top of page

Giới thiệu sách hay về việc đọc cho trẻ: “Người Mỹ giúp con ham đọc sách”

Updated: Jun 24, 2023

Trong bài blog tuần này, Mẹ Cá xin giới thiệu về một cuốn sách hữu ích cho cha mẹ liên quan đến việc làm sao để con yêu thích việc đọc. Đó là cuốn “Người Mỹ giúp con ham đọc sách”. Mình tin rằng cuốn sách này không chỉ người Mỹ mới áp dụng được, mà mọi ba mẹ đều có thể tìm thấy điều hữu ích cho gia đình mình.

“Người Mỹ giúp con ham đọc sách” là cuốn sách nằm trong bộ sách gồm 8 tập có tên “Helping Your Child” do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ xuất bản và phát hành miễn phí cho các phụ huynh Mỹ có con trong độ tuổi mầm non. Thương hiệu Ehomebooks thuộc nhà phát hành sách Quảng Văn đã dịch và phát hành bản tiếng Việt.


Cuốn sách này sẽ cung cấp cho các cha mẹ có con từ 0 - 6 tuổi những thông tin về:

  • Cha mẹ nên đọc cho con và đọc cùng con như thế nào

  • Các cách giúp trẻ học về sách và chữ in

  • Cách khuyến khích những trải nghiệm tập viết đầu tiên của trẻ

  • Cách giúp trẻ học đọc tiếng Anh khi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của trẻ

  • Các cột mốc phát triển về ngôn ngữ và nhận thức của trẻ (ở đây là trẻ Mỹ)


Thông điệp của sách: “Là cha mẹ, điều quan trọng nhất mà chúng ta nên làm là đọc sách cho con sớm và thường xuyên. Đọc sách là con đường dẫn đến thành công cả ở trường và trong cuộc sống. Khi trẻ em học cách yêu những cuốn sách, chúng cũng học cách khám phá tri thức”.


Ngay từ những trang đầu tiên, các nhà giáo dục Mỹ đã khích lệ cha mẹ hãy cứ đọc cho con dù cha mẹ không học rộng, học cao bởi đây là điều cơ bản nhất để đưa con vào thế giới của sách.


“Bạn không cần phải là người đọc giỏi nhất mới có thể giúp con. Chính thời gian, sự quan tâm và niềm vui bạn chia sẻ với con khi cùng nhau đọc sách mới thật đáng giá". (trích sách)


Bên cạnh việc khích lệ cha mẹ, cuốn sách còn mang đến những hướng dẫn tỉ mỉ cho cha mẹ, từ lúc con 0 tuổi tới khi con có thể tự đọc sách (6 - 7 tuổi). Và cuốn sách cũng chỉ ra những việc quan trọng khác cha mẹ cần làm để nuôi dưỡng tình yêu sách lâu bền và tự nhiên nhất trong trẻ. Đó là sau những giờ đọc sách cho con, cha mẹ tiếp tục trò chuyện với con về những sự kiện, nhân vật trong các câu chuyện đã đọc cùng con…


Cuốn sách chia ra các hướng dẫn gợi ý cho bố mẹ dựa vào khả năng tiếp nhận của trẻ ở từng độ tuổi. Cụ thể là 4 nhóm:

  • Nhóm Sơ sinh: trẻ mới sinh đến 3 tuổi

  • Trẻ mới biết đi: từ 1 đến 3 tuổi

  • Trẻ mẫu giáo bé: từ 3 và 4 tuổi

  • Trẻ mẫu giáo lớn và đầu lớp 1: từ 5 - 6 tuổi.


Một số ý mà mình tâm đắc trong sách


Việc chọn sách: đây là một điều quan trọng được cuốn sách nhấn mạnh để giúp con ham đọc sách. Cha mẹ cần chọn những cuốn sách phù hợp với con, với sở thích, đặc điểm của em bé mỗi giai đoạn.


Với trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi, sách “Người Mỹ giúp con ham đọc sách” nhấn mạnh: “Hãy để bé làm quen với sách từ dưới một tuổi”.


Tip chọn sách cho độ tuổi này: Hãy để bé cầm và nghịch những cuốn sách thiết kế riêng cho độ tuổi nhỏ, như: sách bìa cứng với trang bìa cứng cáp và các trang bên trong dày cứng; sách vải mềm để trẻ không cắn xé và có thể đem giặt,…”.


Tip khi đọc:

  • Cha mẹ hãy đọc chậm, thi thoảng đan xen vừa đọc vừa trò chuyện với con, nói lên suy nghĩ của bản thân về những gì mình đang đọc.

  • Cha mẹ cố gắng để việc đọc truyện cho con nên trở thành hoạt động thường nhật.

  • Mỗi ngày cha mẹ dành ít nhất 30 phút để nói chuyện và đọc sách cùng con. Nhưng không cần đọc 30 phút liên tục. Mà ban đầu, thời gian đọc chỉ cần là vài phút một lần, vài lần một ngày.


Khi con bắt đầu biết nói (trên 1 tuổi), cha mẹ hãy hỏi con những câu liên quan đến truyện đã đọc như “Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Nếu thấy trẻ không hiểu, cha mẹ hãy dừng lại, nói kỹ hơn về điều đó.


Khi bé 3 đến 5 tuổi, cha mẹ có thể cùng con đọc những cuốn sách với cốt truyện dài và nhiều chữ hơn trong mỗi trang. Đồng thời, cũng nên tìm những cuốn sách có thơ hoặc các bài có vần để đọc cùng bé.


Lúc bé chuẩn bị 6 tuổi, cha mẹ nên “thêm vào tủ sách một vài cuốn sách dành riêng cho trẻ mới tập đọc, gồm sách chia thành nhiều chương và sách có kèm thông tin thực tế dạng nonfiction, thay vì chỉ những cuốn truyện hư cấu, tưởng tượng”.


Bên cạnh đó, để giúp con yêu sách, cha mẹ cần cho con thấy bản thân cha mẹ cũng yêu thích đọc sách. Khi đưa trẻ đi thư viện, cha mẹ có thể tự chọn một cuốn sách cho mình. Tấm gương tốt từ cha mẹ sẽ tạo cho trẻ hứng thú, tò mò với sách.


Ngoài ra, các tác giả trong cuốn sách cũng lưu ý: cùng với quá trình bắt đầu học tiếng mẹ đẻ, thì độ tuổi 2-6 trẻ cùng đang trên đà để học tiếng Anh hay một ngôn ngữ khác. Vì vậy, hãy cùng trẻ đọc sách bằng tiếng Anh song song với việc tập đọc tiếng mẹ đẻ.


Ngoài những hướng dẫn trên, cuốn “Người Mỹ giúp con ham đọc sách” còn đưa ra các gợi ý hoạt động, trò chơi cho cả gia đình cùng làm. Các hoạt động này giúp bé trong độ tuổi 0 - 6 học và phát triển kỹ năng từ những việc trẻ cùng làm với cha mẹ hàng ngày.


Một lời khuyên quan trọng khác nữa mà mình chưa đọc được ở đâu trước đó, giữa một thế giới công nghệ đang bao trùm, đó là không nên ngăn cản cách ly trẻ với máy tính, mà ngược lại: cha mẹ cần giúp con học cách sử dụng máy tính sớm - một cách đúng đắn - để giúp con chuẩn bị cho việc đọc và học sau này.


Chi tiết cụ thể như thế nào, mời các mẹ đọc sách giấy hoặc nghe sách nói miễn phí tại ứng dụng Fonos. (mẹ Cá không được trả phí giới thiệu từ Fonos đâu nhưng nó đúng là cứu tinh trong những tháng bận rộn. Khi mình không có thời gian cầm được quyển sách giấy đọc yên tĩnh thì mình mở Fonos những lúc di chuyển hay làm việc nhà. Đó là cách để dù bận mấy, mỗi tháng mình cũng nghe được ít nhất 2 quyển). Cảm ơn Fonos vì không tính phí quyển này, tức là nó ở trong danh sách nghe miễn phí. Bạn chỉ cần tải app Fonos là nghe được trọn vẹn quyển này rồi.


Mình biết một thói quen không thể xây dựng trong một vài ngày, nhưng nếu không bắt đầu, không kiên trì thì sẽ không bao giờ hình thành. Muốn con cái yêu thích đọc sách, trước hết chúng ta hãy đọc cho con từ những năm tháng con còn chịu ngồi trong lòng mình. Chúc ba mẹ và các con sẽ tìm thấy thật nhiều giây phút vui vẻ khi đọc sách cùng nhau!




Có thể bạn quan tâm:


89 views0 comments
bottom of page