top of page

Thời gian tiếp xúc màn hình và sự phát triển song ngữ ở trẻ 0-6 tuổi

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều sẽ dẫn đến việc chậm phát triển các kỹ năng của trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. (Tiếp xúc màn hình ở đây bao gồm tivi, điện thoại, máy tính, máy tính bảng, …, bất kể là xem nội dung gì, đều gọi tắt là “Screen time”).


Mình cũng từng lo lắng về vấn đề này và cũng từng nhiều hơn một lần tự trách bản thân mỗi khi cho con xem tivi hay điện thoại. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, và thật khó để ngăn cấm con cái hoàn toàn khỏi các thiết bị điện tử.


Thực tế, tiếp xúc thiết bị điện tử không hoàn toàn có hại, nếu cha mẹ biết cân đối và cho con sử dụng hợp lý. Trong quá trình tìm hiểu và áp dụng với con, mình thấy có những thông tin hữu ích về “Hướng dẫn thời gian sử dụng thiết bị điện tử với trẻ nhỏ” được khuyến cáo bởi các chuyên gia nên muốn chia sẻ với các mẹ qua bài viết này.


I. Khuyến nghị về thời gian sử dụng thiết bị điện tử với trẻ nhỏ

Trong một bài báo được đăng ngày 21/ 08/ 2023 trên trang Forbes đã đưa ra hướng dẫn từ Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP) về thời gian sử dụng thiết bị đối với trẻ nhỏ như sau:


Nhóm trẻ dưới 2 tuổi


Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, các nhà chuyên môn đều khuyên chúng ta không nên cho trẻ dưới 2 tuổi tự sử dụng điện thoại, tivi, máy tính bảng… Vì thế, AAP khuyến nghị không nên cho trẻ nhìn thiết bị điện tử, ngoại trừ trò chuyện video với người thân.


Khi trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với chương trình chất lượng cao mang tính giáo dục. AAP cũng khuyên rằng, trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi chỉ được xem, nhìn màn hình điện tử khi có người lớn ở đó xem cùng và khi xem thì cha mẹ cần nói chuyện với con về nội dung đang xem.


Một nghiên cứu mới đây nhất được công bố ngày 23 tháng 8 năm 2023 trên JAMA Pediatrics, cũng cho thấy rằng trẻ em ở độ tuổi dưới 1 có thời gian tiếp xúc màn hình nhiều sẽ dẫn đến sự chậm phát triển trong kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề ở độ tuổi 2 – 4. 


(JAMA Pediatrics là tạp chí y khoa do Hiệp hội Y Khoa Hoa Kỳ xuất bản, bao gồm tất cả các khía cạnh của Nhi khoa.)


Nhóm trẻ từ 2 đến 5 tuổi


Khi trẻ lên 2 tuổi, nếu muốn cho con tiếp xúc thiết bị điện tử thì bạn nên giới hạn thời gian sử dụng màn hình ở mức không quá một giờ mỗi ngày. AAP nêu rõ: Người lớn vẫn nên xem chương trình cùng con mình và chọn lọc những chương trình “có tính tương tác, giáo dục, không bạo lực,và gần gũi với cuộc sống hàng ngày” phù hợp lứa tuổi của con.


Nhóm từ 5 đến 8 tuổi


Ở độ tuổi 5 đến 8, điều quan trọng là cha mẹ và người chăm sóc phải tiếp tục theo dõi việc sử dụng màn hình điện tử của con mình, đặc biệt để đảm bảo việc đó không ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng khác của con như giấc ngủ và tập thể dục. Cha mẹ cũng nên kiểm tra các chương trình, ứng dụng mà con mình đang xem để đảm bảo rằng nội dung đó an toàn và lành mạnh đối với trẻ.


Ở độ tuổi này, không còn khuyến nghị cụ thể nào về thời gian dành cho việc xem màn hình hàng ngày là bao nhiêu. Thay vào đó, các gia đình có trách nhiệm xác định những gì phù hợp với con và lịch trình của mình khi chúng qua tuổi mẫu giáo.


Nhóm từ 9 tuổi trở lên


Từ 9 tuổi trở lên, việc trẻ dùng thiết bị điện tử và các trang mạng xã hội để kết nối với mọi người sẽ nhiều hơn. AAP khuyến nghị các bậc cha mẹ nên nói chuyện với con mình về cách chúng sử dụng thiết bị điện tử, những gì chúng đang xem và những gì chúng học được thông qua việc sử dụng những thiết bị đó.


II. SỬ DỤNG THIẾT BỊ NHƯ NÀO ĐỂ HỖ TRỢ TRẺ HỌC NGÔN NGỮ THỨ HAI HIỆU QUẢ?


Chúng ta đều hiểu rằng, sự tương tác giữa con người với nhau là cách tốt nhất để trẻ học ngôn ngữ. Bằng cách nói chuyện và tương tác trực tiếp với con, hát cùng nhau và chơi cùng nhau, trẻ sẽ tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn nhiều so với việc nhìn vào màn hình.


Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình đang nuôi dưỡng những trẻ em song ngữ, việc tạo môi trường để giúp con tiếp xúc đầy đủ với ngôn ngữ thứ hai không phải tiếng mẹ đẻ có những hạn chế bởi nhiều yếu tố. Việc sử dụng thiết bị có thể là một cách thiết thực và tiết kiệm để cải thiện ngôn ngữ thứ hai. 


Việc cho phép trẻ xem các chương trình giải trí, giáo dục, khám phá khoa học, học tương tác… trên các phương tiện truyền thông từ người bản xứ có thể hỗ trợ trẻ phát âm được chuẩn hơn, sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên lưu loát hơn, tăng vốn từ vựng và kiến thức học được phong phú trong nhiều lĩnh vực, hiểu câu từ được sử dụng trong ngữ cảnh nào...

 

Tùy thuộc vào độ tuổi của con, ba mẹ có thể cho phép thời gian sử dụng thiết bị theo nhiều cách khác nhau để có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ở đây, mình muốn nói đến cụ thể ngôn ngữ mục tiêu đó là tiếng Anh. Vậy ở nhà, cha mẹ có đang áp dụng nguyên tắc screen time với con không và  áp dụng như thế nào?


Dưới đây là một số gợi ý được đưa ra trong bài viết “How to use screen time to your advantage for bilingual kids” bởi trang www.bilingualkidspot.com mà ba mẹ có thể áp dụng:


1./Cho con xem nội dung bằng tiếng Anh dành cho trẻ em


Nếu con bạn muốn xem TV hoặc sử dụng I-pad, điện thoại, hãy chọn các chương trình và ứng dụng bằng ngôn ngữ mục tiêu (ở đây ngôn ngữ mục tiêu của mình là tiếng Anh) thay vì cho xem những chương trình giải trí không có mục đích giáo dục. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp xúc tiếng Anh nhiều hơn một chút và có thể tiếp thu thêm những từ vựng và cách diễn đạt mới với ngôn ngữ mà trẻ vốn có ít điều kiện tiếp xúc..


2./ Khi có thể hãy xem cùng con


Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được nhưng điều này đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ. Như đã được đề cập ở trên, trẻ 2 đến 5 tuổi, nếu ba mẹ định cho phép trẻ xem chương trình nào đó, ba mẹ hãy cố gắng xem cùng con và tương tác trò chuyện trong suốt chương trình, chỉ tay và giải thích những gì đang diễn ra. Tương tác là chìa khóa giúp con hiểu về ngôn ngữ, phát triển vốn từ và hiểu hoàn cảnh sử dụng của câu từ trong đó.


3./Chọn chương trình cho trẻ xem thay vì để trẻ tự chọn


Bằng cách chọn các chương trình cho con, ưu tiên các chương trình tương tác và giáo dục, bạn không chỉ luôn biết trẻ đang xem nội dung phù hợp mà còn biết rằng trẻ đang học cùng lúc.


4./Lựa chọn các chương trình có tính tương tác


Thay vì ngồi thụ động chỉ nhìn và nghe, việc xem chương trình có tính tương tác cũng sẽ khuyến khích trẻ vận động và phản hồi lại. Các chương trình tương tác với nội dung thực tế hoặc phim hoạt hình khuyến khích phản hồi từ trẻ sẽ có tác động tốt nhất vì chúng khuyến khích việc sử dụng ngôn ngữ ở trẻ. 


Youtube là một nguồn tài nguyên tiếng Anh vô cùng rộng lớn và nhiều chương trình hữu ích cho mọi lứa tuổi mà cha mẹ không nên bỏ qua. Nếu ba mẹ chưa biết chọn kênh nào, hãy tham khảo bài viết này.


5./Tải về máy các ứng dụng giáo dục để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ.


Sử dụng ứng dụng trực tuyến trong học tiếng Anh như: đọc truyện có ngữ điệu và phát âm chuẩn theo người bản ngữ, xây dựng chương trình học tích hợp các video. Chuỗi từ vựng theo chủ đề, các trò chơi tương tác kích thích trẻ nói theo hoặc kiểm tra kiến thức giúp trẻ ghi nhớ. Có những ứng dụng còn tích hợp chức năng cài đặt giới hạn thời gian (Screen time setting) dành cho cha mẹ để đảm bảo bé không tiếp xúc màn hình vượt quá thời gian cho phép.


Để sử dụng những ứng dụng và chương trình này một cách có lợi, hãy đảm bảo rằng những ứng dụng và chương trình bạn chọn phù hợp với lứa tuổi và có tính tương tác. Hãy tự mình thử chúng trước, điều đó cho phép bạn biết chính xác con bạn sẽ cần phân bổ thời gian sử dụng như thế nào và chúng sẽ học gì từ chương trình, trang web đó. 


Một số ứng dụng học tiếng Anh cho bé khá phổ biến và hữu ích ba mẹ có thể tham khảo. Những app này có mất phí, ngoài ra cũng có những app không mất phí. Ba mẹ hãy dành thời gian sử dụng thử để trải nghiệm và cân nhắc có nên sử dụng app như một phần bổ trợ, giải trí, tăng tương tác ngôn ngữ cho con không nhé: 

  • Lingokids (ứng dụng có tích hợp tính năng cài đặt giới hạn thời gian)

  • LearnEnglish Kids: Playtime,

  • Epic

  • Khan Academy Kid

III. Cách mình đang áp dụng với bé 4 tuổi nhà mình


Với bé nhà mình, mình áp dụng cho phép Screen time bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Mình giới hạn thời gian một ngày bé được xem 3 lần, mỗi lần 10 phút, có thể xem bài hát, hoạt hình, video đọc sách truyện, các chương trình dạy từ vựng theo chủ đề dành cho thiếu nhi bằng tiếng Anh.


Mình chủ yếu sử dụng nguồn video trên kênh Youtube, lựa chọn những kênh có nội dung phù hợp với lứa tuổi của con như Super simple song, English sing sing, Super Storytime, Little Fox - Kids Stories and Songs, Peppa Pig, và gần đây nhất thì Sóc nhà mình thích xem Ms Rachel - Toddler learning videos (do ảnh hưởng của hoạt động Shadowing từ cộng đồng Dạy trẻ song ngữ)…


Vừa xem mình vừa trò chuyện tương tác cùng con để con hiểu nội dung video, lặp lại các từ mới xuất hiện trong video đó để con ghi nhớ, qua đó mẹ cũng được dịp học lại và bồi dưỡng thêm từ vựng tiếng Anh cùng con. Đôi lúc con có xin mẹ xem thêm 5 phút nếu đang xem dở một video mà bé rất thích, mình cũng đồng ý vì trẻ con mà ☺, không cần quá cứng nhắc. 


Mình cố gắng học và ghi nhớ những gì con học qua screen time để nhắc lại cho con ngoài thời gian xem màn hình, áp dụng vào cuộc sống nếu có thể để con ghi nhớ thêm và vận dụng ngôn ngữ vào đời sống. Khi con ở độ tuổi dưới 2, mình cố gắng hạn chế cho con xem, thay vào đó sẽ cho con nghe nhạc, nghe audio đọc sách truyện, để con vẫn được tiếp nhận ngữ điệu và phát âm chuẩn từ người bản ngữ.


Tóm lại thì: Khi biết sử dụng hiệu quả, việc xem thiết bị có thể là một công cụ bổ sung để hỗ trợ phát triển song ngữ ở trẻ.


Nguồn tham khảo:


Mẹ Sóc Thu Trang


105 views0 comments
bottom of page