top of page

Những điều cha mẹ cần biết về ngôn ngữ của trẻ từ 3 - 4 tuổi

Updated: Feb 26, 2023

Trẻ từ 36 đến 48 tháng tuổi (3 - 4 tuổi) có thể nói chuyện, diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng. Chúng cũng đã biết kể chuyện theo thứ tự đơn giản trước - sau. Trong câu chuyện của trẻ giai đoạn này sẽ có lúc pha trộn giữa sự việc thật và việc trẻ tự tưởng tượng. Cùng với học ngôn ngữ nói, trẻ độ tuổi này cũng bắt đầu làm quen tò mò với ngôn ngữ đọc và viết.


Trẻ từ 3 đến 4 tuổi thể hiện ngôn ngữ như thế nào?


Giai đoạn này, trẻ tiếp tục phát triển ngôn ngữ nói của mình bằng cách được tham gia vào các cuộc nói chuyện, được lắng nghe và trả lời. Trẻ thường học được từ mới mỗi khi bạn sử dụng từ mới với trẻ. Vì vậy, các gia đình có nhiều thời gian giao tiếp hàng ngày với trẻ sẽ có cơ hội giúp trẻ học ngôn ngữ nhiều hơn.


Khoảng 4 tuổi, trẻ đã hiểu được nhiều “quy tắc” giao tiếp trong gia đình và trong cộng đồng mình sinh sống. Trẻ cũng thích học các từ “có tầm cỡ”, như tên của các loại xe tải chuyên dùng, tên các loài khủng long cụ thể.


Bên cạnh đó, trẻ lên 4 cũng hiểu được rằng các ký tự (chữ in) trên một trang sách khác với các hình ảnh. Chúng biết rằng các ký tự hay chữ cái sẽ tạo thành các từ. Trẻ sẽ dần hiểu khi nhiều người khác nhau đọc cùng một từ thì từ đó vẫn đọc y như vậy. Chúng quan tâm đến hoạt động vẽ, viết (nguệch ngoạc) và sẽ tập tành viết các ký tự và các từ, dù ở độ tuổi này trẻ chưa thực sự biết viết chữ.


Nếu trẻ đã có thói quen nghe bố mẹ đọc sách truyện trước đó, thì đến lúc này, trẻ có thể biết “giả bộ” đọc sách, lật giở sách và “kể chuyện” theo trí nhớ của mình bằng cách nói về các hình ảnh. Nhiều trẻ cũng đã thuộc và hát được một số bài hát.



Quá trình phát triển song ngữ của trẻ từ 3 đến 4 tuổi


Trẻ con rất nhạy trong việc học ngôn ngữ và có khả năng học hai hay thậm chí nhiều ngôn ngữ trước khi chúng bắt đầu đi học cấp 1. Bên cạnh việc nói tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ chính, trẻ có thể bắt đầu học tiếng Anh nếu gia đình có bố mẹ nói được song ngữ hoặc học ở trường mẫu giáo.


Ở giai đoạn này, nếu bạn không biết tiếng Anh, bạn có thể hỗ trợ con bằng cách nói chuyện, đọc sách hát cho con nghe bằng tiếng Việt. Mục đích là để con có kĩ năng nói tốt và có sự nhanh nhạy với ngôn ngữ. Bằng cách này, trẻ tạo được nền tảng thuận lợi cho chúng khi bắt đầu học ngôn ngữ mới là tiếng Anh.

Những trẻ có cơ hội nói song ngữ ở độ tuổi đầu đời này sẽ hưởng lợi từ việc sử dụng hai ngôn ngữ trong suốt cuộc đời mình.

Còn nếu ba mẹ nói được tiếng Anh, phát âm rõ ràng thì có thể cho con làm quen với tiếng Anh qua việc trò chuyện, đọc sách tranh đơn giản bằng tiếng Anh, hát cùng con các bài hát tiếng Anh cho trẻ nhỏ (songs for babies and toddlers). Để con không bị lẫn lộn 2 tiếng trong giai đoạn đầu, ba mẹ nên phân chia nói song ngữ theo khung thời gian rõ ràng: khi nào nói tiếng Anh, khi nào nói tiếng Việt.


Ba mẹ muốn giao lưu, học hỏi cùng các bà mẹ đang thực hành dạy con song ngữ, hãy tham gia vào group dạy trẻ song ngữ trên Facebook của chúng mình nhé! Một cộng đồng chân thật, tử tế, lành mạnh để khích lệ những người mẹ.


Trẻ từ 3 đến 4 tuổi học kĩ năng đọc và viết như thế nào?


Không chỉ học ngôn ngữ nói, trẻ từ 3 đến 4 tuổi cũng bắt đầu tò mò làm quen với ngôn ngữ đọc và viết. Đọc sách giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách mạnh mẽ và tiếp cận với các loại thông tin khác nhau. Cho nên, đọc cùng con là điều quan trọng mà bạn có thể làm để giúp trẻ chuẩn bị cho việc biết đọc và dễ dàng bắt nhịp ở trường học sau này.


Việc đọc không chỉ giới hạn ở sách. Trẻ cũng bị hấp dẫn bởi các bảng hiệu, biển báo, lời chỉ dẫn, quảng cáo.... Những điều này thậm chí còn giúp trẻ hăng hái học đọc nhiều hơn.


Trẻ bắt đầu việc đọc bằng cách ghi nhận các hình ảnh. Trẻ biết rằng người ta có thể gọi tên và nói chuyện về hình ảnh. Trẻ cũng có thể kể các câu chuyện về hình ảnh trong sách theo cách của chúng. Và cuối cùng, trẻ biết được rằng các ký tự trên giấy (chữ) đang "kể chuyện" về các hình ảnh có trong quyển truyện đó.


Ví dụ: trẻ bắt đầu hiểu rằng có mối quan hệ giữa hình ảnh của quả táo với các mẫu tự a-p-p-l-e trên trang sách tượng trưng cho ý tưởng về quả táo đó.


Bên cạnh đó, vào năm 4 tuổi, nhiều trẻ đã biết một số công dụng của việc viết chữ. Chúng biết các chữ, các từ ngữ có ở nhiều nơi như sách, tivi, máy tính, điện thoại, bảng hiệu ở cửa hàng,... Trẻ dần hiểu rằng người ta có thể sử dụng chữ viết để gửi tin nhắn cho người khác.



Khi vẽ, trẻ có xu hướng muốn viết các ký tự. “Ký tự” của trẻ có thể chưa giống các ký tự thông thường lắm, nhưng sẽ bắt đầu giống nét chữ hơn so với giai đoạn trước. Trẻ có thể tạo ra các đường nguệch ngoạc trên cả trang giấy rồi nói, “Đây là câu chuyện về con sói đáng sợ đó mẹ ạ". Sau đó, trẻ có thể vẽ một số vòng tròn ở cuối trang rồi nói, “Còn đây là hình của con sói”.

Viết hay vẽ nguệch ngoạc là một bước nền tảng để trẻ học viết chữ sau này.

Gợi ý 7 cách để hỗ trợ trẻ 3 đến 4 tuổi phát triển ngôn ngữ


Hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ không phải là điều gì quá cao siêu, mà khi bạn nói chuyện với trẻ cũng là lúc bạn dạy chúng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Vì vậy, trò chuyện để con có điều kiện sử dụng ngôn ngữ là toàn bộ những gì mà bạn và gia đình cần làm. Người lớn trong gia đình càng trò chuyện với trẻ nhiều bao nhiêu, trẻ càng học được ngôn ngữ nhiều bấy nhiêu.


Do đó, để tạo điều kiện sử dụng ngôn ngữ tối đa với trẻ, bạn có thể tham khảo các cách sau đây:


Nói chuyện với trẻ bất cứ khi nào có thể: đây là cách cơ bản và đơn giản nhất. Khi ngồi xe, đi siêu thị, làm việc nhà, chơi với trẻ… hãy dành thời gian cùng trò chuyện, bạn có thể nói về những gì bạn đang thấy, những điều trẻ đang làm, cảm giác của trẻ…


Thêm một số từ mới khi nói chuyện với trẻ: một trong những cách xây dựng vốn từ tự nhiên cho trẻ là giới thiệu các từ mới cùng với những gì trẻ đã quen thuộc để chúng có thể hiểu các từ mới dễ dàng hơn.

Ví dụ: Khi trẻ đã biết “Con chó con.” bạn sẽ giới thiệu thêm từ vựng thông qua cung cấp nhiều thông tin hơn cho trẻ “Con chó con lông xù, đang nằm cạnh cái ghế đẩu và vẫy đuôi.”


Chia sẻ các câu chuyện với trẻ: các câu chuyện không chỉ mang lại cơ hội để bạn chia sẻ với trẻ mà còn giúp trẻ cảm thấy được kết nối với bạn, hứng thú hơn với việc học ngôn ngữ. Ngoài ra, bạn có thể dùng câu chuyện để truyền đạt các bài học cụ thể, ví dụ như lòng biết ơn, sự cẩn thận, tính kiên trì… để thông qua đó bé được tiếp cận với nhiều từ mới.


Hỏi trẻ những câu hỏi mang tính chi tiết, gợi mở: khi trò chuyện với trẻ, hãy cố gắng hỏi chi tiết hơn. Việc hỏi thêm giúp trẻ suy nghĩ sâu hơn về những gì chúng biết và tìm các từ để mô tả nó. Trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ của mình khi cố gắng trả lời câu hỏi của bạn. Bạn cần lưu ý hỏi những câu khiến trẻ đưa ra ý kiến của riêng mình (tránh các câu hỏi chỉ trả lời hoặc Không) để trẻ sáng tạo và suy nghĩ nhiều hơn.

Ví dụ: “Con đang làm gì vậy? À, con đang chơi xe, xe này là xe gì? Để làm gì vậy con? Xe có mấy bánh? Con đã thấy xe này ở đâu?”


Để trẻ trả lời những câu trẻ đã hỏi bạn: trẻ ở giai đoạn này có hàng ngàn câu hỏi, một cách để bạn “nhàn” hơn mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển ngôn ngữ của trẻ là hỏi lại chúng. Khi hỏi lại trẻ, bạn đang khuyến khích con nghĩ về các từ và đem lại cho con nhiều cơ hội hơn để tham gia trò chuyện với bạn.

Ví dụ: Khi bé hỏi “Tại sao hôm nay đám mây có màu trắng, có phải sắp mưa không mẹ?” Bạn có thể đáp lại “Câu hỏi của con hay quá. Vậy con nghĩ trời có mưa không? Khi nào thì mây màu trắng vậy con?”


Lắng nghe trẻ: trẻ sẽ nói chuyện nhiều hơn khi biết bạn biết lắng nghe chúng. Và khi càng nói chuyện nhiều, trẻ càng thực hành ngôn ngữ nhiều hơn. Bạn có thể để trẻ biết bạn đang lắng nghe chúng thông qua tiếp xúc bằng mắt, không xen vào lời trẻ, không bấm điện thoại khi trẻ nói, lặp lại lời trẻ, đặt câu hỏi và thường xuyên tạo “thời gian nói chuyện” với trẻ…


Sử dụng công nghệ: trong thời đại hiện nay, trẻ có thể tiếp cận với công nghệ khá sớm, bạn có thể tận dụng để quay/ chụp lại những lúc trẻ nói chuyện, chơi hoặc hát… và dùng nó để là chủ đề cho các cuộc trò chuyện tiếp theo. Tuy nhiên, hãy để công nghệ lưu giữ khoảnh khắc và hỗ trợ bé phát triển chứ đừng lạm dụng nó. Tức là không nên cho con xem vì việc xem quá nhiều trước màn hình không hỗ trợ trẻ học nói.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây! Với những thông tin cơ bản này, mong bạn có thể hiểu rõ hơn về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trong độ tuổi 3 - 4 tuổi và nắm bắt những cách đơn giản để hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ lẫn song ngữ một cách hiệu quả.




Nguồn: https://allaboutyoungchildren.org/wp-content/uploads/2013/09/english-language-literacy-36-48.pdf

Lưu ý:

Bài viết được dịch và biên tập bám sát thông tin từ trang web allaboutyoungchildren (Bộ Giáo dục bang California, Mỹ). Các thông tin về cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà bạn đọc trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là nhận định mang tính chuyên môn y tế, sức khỏe về sự phát triển của trẻ. Quan trọng hơn, vì mỗi em bé là khác nhau nên có tốc độ phát triển khác nhau, vì vậy không phải tất cả các em bé ở độ tuổi này đều có các biểu hiện được nhắc đến trong bài.

--------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!


76 views0 comments
bottom of page