top of page

Những điều cha mẹ cần biết về ngôn ngữ của trẻ từ 5 - 6 tuổi

Giai đoạn 5 đến 6 tuổi, trẻ thành thạo hơn trong việc ghép các từ lại với nhau theo những cách mới và giàu trí tưởng tượng. Cách giao tiếp hay kể chuyện của trẻ cũng trở nên phức tạp hơn. Với trẻ đã học tiếng Anh một thời gian dài trước đó (qua việc học ở nhà, ở trường mẫu giáo hay trung tâm), đến giai đoạn này trẻ bắt đầu quen với cách phát âm và cách kết hợp các âm để tạo thành từ tiếng Anh.


Đặc điểm ngôn ngữ ở trẻ 5 - 6 tuổi


Với trẻ 5 - 6 tuổi, ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở nghe - nói. Khả năng ngôn ngữ của trẻ 6 tuổi sẽ cần phát triển ở cả kĩ năng đọc và viết.


Kỹ năng nói

Khi 5 tuổi, trẻ phát âm rõ ràng, dễ hiểu. Không chỉ người thân mà người lạ lần đầu tiên nghe cũng có thể hiểu toàn bộ những gì trẻ nói. Mặc dù vậy, trẻ còn phát âm sai vài âm hoặc từ.


Với tiếng Việt, trẻ có thể còn phát âm sai “l/n” hoặc sai dấu thanh như dấu ngã đọc thành dấu sắc (VD: “con bị ngã” thành “con bị ngá”). Còn với tiếng Anh, trẻ vẫn gặp khó khăn khi nói các âm như âm /r/, /l/ hoặc /θ/ (“th”).


Đến 5 tuổi, hầu hết các trẻ có thể diễn đạt chính xác khi nói về các sự kiện trong quá khứ và tương lai. Trẻ cũng bắt đầu hiểu một số khái niệm về thời gian, có thể phân biệt được các ngày trong tuần.


Ảnh: edit on Canva


Các bé có thể hiểu và kết hợp các từ để tạo thành các câu chủ động cũng như câu bị động. Các thể dùng các cách khác nhau để diễn đạt cùng một ý. Ví dụ: “Con chó đuổi theo con mèo.” và “Con mèo bị con chó đuổi theo.”


Ở độ tuổi 5 - 6, trẻ có thể làm theo các hướng dẫn phức tạp, nhiều bước. Và khi hiểu rằng các từ đơn lẻ có thể có nghĩa khác nhau, trẻ cũng bắt đầu sử dụng từ ngữ hợp với ngữ cảnh hơn.


Khả năng kể chuyện

Khi 5-6 tuổi, trẻ kể chuyện tốt hơn nhiều. Những câu chuyện của trẻ dài hơn, chi tiết hơn và cũng có thể có ý nghĩa hơn. Đó là những câu chuyện đã thực sự xảy ra hoặc do trẻ tự sáng tạo dựa trên các chủ đề, nhân vật chúng đã biết. Câu chuyện “bịa đặt” của trẻ có thể bao gồm tất cả các yếu tố của một câu chuyện cổ điển: tình huống bắt đầu, nguyên nhân, vấn đề, giải pháp và cách giải quyết.


Ảnh: edit on Canva


Khi trẻ tiếp tục học và thực hành ngôn ngữ, khả năng kể chuyện của chúng sẽ được cải thiện. Dần dần, bạn sẽ dễ biết trẻ đang nói về ai khi chúng kể chuyện và các sự kiện ăn khớp với nhau ra sao.


Kĩ năng đọc và viết

Ở độ tuổi 5-6, trẻ cũng phát triển các kỹ năng cho việc học đọc. Thông qua: nhận thức âm vị, bao gồm khả năng ghép vần, nhận biết các chữ cái và âm tương ứng của chúng. Cụ thể, trẻ đã biết rằng các từ được tạo thành từ các âm và âm tiết khác nhau.

Ví dụ: khi ghép các âm “c” và “a” lại với nhau, chúng sẽ tạo thành từ “ca” (cái ca). Trẻ càng có kỹ năng nhận biết ngữ âm tốt thì sẽ càng đọc và đánh vần tốt hơn.


Nhiều trẻ trong độ tuổi 5 - 6 đã biết bảng chữ cái và số đếm đơn giản. Nếu cha mẹ để ý thấy trẻ có sự tò mò với chữ hay số thì có thể giới thiệu với con ở giai đoạn này.


Từ 5-6 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu cách đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Có thể bắt chước đọc bằng cách nhìn vào hình ảnh và nhận biết được một số chữ cái khi đọc.


Trẻ đã có thể tự viết tên mình và một số thứ thân thuộc. Chúng cũng đã viết được chữ hoa và chữ thường một cách rõ ràng.



Đọc thêm



Cách giúp phát triển song ngữ ở trẻ 5 - 6 tuổi


Với trẻ mới tiếp xúc tiếng Anh ở giai đoạn này, trẻ vẫn cần bắt đầu từ những từ vựng đơn giản nhất. Tuy nhiên, vì trẻ đã hiểu các khái niệm đó trong tiếng Việt nên khi thiết kế hoạt động cho trẻ vừa chơi vừa học tiếng Anh, cần chú ý xem nó có dễ quá với trẻ về mặt nhận thức không.


Điều quan trọng là cha mẹ hoặc người dạy cần truyền cho trẻ sự hứng thú với một ngôn ngữ mới. Nếu bắt trẻ học tiếng Anh trong môi trường và bầu không khí căng thẳng, trẻ sẽ dễ chán nản và không thích bởi lúc này trẻ đã có chính kiến “Tại sao phải học tiếng Anh?” Nên học thông qua chơi vẫn là cách tiếp cận tốt nhất với trẻ 5 - 6 tuổi.


Ảnh: edit on Canva


Sau đây là một vài lưu ý khi ban dạy tiếng Anh cho trẻ 5 - 6 tuổi:

  • Sử dụng ngôn ngữ đơn giản: Sử dụng ngôn ngữ đơn giản và câu ngắn để giúp trẻ hiểu những gì bạn đang nói. Tránh sử dụng từ vựng hoặc ngữ pháp phức tạp mà trẻ có thể khó hiểu.

  • Lặp lại và diễn đạt lại: Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc diễn đạt ý mình, hãy lặp lại và diễn đạt lại những gì trẻ đã nói để giúp trẻ làm rõ suy nghĩ của mình.

  • Đọc sách cùng nhau: Đọc sách cùng nhau có thể giúp trẻ học từ vựng và cấu trúc câu mới, cũng như cải thiện kỹ năng nghe và hiểu.

  • Chơi trò chơi: Chơi các trò chơi khuyến khích việc trò chuyện và phát triển ngôn ngữ, chẳng hạn như "I Spy", "20 Questions" hoặc "Simon Says".

  • Thường xuyên khen ngợi, động viên trẻ: Đưa ra phản hồi tích cực và khen ngợi trẻ vì những nỗ lực của chúng, ngay cả khi trẻ nói có lỗi sai. Điều này có thể giúp xây dựng sự tự tin và động lực của trẻ để tiếp tục cố gắng.

Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ của riêng mình, vì vậy điều quan trọng là phải kiên nhẫn và liên tục hỗ trợ cũng như khuyến khích khi trẻ học nói tiếng Anh song song với tiếng Việt.


Đối với trẻ 5 - 6 tuổi, đã đến lúc cha mẹ cần quan tâm hơn đến các kỹ năng ngôn ngữ để trẻ sẵn sàng bước vào tiểu học (tức là cả 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết). Hy vọng những thông tin trên giúp bạn nhận biết được được đặc điểm của con để có cách đồng hành cùng con hiệu quả.





--------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!

61 views0 comments
bottom of page