top of page

Những điều cha mẹ cần biết về ngôn ngữ của trẻ 9 - 18 tháng tuổi

Updated: Feb 26, 2023

Giai đoạn từ 9 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi là lúc trẻ tập đi, nhận thức của trẻ về thế giới rộng mở hơn do trẻ chủ động di chuyển được. Nhờ việc bước đi, não trẻ trở nên linh hoạt, khả năng hiểu và tiếp thu ngôn ngữ cũng phát triển hơn.


Thông thường, đây là giai đoạn trẻ học nói một cách mạnh mẽ, nhưng âm thanh các từ phát ra chưa tròn vành rõ tiếng, nên chỉ các thành viên gia đình hay ai gần gũi nhất mới có thể hiểu trẻ nói gì. Thậm chí đến khi trẻ 2 - 3 tuổi vẫn có lúc cha mẹ không nghe ra trẻ đang nói gì ở lần đầu tiên. Điều này là hoàn toàn bình thường. Vậy ở giai đoạn này, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ nên làm gì để hỗ trợ khuyến khích con nói?


Cách trẻ 9 - 18 tháng tuổi phát triển kĩ năng nói


Quy tắc cơ bản nhất để cha mẹ hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên, là trả lời con như cách đang nói chuyện với một người lớn. Nghĩa là, khi trẻ nói: “ton tó”, cha/mẹ trả lời: “Đó là một con chó” thay vì lặp lại cách nói của trẻ “ton tó”.


Ảnh: edit on Canva


Trẻ trong giai đoạn 1 - 7 tuổi đều có thể nói ngọng, nói chưa rõ chữ chứ không phải chỉ trong 18 tháng đầu đời. Thứ nhất là bởi sự phối hợp các bộ phận: lưỡi, răng, môi, cách dùng hơi để tạo ra âm thanh khi nói của con ở giai đoạn này chưa thành thục như người lớn. Thứ hai là nếu xung quanh trẻ mọi người đều nói không chuẩn một số từ, thì trẻ sẽ học và nói theo như vậy.


Vậy nên khi nghe thấy con nói chưa chuẩn, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh lặp lại từ đó theo cách nói đúng, chứ không nên cố gắng nhấn mạnh việc con đang nói sai hay phát âm sai. Điều này nên áp dụng cả khi cha mẹ dạy trẻ tiếng Anh hay tiếng Việt. Chúng ta chỉ cần lặp lại câu hoặc từ của con bằng cách phát âm đúng, chứ không cần căng thẳng bảo con nhắc lại đến khi đúng mới thôi.


Trẻ nhỏ có thể chủ động sao chép ngôn ngữ của bạn và sẽ học được cách nói chính xác dần dần theo thời gian từ các cuộc trò chuyện thường xuyên với cha mẹ hay người chăm sóc.

Ở độ tuổi này, trẻ thường sử dụng một từ mà trẻ biết nói đầu tiên để chỉ một số vật tương tự nhau. Ví dụ: nếu chúng biết đến con mèo đầu tiên, thì có thể gọi con mèo, con chó, con dê và con bò đều là “con mèo”. Bởi trẻ nhận thấy các con vật này đều có lông và bốn chân, nhưng chưa thể nói hết tên gọi riêng khác nhau của từng loài, trừ khi con được tiếp xúc và bố mẹ giới thiệu thường xuyên qua tranh ảnh, sách truyện.


Hiểu về ngôn ngữ tiếp thu ở trẻ 9 - 18 tháng tuổi


“Ngôn ngữ tiếp thu” là khái niệm để chỉ tất cả những từ và ý tưởng mà các trẻ nghe và hiểu. Có thể cha mẹ sẽ thấy con chưa nói được nhưng đã có thể hiểu những gì cha mẹ nói nhiều hơn trước và làm theo các hướng dẫn đơn giản.


Nguồn ngôn ngữ để trẻ thu nạp lúc này chủ yếu vẫn là từ gia đình, từ người chăm sóc gần gũi trẻ nhất. Với trẻ đã đi học thì cô giáo cũng là một nguồn ảnh hưởng để cách trẻ học nói.


Trẻ nhỏ ở giai đoạn này có thể hiểu được những yêu cầu đơn giản ví dụ: “Con lấy cho bố cái áo màu đỏ kia nhé”.


Hiểu về ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ 9 - 18 tháng tuổi


“Ngôn ngữ diễn đạt” bao gồm tất cả các âm thanh và lời nói mà trẻ tạo ra. Trẻ mới biết đi sẽ vẫn sử dụng âm thanh, tiếng khóc và cử chỉ để truyền đạt cảm giác, nhu cầu và suy nghĩ của mình, kết hợp với các từ đơn giản mà trẻ đã nói được.


Cử chỉ thường thấy ở trẻ giai đoạn này như: trẻ biết vẫy tay, chỉ trỏ, vươn người tới, kéo, đẩy.


Trẻ tập đi có thể nói lẫn các âm thanh và từ với nhau ở giai đoạn bắt đầu nói. Chúng thường sử dụng một từ để diễn đạt cả một ý. Ví dụ: trẻ nói “bế” và đưa tay về phía mẹ, có nghĩa là “Mẹ bế con”, hay trẻ nói “Mẹ” và đưa mắt quay đầu xung quanh tìm mẹ, có thể có nghĩa là “Mẹ đâu?”


Trẻ nhỏ đang tập nói có thể thích lặp đi lặp lại các từ mà chúng ta nói với trẻ, nhất là từ ở cuối câu vừa được nói ra.

Cuộc nói chuyện của một em bé 18 tháng tuổi có thể diễn ra như sau:


Trẻ: Tó ton (ý trẻ muốn nói “chó con”).

Cha/mẹ (nên) gợi mở các thông tin: Hôm qua, chúng ta đã thấy một con chó con ở sân chơi. Con chó đó màu gì con nhỉ?

Trẻ: màu ắng (màu trắng).

Cha/mẹ (lặp lại với sự khẳng định): Đúng rồi, đó là một con chó màu trắng.

Trẻ: i tơi mẹ ơi? (đi chơi mẹ ơi)

Cha/mẹ: Lát nữa mình sẽ đi ra sân chơi nếu con muốn. Chúng ta cần đội mũ và mặc áo khoác. Con có nghĩ là con chó hôm trước chúng ta gặp vẫn còn ở đó không?


4 Mẹo giúp cha mẹ phát triển ngôn ngữ cho trẻ 9 - 18 tháng


Các tips sau đây về cơ bản được phát triển dựa trên các gợi ý phát triển ngôn ngữ cho trẻ 0 - 8 tháng nhưng cần cha mẹ hay người chăm sóc trẻ mô tả ở một mức độ cụ thể hơn, để con tiếp xúc với nhiều từ vựng và cách diễn đạt mới.


Ảnh: edit on Canva


1. Hãy cố gắng kể chi tiết về những gì cha mẹ hoặc trẻ đang làm hoặc sắp làm, hoặc kể lại những chuyện đã xảy ra


Luôn nói trước cho con điều mà bạn sắp làm


“Mẹ sẽ lấy áo khoác cho con để chúng ta đi ra ngoài nhé vì ngoài trời đang lạnh.”

“Đây là áo của con. Con có muốn mẹ giúp con mặc áo không?”

“Mẹ sẽ đi giày trước, sau đó chờ con ở ngoài cửa, con đi lấy giày của con nhé.”


Miêu tả việc trẻ đang làm


“Con đang nhìn máy bay trên trời phải không? Con có nghe thấy tiếng máy bay kêu vèo vèo không?”

“Mẹ thấy con đã nhặt mấy viên đá liền. Viên này có hình tròn, còn viên này hình tam giác.”

“Con đã chơi rất vui phải không? Mẹ thấy mồ hôi đầy trên trán con và cả lưng áo con nữa.”


Kể cho con về việc đã trải qua


“Hôm nay con đã gặp bạn Tôm ở dưới sân chơi, và 2 con đã cùng chơi bập bênh, chơi cầu trượt rất vui.”

“Hôm nay mình vừa vẽ hình gì nhỉ? Hình gì có màu vàng, có lá xanh, có cả chú ong bay xung quanh nhỉ?”

“Hôm qua chúng ta đã đọc truyện gì nhỉ? Truyện có bạn cừu, bạn bò và bạn gì con nhỉ?"


2. Dùng một cụm từ, câu cố định cho những thói quen, hoạt động diễn ra theo chu kỳ cố định hàng ngày


Các lịch trình cố định hàng ngày (trong tiếng Anh là routine) là tập hợp các hoạt động có thể đoán trước luôn diễn ra theo cùng một thứ tự. Khi bạn luôn dùng một cụm từ hay câu cố định để nói về một việc đã quen thuộc, trẻ sẽ luôn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ví dụ:

- Trước khi đi ngủ, mình thường nói với con: "Chúc con ngủ ngon! Mẹ yêu con” bằng tiếng Anh là Good night, I love you so much!

- Khi dọn dẹp đồ chơi, mình hay hát bài hát “Clean up”: “Clean up, clean up, everybody let’s clean up. Clean up, clean up, put your toys away.”

- Đến giờ đọc truyện, mình sẽ nói: “It’s time to read book” hay “Story time” là bé nhà mình biết leo lên giường đi tìm truyện đưa mẹ đọc.


3. Hãy nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần vào từ mới mà bạn muốn con bạn nhớ và học


Trẻ cần nghe đi nghe lại một từ mới để học được cách đọc đúng và ghi nhớ nghĩa. Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng một từ mới thường xuyên (thay vì không thường xuyên) sẽ giúp trẻ học từ vựng nhanh hơn!


Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng dạy con từ “thêm”, bạn có thể nói: “Chúng ta có rất nhiều canh! Con có muốn ăn thêm một chút không? Để mẹ đổ thêm canh vào bát cho con nào!”


Bằng cách nói từ “thêm” trong hai câu liên tiếp, chúng ta đang giúp trẻ tiếp xúc với từ mới một cách lặp đi lặp lại.


Ngoài việc lặp lại từ đó, bạn có thể khiến trẻ chú ý đến từ đó hơn nếu bạn làm cho từ đó nổi bật so với các từ còn lại. Như là nói chậm lại và phóng đại từ mà bạn muốn con mình chú ý. Nếu từ đó liên quan đến một cảm xúc, hãy thay đổi giọng điệu của bạn để giúp diễn đạt sắc thái của từ.


Sử dụng cử chỉ, hành động hoặc kết hợp với đồ vật để minh họa khi bạn nói từ đó! Liên kết một từ mới với một cử chỉ, hành động hoặc đồ vật là một cách hay để giúp con học từ vựng mới.


Ví dụ về sự nhấn mạnh: Bạn nói "I open the box” trong khi bạn mở cái hộp, cố gắng nói từ "open" một cách biểu cảm hơn so với các từ còn lại.

Ví dụ về việc kết hợp hành động, cử chỉ: bạn vừa lắc đầu vừa nói “No” để thể hiện từ “Không”. Hay bạn giơ hai tay lên và đứng lên trong khi bạn nói “Stand up!”.


4. Đọc sách cho con để phát triển ngôn ngữ


Nếu bạn đã giới thiệu với trẻ về sách ở giai đoạn trước đó, thì giai đoạn này sẽ là lúc trẻ thích thú với việc tự khám phá sách. Đọc sách ở giai đoạn này là cách hữu ích để giúp con củng cố các từ vựng mà con được tiếp xúc hàng ngày cũng như tìm hiểu thêm về những gì con ít khi thấy bên ngoài.


Một số lưu ý cho cha mẹ khi đọc sách cùng con ở giai đoạn này:

- Hãy để cho trẻ lật giở đến trang chúng thích, hoặc quyết định sẽ đọc quyển gì.

- Trẻ cũng có thể thích đọc đi đọc lại một vài quyển nhất định. Với mỗi lần đọc lại, hãy xem đó là một lần để trẻ khám phá một điều gì mới từ các tình tiết câu chuyện.

- Khi con chỉ tay vào một hình, cha mẹ hãy giúp con gọi tên những gì trẻ chú ý.


Bạn có thể xem thêm gợi ý về cách đọc sách cho con tại bài viết: https://www.daytresongngu.com/post/cach-doc-sach-cho-tre-0-3-tuoi


Hy vọng những thông tin trên đã giúp cha mẹ có thêm gợi ý trong việc phát triển ngôn ngữ cho con ở giai đoạn 9 - 18 tháng. Hãy nhớ rằng những mẹo này sẽ hữu ích cho cả việc học tiếng Anh hoặc tiếng Việt của trẻ, cha mẹ nhé.


Hồng Thủy (Mẹ Cá)


Nguồn tham khảo:

Lưu ý:

Các thông tin về cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà bạn đọc trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là nhận định mang tính chuyên môn y khoa về sự phát triển của trẻ. Quan trọng hơn, vì mỗi em bé là khác nhau nên có tốc độ phát triển khác nhau. Vì vậy không phải tất cả các em bé ở độ tuổi này đều có các biểu hiện được nhắc đến trong bài.

--------------


Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.

Chân thành cảm ơn bạn!

95 views0 comments
bottom of page