành người song ngữ hay không, hãy dành thời gian một chút để tìm hiểu về tất cả những lợi ích to lớn mà con bạn sẽ đạt được khi trở thành người song ngữ, nguồn tham khảo trên mạng internet có rất nhiều.
Tất cả chúng ta đều mong muốn những điều tốt nhất cho con mình, vậy tại sao bạn không ủng hộ con mình có được năng khiếu tuyệt vời là nói được nhiều hơn một ngôn ngữ?
10. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi quyết định đồng hành song ngữ Anh – Việt cùng con
Dù con sau này cũng sẽ lớn, sẽ học từ nhiều nguồn khác nhau như nhà trường, trung tâm ngoại ngữ… Nhưng hành trình học ngôn ngữ có sự đồng hành của cha mẹ chắc chắn sẽ là hành trình tuyệt vời nhất đối với con! Khi con lớn lên và có thể tự tin sử dụng đồng thời hai hay nhiều ngôn ngữ là kết quả xứng đáng cho sự kiên trì, cố gắng của cha mẹ trên một hành trình dài.
Câu chuyện của gia đình mình – một gia đình Việt đang sinh sống tại Nhật cùng con trai 4 tuổi, và đang đồng hành cùng con hai ngôn ngữ đều là thiểu số: Anh – Việt.
Đối với đa số gia đình Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, việc dạy con song ngữ Việt - Nhật là ưu tiên hàng đầu. Một số gia đình chỉ sử dụng tiếng Việt tại nhà để con không quên đi tiếng mẹ đẻ thiêng liêng, trong khi con có thể học tiếng Nhật hoàn toàn tại trường. Khi sinh sống tại Việt Nam, con có môi trường thuận lợi để phát triển tiếng Việt, nhưng đối với các gia đình Việt định cư nước ngoài như mình, việc duy trì và gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con luôn là vấn đề được cha mẹ quan tâm hàng đầu. Gia đình mình phải tìm hiểu phương pháp và cố gắng từng ngày để gìn giữ trong con tiếng mẹ đẻ thiêng liêng ấy.
Mình từng nhiều lần do dự có nên đồng hành tiếng Anh cùng con không, bởi cũng lo ngại sợ con loạn ngôn ngữ, sợ cùng lúc học 3 ngôn ngữ con sẽ bị quá tải, và cũng không biết đồng hành cùng con như thế nào cho tốt. Tuy nhiên, câu nói: “A journey of a thousand miles begins with a single step” - “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên” đã truyền cho mình động lực để bắt đầu những bước chân đầu tiên trên hành trình cùng con học và khám phá tiếng Anh.
Cuộc hành trình này đã mở ra một cánh cửa tràn đầy niềm vui và thú vị với cả hai mẹ con. Mình được cùng con học tập, khám phá những điều thú vị với tiếng Anh - điều mà trước đây, khi còn học đại học mình chỉ cố gắng học ngôn ngữ này như một công cụ phục vụ cho công việc mà thiếu ứng dụng trong đời sống thực tế.
Hiện tại Sóc nhà mình hơn 4 tuổi, con có thể giao tiếp cơ bản và cùng mẹ đọc sách truyện hàng ngày bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Nhật (những cuốn truyện tiếng Nhật với nội dung đơn giản vì mẹ không giỏi tiếng Nhật :D). Xung quanh gia đình mình cũng có nhiều gia đình người Việt, con phân biệt rất rõ và có thể giao tiếp với các bác, các cô chú và anh chị em người Việt hoàn toàn bằng tiếng Việt. Con đang theo học mầm non tại Nhật Bản nên sẽ học tập và giao tiếp với thầy cô, bạn bè bằng tiếng Nhật tại trường.
Nhìn lại quá trình dạy con song ngữ, mình hoàn toàn không hối tiếc với quyết định đồng hành cùng con trên hành trình khám phá cả ba ngôn ngữ Việt, Anh, Nhật từ thời điểm đầu đời.
Nguồn tham khảo:
Admin: Thu Trang